Tòa sửa án vụ 'đòi đất từ thời ông cố'

(PLO)- Theo tòa phúc thẩm, nguyên đơn không chứng minh được chủ đất từ xa xưa chính là ông cố của mình.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 28-7, TAND tỉnh Bạc Liêu đã xét xử phúc thẩm vụ án “đòi đất từ thời ông cố” giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Thanh Bạch (ngụ xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) và bị đơn là ông Lê Kim Sơn (ngụ phường 2, TP Bạc Liêu, Bạc Liêu).

HĐXX đã tuyên sửa án sơ thẩm, chấp nhận kháng cáo của bị đơn, bác toàn bộ yêu cầu đòi đất của nguyên đơn với nhiều lý do, trong đó có lý do nguyên đơn không chứng minh được chủ đất từ xa xưa chính là ông cố của mình.

Một góc phần đất tranh chấp. Ảnh: TRẦN VŨ

Một góc phần đất tranh chấp. Ảnh: TRẦN VŨ

“Đất do cha mẹ bị đơn khai phá”

HĐXX nhận định nguyên đơn không đủ chứng cứ để chứng minh phần đất tranh chấp là của mình. Cụ thể là ông Bạch cho rằng nguồn gốc thửa đất tranh chấp là đất của ông Nguyễn Ngọc Đường, là ông cố của mình đã cho lại cha mẹ mình. Nhưng ông Bạch lại không chứng minh được ông Nguyễn Ngọc Đường chính là ông cố của mình.

Nguyên đơn cũng không chứng minh được thửa đất được cấp trên giấy điền thổ thời Pháp thuộc mang tên Nguyễn Ngọc Đường trùng với thửa đất tranh chấp. Nội dung làm chứng của các nhân chứng cho rằng “đất tranh chấp vốn của ông Bạch cho phía bị đơn mượn trước đây” cũng bị tòa bác vì những nhân chứng này chỉ nghe từ một phía ông Bạch nói.

HĐXX phúc thẩm chấp nhận lập luận và chứng cứ từ phía bị đơn rằng đất tranh chấp có nguồn gốc của ông chủ Đường (ông Nguyễn Ngọc Đường) nhưng bỏ hoang nên cha mẹ bị đơn đến khai phá, sử dụng từ năm 1977, sau đó cho tặng lại ông quản lý sử dụng từ năm 1992 đến nay.

Các chứng cứ về thực tế quản lý sử dụng, nộp thuế của ông Sơn, hồ sơ giải quyết tranh chấp đất của chính quyền từ năm 2008 cũng được HĐXX đánh giá kỹ lưỡng.

Kết quả, HĐXX phúc thẩm đã tuyên sửa bản án sơ thẩm của TAND TP Bạc Liêu, công nhận bị đơn Lê Văn Sơn là người có quyền sử dụng đất toàn bộ thửa đất tranh chấp hơn 2.300 m2 tại khóm 4, phường 2, TP Bạc Liêu.

Đất tranh chấp có nguồn gốc của ông chủ Đường nhưng bỏ hoang nên cha mẹ bị đơn đến khai phá, sử dụng từ năm 1977, sau đó cho tặng lại ông quản lý, sử dụng từ năm 1992 đến nay.

Ban Nội chính Tỉnh ủy lên tiếng

Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, từ năm 2008, ông Bạch kiện ông Sơn đòi thửa đất hơn 2.300 m2 mà ông Sơn đang quản lý, sử dụng. Bằng chứng của ông là tờ giấy điền thổ mang tên Nguyễn Ngọc Đường, được cấp từ thời Pháp thuộc và các xác nhận của những người láng giềng, chính quyền địa phương thời nay.

Theo ông Bạch, năm 1984, ông cho cha vợ là ông Lê Văn Lô mượn ở. Ông Sơn là con ông Lô, ở cùng ông Lô, sau đó đã chiếm thửa đất của ông nên nay ông đòi lại.

Xử sơ thẩm, TAND TP Bạc Liêu tuyên chấp nhận yêu cầu đòi đất của nguyên đơn, buộc bị đơn trả lại giá trị đất cho nguyên đơn (bằng tiền hơn 10,3 tỉ đồng).

Sau khi bản án sơ thẩm được ban hành, Ban Nội chính Tỉnh ủy Bạc Liêu đã có văn bản đề nghị TAND tỉnh Bạc Liêu xem xét lại bản án này.

Báo cáo số 315 ngày 2-11-2022 của Ban Nội chính Tỉnh ủy Bạc Liêu báo cáo đến Tỉnh ủy Bạc Liêu nêu: “Lời khai của các nhân chứng có nhiều mâu thuẫn, lúc xác định nguồn gốc đất là của cha mẹ ông Bạch, lúc xác định là của ông chủ Đường (tức Nguyễn Ngọc Đường) - ông cố của ông Bạch nhưng không có giấy tờ nào để chứng minh ông Bạch có quan hệ thân tộc với ông Đường. Và cũng không có căn cứ về việc tặng cho từ đời này sang đời khác… Như vậy, việc TAND TP Bạc Liêu công nhận phần đất tranh chấp là của ông Bạch là chưa khách quan, làm thiệt hại quyền lợi của ông Sơn”.•

Kiểm sát dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp

Sau phán quyết của tòa sơ thẩm, ông Sơn đã kháng cáo. Ông còn gửi đơn tố cáo đến VKSND Tối cao, đề nghị cơ quan này xem xét dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp trong vụ án.

Từ tố cáo của công dân, ngày 27-4-2023, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao có Công văn 1403 gửi VKSND tỉnh Bạc Liêu yêu cầu kiểm sát dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp trong vụ án này.

Công văn trên nêu: “Nếu phát hiện thấy có dấu hiệu của tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp thì chuyển đến Cơ quan điều tra VKSND Tối cao để xử lý theo quy định của pháp luật”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm