Ông mong muốn những nhà tổ chức kiên trì với mục tiêu chiến đấu cho cái đẹp và sự trong sáng của bóng đá Việt Nam.
“Phải giúp được gì cho đời, mà cái công việc ấy càng gai góc thì càng ý nghĩa…” - Phó Chủ tịch VFF Nguyễn Xuân Gụ đã chia sẻ như thế khi nhớ lại hồi còn làm một PV thể thao lăn lộn cùng bóng đá Việt Nam trong gần ba thập niên…
Tình yêu và trách nhiệm…
Ông Nguyễn Xuân Gụ nhắc lại nội dung ông phát biểu: Giải thưởng không chỉ tôn vinh bóng đá đẹp và còn lên án những cái xấu, những điều phi thể thao trong bóng đá. Riêng những nhà tài trợ, những người đồng hành cùng giải thưởng Fair Play của báo đã được ông phó chủ tịch VFF ví rằng họ đến giải không phải vì tiếng, hay đòi hỏi điều gì, hay để ồn ào cho một thương hiệu. Sự đồng hành đấy cho cái đẹp của bóng đá giống như một tình yêu, khó tả mà là cái duyên. “Không phải cứ xếp hàng hay cứ có nhiều tiền là đến được mà là cùng có cái nhìn chung với một mong muốn đi tìm cái đẹp...” - ông Gụ chia sẻ.
Hay nói như Tổng Giám đốc VPF Phạm Ngọc Viễn là từ khi giải Fair Play ra đời, nó đã góp phần làm cho hình ảnh xấu xí, bạo lực của các sân cỏ cả nước giảm xuống. Sự đóng góp âm thầm nhưng đã mang lại hiệu quả, kiểu mưa dầm thấm lâu và nó phải được bồi đắp bằng tình yêu và trách nhiệm.
Hình ảnh đẹp và fair play ở SEA Games khi toàn đội gửi bàn thắng đến cho người đồng đội Tấn Tài mang chiếc áo số 13 dừng cuộc chơi sớm vì chấn thương. Ảnh: ANH PHƯƠNG
Phó Chủ tịch VFF Xuân Gụ (phải) mang tâm sự người lính đến với giải Fair Play. Ảnh trái: nhà báo lão làng Dư Hải đặt câu hỏi. Ảnh: XUÂN HUY
…Và cả sự sòng phẳng
Năm nào cũng thế, nhà báo Dư Hải là một trong những người nêu nhiều câu hỏi và đóng góp nhiều điều mới mẻ cho ban tổ chức nhất. Đó là những thiện chí mong muốn giải thưởng Fair Play ngày càng hoàn thiện hơn và có chiều sâu lẫn chiều rộng. Nhà báo lão làng này “đấu tranh” đòi quyền Fair Play cho bóng đá trẻ ở cấp độ dưới U-21 như U-17, U-15 và cả bóng đá nhi đồng. Một yêu cầu rất chính đáng bởi sân chơi Fair Play vốn dĩ không giới hạn tuổi và thành phần khi mà tiêu chí Fair Play đã được gieo vào từ những bài học vỡ lòng cho các cầu thủ mới vào nghề.
Đấy là điều mà những nhà tổ chức xác định là phải thực hiện mà tuổi lên bốn Fair Play vẫn còn nhiều hạn chế trong từng bước hoàn thiện. Chắc chắn vì khi có ý tưởng hình thành giải này, cố nhà báo Minh Hùng luôn ví von giải Fair Play chính là khu vườn bóng đá nhiều cỏ dại, nhiều rác rồi sau đó là trồng hoa và chăm sóc để khu vườn ngày thêm đẹp và xanh tươi. Tuổi lên bốn, Fair Play còn phải trải qua nhiều bước để hoàn thiện nhưng chắc chắn những hành động fair play từ bóng đá trẻ, bóng đá nhi đồng… nếu có dữ liệu thì những nhà tổ chức sẽ không bỏ qua khi bóng đá vốn là ngôi nhà chung.
Nói như chia sẻ của chuyên gia bóng đá Trần Văn Mui thì tuổi lên bốn, ai cũng hy vọng những nhà tổ chức sẽ không “khổ tâm” với nhiều hình ảnh xấu, hình ảnh đi ngược với tinh thần thể thao mà ngược lại là vui với nhiều hình ảnh đẹp từ khắp các sân cỏ cả nước. Giống như trong tình yêu ai cũng yêu cái đẹp và giữ mãi hình ảnh đẹp đấy…