CÔNG NHÂN TRONG VÒNG XOÁY TÍN DỤNG ĐEN - BÀI 1

Sống mòn cạnh khu công nghiệp

Lương ba cọc ba đồng nên nhiều công nhân tại các khu công nghiệp phải vay nặng lãi để có tiền chi tiêu sinh hoạt, đóng học phí cho con, chữa bệnh… Họ bị cuốn vào vòng xoáy của tín dụng đen và bi kịch xảy ra.

Vào một buổi chiều cuối tháng 7-2015, chúng tôi đến nhiều khu nhà trọ để ghi nhận cuộc sống của các công nhân đang sinh sống, làm việc trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Nhìn chung, công nhân nơi đây đang phải ở trong những căn phòng trọ giá rẻ, nằm sâu trong các con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo. Những dãy nhà trọ được cất san sát nhau. Hầu hết chúng được tạo thành từ những vách gạch cũ kỹ, mái tôn với nền xi măng ẩm thấp. Mỗi căn phòng trọ chỉ rộng trên dưới chục mét vuông nhưng chứa đến bốn, năm người.

Ăn mì gói chờ lương

Tại một phòng trọ ẩm thấp ở ấp 1, xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai), chị Nguyễn Thị Vân (35 tuổi), làm việc ở một công ty gỗ đóng trên địa bàn, vừa dọn dẹp, vừa nấu bữa cơm chiều. Ngay cửa ra vào là mẹ chồng cùng con trai chị Vân đang ngồi chơi đùa. Trên tường phòng trọ, quần áo treo khắp nơi, xen kẽ với những dụng cụ nấu ăn.

Căn phòng trọ rộng chỉ khoảng 10 m2 này là nơi ăn ở, sinh hoạt của ba người lớn và một em bé nên nóng hầm hập và ngột ngạt. Chị Vân đang nấu ăn nên mồ hôi trên mặt chị rơi lã chã.

Đưa tay quệt mồ hôi, chị Vân kể quê ở miền Tây. Gia đình chị Vân khó khăn, lại không có ruộng nên sau khi sinh con đầu thì vợ chồng chị gửi nhờ nội, ngoại chăm sóc. Hai vợ chồng lên Đồng Nai xin làm công nhân. Do đồng lương ít ỏi nên mỗi tháng chỉ vừa đủ chi phí sinh hoạt và một phần ít gửi về quê lo cho con nhỏ. Hầu như lương tháng nào hết sạch tháng đó. Ba năm trước, chị Vân sinh cháu thứ hai thì cuộc sống càng thêm khó khăn. Lúc này công việc không thể bỏ, anh chị không muốn con nhỏ xa cha mẹ sớm nên chị Vân đón mẹ chồng lên giúp chăm cháu.

Đồng lương công nhân của hai vợ chồng vốn đã eo hẹp, lại càng khó khăn hơn trước. Gánh nặng còn đè lên vai chị Vân vì mới đây chồng chị phải nghỉ việc, chưa tìm được việc mới. Một mình chị Vân phải lo cho bốn miệng ăn, chưa kể phải gửi tiền về quê cho con lớn ăn học. “Lương tháng nào hết tháng đó. Chúng tôi chi tiêu tiết kiệm, mua đồ ăn phải lựa chỗ rẻ dù biết rõ không tươi, ngon. Dù vậy có những lúc vẫn túng thiếu, đành ăn mì gói chờ lương” - chị Vân thở dài.

Nhiều khu nhà trọ giá rẻ (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) với hàng chục phòng nhưng có chung nhà tắm, nhà vệ sinh nhếch nhác. Ảnh: TIẾN DŨNG

Tương lai bất định

Trong căn nhà trọ tại phường Long Bình (TP Biên Hòa), giữa cái nắng gắt buổi trưa, mồ hôi nhễ nhại, chị Nguyễn Thị Mai (24 tuổi, quê Nghệ An) kể về gia cảnh éo le của mình. Mẹ chị Mai đau ốm liên miên, còn cha sức khỏe cũng yếu. Cho nên dù có học giỏi nhưng sau khi xong lớp 12, chị Mai đành tạm gác ước mơ vào giảng đường đại học và khăn gói theo chị gái vào Đồng Nai làm công nhân.

Chị Mai nói đã cố bám trụ và mong ngóng một ngày khi đã để dành được một ít tiền sẽ đi học lại. Thế nhưng bất hạnh ập đến, mẹ chị Mai qua đời nên chị phải cùng chị gái về lo ma chay cho mẹ. Sau đó chị em Mai trở lại “đời sống công nhân” và khép lại mơ ước học đại học. Cuộc sống chị Mai từ đó chỉ biết đến công ty rồi về nhà... Đến năm 2014, chị Mai yêu rồi cưới một đồng nghiệp chung công ty. Yêu nhanh, cưới vội nên hiện tại chị Mai và chồng sắp đón đứa con đầu lòng nhưng cuộc sống của hai người không mấy ổn định.

Chị Nguyễn Hương (27 tuổi, làm công tại khu công nghiệp Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) cũng đang sống tại căn nhà trọ rộng chừng chục mét vuông, ở chung với bạn bè. Chị Hương kể rằng cuộc sống của chị trôi đi và đến tuổi 27 mới tìm được người yêu. Do chị Hương không có thời gian, không có cơ hội tiếp xúc với nhiều người nên người yêu của chị là người trong công ty.

Dù sao, chị Hương vẫn may mắn hơn một số người, dù đã đến tuổi lập gia đình nhưng vẫn thui thủi sớm hôm một mình trong nhà trọ vì không có điều kiện gặp gỡ, tìm hiểu “một nửa” của mình.

Cố bám trụ để sống

Căn nhà trọ của vợ chồng anh Minh (cả hai là công nhân tại xưởng gỗ ở huyện Vĩnh Cửu) thuê giá 700.000 đồng/tháng. Căn nhà trọ nằm trong dãy hơn 20 phòng nhưng dùng chung phòng vệ sinh. Dù vậy, anh Minh thấy hài lòng vì cho là rẻ so với nhiều dãy nhà trọ khác gần đó. Theo anh Minh, mỗi ngày đi làm vợ chồng anh được 150.000 đồng/người và bao cơm trưa. Tuy nhiên, do chi phí ăn uống, sinh hoạt càng ngày càng tăng trong khi lương không tăng nên tiền lương này cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống, hiếm có tháng dư dả.

Chị Phương (quê Bình Thuận) chấp nhận: “Chỗ ở chật hẹp nắng nóng nhưng đành chịu. Phận xa quê làm công nhân nên ở, ăn uống qua loa cũng được. Miễn sao tới tháng nhận đủ lương và có tiền gửi về quê lo cho con cái ăn học nên người là hạnh phúc rồi”.

Nhiều công nhân cho biết cuộc sống tại nơi ở đã chật chội, thiếu tiện nghi mà họ còn làm việc vất vả, chịu sức ép để “ra” năng suất cao. Chị Phương Thu (làm việc tại một công ty ở khu công nghiệp Amata, Biên Hòa) cho biết hằng ngày chị và đồng nghiệp thường bị o ép, bắt đảm nhận nhiều công đoạn. Thế nên chuyện ứ hàng là khó tránh. Nhưng mỗi lần hàng ứ là bị cấp trên mắng chửi. “Sợ ứ hàng, nhiều khi không dám đi vệ sinh nữa. Có lúc sau khi ăn trưa, công ty vẫn bật máy lên nên những công nhân ứ hàng thì cố gắng làm cho kịp. Điều này cũng làm những người khác không thể ngủ trưa. Ngoài ra trong giờ nghỉ trưa công ty cũng tắt hết quạt, dù có nóng nực cũng không dám lên tiếng” - chị Thu ngán ngẩm.

Chị Thu là lao động chính trong nhà nên cố bám trụ, duy trì thu nhập để có thể lo cho con ăn học. Tuy nhiên, nhiều người cùng công ty của chị Thu đã nộp đơn xin nghỉ, thậm chí nghỉ ngang. Lương hằng tháng của họ không để dành được và lúc này, nhiều người đã đi vay mượn để duy trì cuộc sống, chờ việc mới…

Trông chờ “bàn tay” công đoàn

Sống mòn cạnh khu công nghiệp ảnh 2


Công nhân chúng tôi làm việc vất vả nhưng đồng lương thấp. Lương không đủ trang trải chi phí sinh hoạt, nhất là các khoản đột xuất nên nhiều người đi vay mượn tiền. Ở công ty tôi có một người hay cho vay tiền, cứ cho vay 1 triệu đồng thì lấy lời 100.000 đồng/tháng.Việc cho vay trong công ty không cần giấy tờ nhưng với mức lãi suất cao nên nhiều người, đến cả việc trả lãi cũng gặp khó khăn. Đơn cử, một công nhân có con bị mổ ruột thừa phải vay nóng 5,5 triệu đồng. Nay đã hơn năm tháng nhưng vẫn chưa trả xong, do lương ít quá chỉ đủ trả nhà trọ với tiền học cho con.

Tiền lương cho công nhân thấp, không tích cóp được nên mỗi khi xảy ra chuyện đột xuất thì hầu như phải đi vay, lãi suất cao. Do vậy chúng tôi chỉ mong được tăng lương; đồng thời công đoàn có sự giúp đỡ cụ thể trong các tình huống khó khăn, khẩn cấp.

Công nhân LẠI THỊ DUNG ở khu công nghiệp Amata

Khó thoát khỏi vay mượn

Sống mòn cạnh khu công nghiệp ảnh 3


Tôi thấy mấy người làm chung công ty tôi hay túng thiếu, nhất là cuối tháng. Do ai cũng nghèo nên không giúp nhau được, vì vậy họ kéo nhau đi vay tiền lãi cao. Chủ yếu vay là để trả tiền nhà trọ hoặc vợ ốm con đau, hoặc gửi về quê. Hầu như ai cũng vay, ít thì 1 triệu đồng, nhiều cũng 10 triệu đồng. Dù vậy, do lương thấp nên việc chi trả gặp khó khăn. Thế là lãi mẹ đẻ lãi con khiến đời sống nhiều công nhân càng thêm khốn khó.

Tôi nghĩ các công ty nên tăng lương. Bởi nhiều chi phí (thức ăn, xăng, nhà trọ…) tăng nhưng lương không tăng nên công nhân chúng tôi đã phải vay mượn nợ.

Công nhân NGUYỄN VĨNH THĂNG
ở khu công nghiệp Biên Hòa 1

_____________________________

BÀI 2: Tín dụng đen giăng “bẫy” khắp nơi

Nắm bắt được nhu cầu vay nóng để trang trải cuộc sống của công nhân, vòi bạch tuộc của tín dụng đen đã giăng bẫy khắp nơi rồi đẩy nhiều công nhân vào cảnh điêu đứng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm