Ngày 11-9, phiên xử đại án OceanBank bước sang ngày làm việc thứ 11. Bốn lãnh đạo của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn được tòa thông báo triệu tập ở phiên xử 9-9 đều có mặt gồm: Ông Nguyễn Hoài Giang (chủ tịch HĐQT), ông Đinh Văn Ngọc (cựu tổng giám đốc (TGĐ)), ông Vũ Mạnh Tùng (Phó TGĐ), ông Phạm Xuân Quang (kế toán trưởng). Tại phiên tòa cuối tuần trước, cựu TGĐ OceanBank Nguyễn Minh Thu khai đã nhiều lần đến gặp và đưa tiền chi lãi ngoài cho bốn người này khoảng 19 tỉ đồng.
Lãnh đạo Bình Sơn nói bị vu khống
Theo bị cáo Nguyễn Minh Thu, giai đoạn làm phó TGĐ, bị cáo không trực tiếp chi lãi ngoài. Khi làm TGĐ (từ tháng 1-2011) thì chi trực tiếp cho ba khách hàng là Vietsovpetro, Lọc hóa dầu Bình Sơn và Tổng Công ty Dầu Việt Nam.
Bị cáo Thu xác nhận việc chi “chăm sóc khách hàng” từ tháng 7-2012 đến tháng 6-2014. Riêng chủ tịch, TGĐ, bị cáo gặp tại Công ty Bình Sơn, có một lần gặp ở sảnh khách sạn đối diện với sông Sài Gòn. Với phó TGĐ, kế toán trưởng thì còn có một số lần gặp ở ban quản lý tại Quảng Ngãi, một lần gặp phó TGĐ Vũ Mạnh Tùng ở khách sạn Rex.
Bị cáo Thu khai việc “chăm sóc khách hàng” thường diễn ra bốn lần trong năm, số tiền bình thường là 100-200 triệu đồng, nhiều nhất là 500 triệu đồng. Với TGĐ, chủ tịch, số tiền khoảng 500 triệu đến 1 tỉ đồng/lần. Thu thường nhờ bị cáo Phan Thị Tú Anh (giám đốc Chi nhánh Quảng Ngãi) liên hệ trước, có khi thì cựu phó TGĐ Nguyễn Thị Minh Phương đi cùng.
Bị cáo Tú Anh thừa nhận có nhận phong bì từ bị cáo Thu chuyển lại cho kế toán trưởng Quang nhưng không biết trong phong bì có gì và cũng không nhớ phong bì to hay nhỏ.
Khi được tòa mời đối chất, kế toán trưởng Quang thừa nhận công ty này có quan hệ tín dụng với OceanBank. Ông Quang nói không nhớ công ty đã gửi bao nhiêu tiền tại OceanBank, chỉ nhớ là gửi nhiều lần, hợp đồng cao nhất 1.100 tỉ đồng, thấp nhất là 2 tỉ đồng.
Ông Quang cùng các lãnh đạo Bình Sơn đều phủ nhận việc nhận tiền chi lãi ngoài từ OceanBank và cho rằng đây chỉ là lời khai một chiều của bị cáo. “Tập đoàn Dầu khí PVN có nhiều lần chỉ đạo Bình Sơn phải mở tài khoản, giao dịch tại OceanBank. Không có lý do gì OceanBank phải chi tiền cho Bình Sơn cả” - chủ tịch HĐTV Nguyễn Hoài Giang nói.
Cựu TGĐ Bình Sơn Đinh Văn Ngọc còn gay gắt: “Tôi ý thức rất rõ mình đang làm việc với cơ quan pháp luật của Nhà nước. Tôi xin chịu trách nhiệm trước pháp luật về lời khai của mình. Tôi khẳng định lời khai của bị cáo Thu đối với tôi hoàn toàn thiếu chính xác và bịa đặt. Nếu có bằng chứng về việc bịa đặt này thì Điều 122 BLHS có tội danh về vu khống, tôi đề nghị xem xét Minh Thu về tội này”.
Ông Phạm Xuân Quang (đứng), kế toán trưởng Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, trả lời tòa. Ảnh: TP
Luật sư nghi ngờ có “vùng cấm”
Tại tòa, cựu chủ tịch OceanBank Hà Văn Thắm cho biết chưa nhận được thông báo chính thức về việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại OceanBank với giá 0 đồng, dù bị cáo là cổ đông chiếm 62,9% vốn điều lệ. Luật sư (LS) của bị cáo Thắm đặt nhiều câu hỏi với ông Trần Anh Hùng, đại diện NHNN nhưng ông Hùng từ chối trả lời.
Vị LS cho biết có hai báo cáo kiểm toán, cùng số, cùng ngày nhưng nội dung đối lập. Một phục vụ gửi cho cổ đông từ chối kết luận kiểm toán, tức là không có số liệu. Một có số liệu thể hiện số âm là 14.000 tỉ đồng, lại là kiểm toán theo yêu cầu đặc biệt của NHNN, chỉ sử dụng cho NHNN, không sử dụng vào mục đích khác...
“Về nguyên tắc, tài liệu này phải được gửi cho cổ đông nắm được thực trạng tài chính của ngân hàng. Ông có biết có hai báo cáo kiểm toán này không?” - LS hỏi. Đáp lại, ông Hùng nói: “Các câu hỏi liên quan đến trình tự NHNN mua lại OceanBank, chúng tôi đã trả lời HĐXX là đều tuân thủ các quy định của pháp luật. Tất cả câu hỏi liên quan đến việc NHNN mua lại OceanBank với giá 0 đồng chúng tôi không trả lời nữa”.
LS hỏi tiếp: “Liệu có “vùng cấm” nào đối với HĐXX trong vụ án này hay không?”. LS cho rằng ông chỉ hỏi việc NHNN mua OceanBank với giá 0 đồng ở góc độ tài chính nhưng nếu coi là “vùng cấm” thì sẽ khó khăn trong chứng minh tội phạm.
Thẩm phán chủ tọa trả lời ngay: “Phiên tòa này là công khai nên không có “vùng cấm” nào với HĐXX cả. HĐXX chịu trách nhiệm trước Nhà nước về kết quả hoạt động, về sự đúng đắn. Nhưng giới hạn của việc xét xử HĐXX đã công bố rồi. Với tất cả tài liệu chứng minh, các tình tiết, luận cứ để xem xét cho các bị cáo, LS có quyền nói khi phần tranh luận”.
Kết thúc giờ làm việc buổi sáng, HĐXX bất ngờ công bố kết thúc phần xét hỏi và cho biết sẽ xử lại vào sáng 14-9.
Điệp khúc: “Tôi không trả lời câu hỏi của LS” LS của bị cáo Hà Văn Thắm hỏi ông Trần Anh Hùng, đại diện NHNN: . Bốn nội dung NHNN còn nợ chưa trả lời HĐXX, bây giờ ông đã trả lời được chưa? + Câu hỏi này tôi không có trách nhiệm trả lời LS. Thẩm phán giải thích: LS là người tham gia tố tụng, được quyền tham gia xét hỏi, ông có thể trả lời LS. . Vị LS hỏi tiếp: Trách nhiệm của NHNN khi không phát hiện và cảnh báo việc chi lãi suất ngoài hợp đồng ra sao? + Câu hỏi này HĐXX đã hỏi, tôi sẽ trả lời HĐXX, không trả lời LS. . Tôi chỉ nhắc lại câu hỏi của HĐXX, không phải câu hỏi của tôi. + Nếu HĐXX cho phép tôi sẽ trả lời các câu hỏi mà HĐXX đặt ra đối với NHNN. Sau đó ông Hùng nói: NHNN là cơ quan trung ương, không có trách nhiệm giám sát trực tiếp đối với các tổ chức tín tụng. Người giám sát trực tiếp là NHNN chi nhánh các tỉnh, thành thông qua các kết luận thanh tra…. LS của Hà Văn Thắm tiếp tục hỏi đại diện NHNN: . Trước khi mua (bắt buộc) lại OceanBank, NHNN có gửi báo cáo kiểm toán cho các cổ đông lớn không? + Câu hỏi này chúng tôi đã trả lời HĐXX nên xin phép không trả lời câu hỏi của LS. . Báo cáo kiểm toán là tài liệu bắt buộc phải gửi đến để cổ đông xác định được thực trạng Ngân hàng OceanBank trước khi OceanBank bị NHNN mua lại với giá 0 đồng. Sao tôi cứ đặt câu hỏi là ông né? + NHNN mua lại OceanBank với giá 0 đồng, HĐXX đã cho ý kiến nên tôi sẽ không trả lời câu hỏi của LS. . Trước khi tổ chức họp đại hội cổ đông, NHNN có văn bản gửi tổ chức kiểm toán Young để tiến hành kiểm toán theo yêu cầu của NHNN hay không? + Tôi xin phép không trả lời câu hỏi này. |