Theo tòa, năm 2016, Công ty TNHH MTV Cơ khí xây dựng STC đã ủy quyền cho ông Phạm Đại Lợi, là luật sư (LS) của Văn phòng LS Phạm và Liên Danh, làm người đại diện để tham gia tố tụng trong vụ án là phù hợp với các điều: 85, 86 và 87 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS).
Lý do, ông Lợi xác định ông nhận làm người đại diện theo ủy quyền của Công ty STC với tư cách cá nhân. Nguyên đơn cho rằng ông Lợi không đủ tư cách đại diện hợp pháp cho bị đơn nhưng lại không cung cấp được chứng cứ như ông Lợi đã hoặc đang là người đại diện theo ủy quyền cho đương sự khác trong cùng một vụ án có quyền, lợi ích đối lập; hoặc ông Lợi đã vi phạm “Những trường hợp không được làm người đại diện” theo Điều 87 BLTTDS. Từ đó, tòa cho rằng lời trình bày của nguyên đơn là không có căn cứ.
Cạnh đó, tòa còn bác đơn yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn - Công ty TNHH MTV Kỹ Nghệ Sói yêu cầu Công ty STC rút đơn đăng ký nhãn hiệu “Aardwolf, hình” đã nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ năm 2003. Bác đơn khởi kiện của Công ty Kỹ Nghệ Sói yêu cầu hủy quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “Aardwolf, hình” cho Công ty STC.
Luật sư của phía nguyên đơn. Ảnh: NGÂN NGA
Như Pháp Luật TP.HCM từng thông tin, tháng 4-2018, tại phiên xử sơ thẩm của TAND TP.HCM trong vụ tranh chấp nhãn hiệu Aardwolf giữa Công ty TNHH Kỹ Nghệ Sói (chuyên sản xuất dụng cụ kẹp đá cùng các sản phẩm cơ khí khác) và Công ty TNHH MTV Cơ khí xây dựng STC đã xảy ra một tình huống pháp lý đáng chú ý.
Cụ thể, tại tòa, LS bảo vệ cho Công ty Kỹ Nghệ Sói (nguyên đơn) nói vào năm 2003, Văn phòng LS Phạm và Liên Danh đã đại diện cho Công ty Herdgraph Pty Ltd (Công ty Herdgraph Pty Ltd sau này chuyển giao quyền nộp đơn cho Kỹ Nghệ Sói) nộp đơn đăng ký nhãn hiệu Aardwolf tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Tuy nhiên, tại phiên tòa này, cũng chính Văn phòng LS Phạm và Liên Danh lại cử LS Phạm Đại Lợi làm đại diện theo ủy quyền cho Công ty STC (bị đơn).
Cho rằng việc làm trên là vi phạm đạo đức nghề nghiệp LS bởi: “Những thông tin trước đây anh biết về một bên, nay anh lại sử dụng thông tin ấy để làm lợi cho khách hàng của mình”. Từ đó, LS của Công ty Kỹ Nghệ Sói đề nghị HĐXX xem xét lại tư cách đại diện theo ủy quyền của bị đơn.
Ngược lại, ông Lợi cho rằng mình và văn phòng không vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Lý do, phía ông chưa từng đại diện cho Công ty Kỹ Nghệ Sói nộp đơn đăng ký nhãn hiệu Aardwolf mà chỉ đại diện cho Công ty Herdgraph Pty Ltd. Đây là hai chủ thể hoàn toàn khác nhau. Cạnh đó, năm 2016, ông được Công ty STC ủy quyền tham gia tố tụng trong vụ án này với tư cách cá nhân. Mặt khác, luật không có quy định nào hạn chế ông đại diện cho bị đơn trong vụ án.
Cuối cùng, mới đây TAND TP.HCM đã có phán quyết như trên.
Được biết trước đó vào năm 2016, Công ty Kỹ Nghệ Sói đã từng có đơn khiếu nại lên Đoàn LS TP Hà Nội nhưng bị bác đơn.
Không đồng tình, Công ty Kỹ Nghệ Sói tiếp tục khiếu nại. Tháng 7-2017, Liên đoàn LS Việt Nam chuyển hồ sơ cho Đoàn LS TP Hà Nội giải quyết lại vì cho rằng có dấu hiệu vi phạm Điều 11 và Điều 12 Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp LS, cũng như Luật LS về xung đột lợi ích và bí mật thông tin của khách hàng.
Giải quyết lần hai, tháng 8-2017, Đoàn LS TP Hà Nội cho rằng không có căn cứ để chấp nhận khiếu nại của Công ty Kỹ Nghệ Sói…
(PL)- Tại phiên tòa, LS của nguyên đơn đã tố LS đại diện theo ủy quyền của bị đơn vi phạm đạo đức nghề nghiệp LS khi cung cấp dịch vụ cho bên đối kháng…