'Tòa không có lỗi khi kết án oan'

Dự thảo (lần V) của TAND Tối cao về quy chế xử lý trách nhiệm đối với người giữ chức danh tư pháp trong các TAND hiện có nêu hai luồng ý kiến đang gây tranh cãi:

1. Thẩm phán bị bố trí làm công việc khác và không xem xét tái bổ nhiệm nếu ra bản án tuyên bị cáo phạm tội nhưng sau đó có bản án hoặc quyết định có hiệu lực của tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền kết luận bị cáo đó không phạm tội.

2. Trong một năm, thẩm phán bỏ lọt tội phạm đối với một bị cáo do lỗi chủ quan hoặc khi VKS truy tố, thẩm phán xử không có tội nhưng sau đó tòa án cấp trên xử bị cáo có tội thì cũng phải chịu trách nhiệm.

Trong bài viết “Để thẩm phán dám dũng cảm tuyên vô tội” của ông Đinh Văn Quế (nguyên Chánh Tòa Hình sự, TAND Tối cao) mới đây cho rằng: Không có nhiều những thẩm phán dũng cảm tuyên vô tội bởi họ còn ràng buộc nhiều thứ, trong đó có việc bị đánh giá thi đua hay xem xét khi tái bổ nhiệm thẩm phán nếu họ tuyên vô tội mà án bị hủy. 

Ý kiến này của ông Quế được PLO cho rằng trùng luồng ý kiến thứ nhất là không nên quy định xử lý trách nhiệm đối với thẩm phán bỏ lọt tội phạm.

Một bạn đọc không đồng tình về điều này đã gửi ý kiến phân tích như sau(chúng tôi xin trích đăng nguyên văn):

“Theo tôi không hẳn ý kiến của ông Đinh Văn Quế trùng với luồng ý kiến thứ nhất là không nên quy định xử lý trách nhiệm đối với thẩm phán bỏ lọt tội phạm.

Ông Quế chỉ đề xuất nếu HĐXX trong đó có thẩm phán thấy các lý lẽ, bằng chứng kết tội mà cơ quan điều tra, VKS đưa ra không đủ vững chắc thì nên mạnh dạn tuyên vô tội, dù trên thực tế có thể bị can là tội phạm thật. Hành vi này không thể gọi là bỏ lọt tội phạm, vì HĐXX chỉ tuyên án dựa trên các bằng chứng, lý lẽ các bên đưa ra tại phiên tòa và Tòa hoàn toàn không có lỗi nếu cơ quan điều tra, VKS không đưa ra được các bằng chứng, lập luận vững chắc.

Nếu sau khi Tòa tuyên vô tội mà án bị hủy, điều tra xét xử lại và tuyên bị cáo có tội, thì điều đó không chứng tỏ HĐXX khi trước thiếu trách nhiệm. Chỉ coi là thiếu trách nhiệm dẫn đến bỏ lọt tội phạm nếu như chứng minh được rằng các bằng chứng, lý lẽ của cơ quan điều tra, VKS rất vững chắc mà HĐXX và thẩm phán cố tình tuyên không phạm tội. Với việc kết án oan, thường thì không phải các lập luận, bằng chứng của bên công tố vững chắc đến nỗi khiến HĐXX tin ngay (nếu đúng như thế thì cũng không nên kết luận HĐXX làm việc thiếu trách nhiệm gây oan sai dù sau này Tòa cấp trên có tuyên vô tội), mà ngay tại phiên tòa bị cáo và các luật sư đã phản cung, chỉ ra những mâu thuẫn, sai sót nghiêm trọng trong lập luận, bằng chứng của bên công tố, nhưng đã không được HĐXX lắng nghe, cứ tuyên án bừa. Thành thử khi dư luận lên tiếng, Tòa cấp trên xử lại và tuyên vô tội thì ai cũng thấy HĐXX lúc trước đúng là thiếu trách nhiệm chứ không vô can chút nào.

Tóm lại, việc HĐXX và thẩm phán có làm oan hay bỏ lọt tội phạm hay không thì trước hết và quan trọng nhất là phải xem xét tiến trình phiên tòa xem họ đã làm việc hết trách nhiệm chưa, chứ không thể chỉ dựa vào bản án sau đó của các Tòa và HĐXX khác mà kết luận ngay được.

Như đã phân tích ở trên, việc tuyên vô tội không đồng nghĩa với bỏ lọt tội phạm và việc tuyên có tội cũng không đồng nghĩa với việc kết án oan. Bởi đặc thù của công việc xét xử là thế - chỉ dựa vào các bằng chứng, lý lẽ do các bên đưa ra, thấy bên nào thuyết phục hơn thì tuyên theo bên đó, hoặc thậm chí nếu cả hai bên đều không thuyết phục lắm thì tuyên vô tội, vì chỉ cần phía công tố không đủ thuyết phục là đã có "điều kiện đủ" để tuyên vô tội theo đúng nguyên tắc suy đoán vô tội”.

LƯU QUANG ĐẠO (lqdao@pvfcco.com.vn)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm