Tòa tuyên án “kín”, được không?

Theo hồ sơ, tối 7-1, chị THY đã đến Công an phường 19, quận Bình Thạnh (TP.HCM) trình báo về việc em trai của chị bị ĐTTT tạt acid. Đầu đuôi sự việc là em trai chị Y. đã có vợ nhưng vẫn quan hệ tình cảm với T. Sau khi biết chuyện, T. liền hẹn em trai của chị đến chung cư Phạm Viết Chánh (phường 19) để gặp và gây ra sự việc trên.

Ai có liên quan mới được nghe tuyên án

Sau đó, T. bị khởi tố, truy tố về tội cố ý gây thương tích. Xử sơ thẩm, TAND quận Bình Thạnh đã tuyên phạt T. bốn năm sáu tháng tù. Sau phiên xử, T. kháng cáo xin giảm án.

Tại phiên xử phúc thẩm, cả phía bị cáo lẫn nạn nhân đều yêu cầu xử kín do không muốn tổn thương danh dự và bị xâm phạm đời tư. Xét yêu cầu này của họ là chính đáng, hợp lý nên tòa phúc thẩm đã chấp nhận. Tuy nhiên, đến phần tuyên án, thay vì tuyên án công khai thì tòa phúc thẩm lại đóng cửa phòng xử không cho ai vào theo dõi, ngoại trừ HĐXX, thư ký phiên tòa, kiểm sát viên, luật sư, bị cáo và người bị hại. Kết quả là bị cáo T. được tòa giảm một phần hình phạt, còn bốn năm tù.

Hai quan điểm trái ngược

Việc tòa đóng cửa phòng xử, chỉ cho những người tiến hành tố tụng, tham gia tố tụng nghe tuyên án là một sự kiện hi hữu bởi trong thực tiễn xét xử, với các vụ án được xử kín tương tự, khi tuyên án, các tòa vẫn mở cửa phòng xử và tuyên đọc bản án công khai. Bởi lẽ Điều 18 BLTTHS hiện hành đã quy định: “Việc xét xử của tòa án được tiến hành công khai, mọi người đều có quyền tham dự, trừ trường hợp do bộ luật này quy định. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc hoặc để giữ bí mật của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ thì tòa án xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai”.

Tòa tuyên án “kín”, được không? ảnh 1

Chúng tôi đã trao đổi với một số chuyên gia pháp luật và nhận được hai luồng quan điểm trái ngược.

Theo kiểm sát viên Nguyễn Anh Đức (Bố Trạch, Quảng Bình), tòa có thể xử kín nhưng khi tuyên án phải công khai, nghĩa là tuyên cho mọi người cùng nghe chứ không giới hạn trong những người tiến hành tố tụng hay tham gia tố tụng. Quy định này đảm bảo rằng phán quyết của tòa phải được công khai, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, đảm bảo được mục tiêu răn đe và phòng ngừa chung. Một điều quan trọng nữa của việc tuyên án công khai đó là bản án sẽ được nhân dân, xã hội giám sát.

Ngược lại, Thẩm phán Vũ Phi Long (Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM) lại hiểu luật quy định “tuyên án công khai” theo nghĩa tòa chỉ công khai với những người đã tham gia phiên tòa chứ không phải cho cả những người không liên quan đến vụ án. Ông lý giải: Nếu tòa công khai tuyên án cho cả những người không liên quan đến vụ án nghe thì vụ án sẽ không còn là xử kín nữa. Bởi lẽ dù xử kín nhưng bản án khi tuyên vẫn phải đảm bảo đầy đủ các tiêu chí của một bản án thông thường, không thể cắt bớt hay lược bỏ các phần nhạy cảm, không thể viết tắt tên của bị cáo hay người bị hại…

Còn theo luật sư Lê Thành Kính (Đoàn Luật sư TP.HCM), cách hiểu phổ biến hiện nay về “tuyên án công khai” là mọi người ai cũng có quyền được nghe. Tuy nhiên, luật sư Kính cũng băn khoăn rằng nếu bản án được tuyên công khai như thế thì chắc chắn mọi người đều biết được nội dung vụ án, vậy thì còn gì là xử kín nữa. Vì vậy, luật sư Kính cho rằng các cơ quan tố tụng trung ương cần phải có sự xem xét, hướng dẫn về trình tự xử kín sao cho phù hợp và đúng ý nghĩa.

Chúng tôi sẽ tiếp tục lấy ý kiến của các chuyên gia và thông tin tới bạn đọc.

Chế định xử kín được quy định từ BLTTHS năm 1988. Theo nhiều chuyên gia, việc quy định về xử kín là hoàn toàn hợp lý, vì lợi ích của Nhà nước, vì giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc hay thể hiện sự tôn trọng của pháp luật đối với nhân phẩm, danh dự, đời tư của bị cáo, người bị hại. Quy định này cũng phù hợp với hầu hết pháp luật tố tụng hình sự của các nước trên thế giới.

Một phiên tòa được xử kín vẫn phải tuân thủ đúng các trình tự, thủ tục tố tụng như một phiên tòa bình thường. Cái khác là tòa hạn chế tối đa những người tham dự và chỉ có những người được tòa triệu tập mới được có mặt. Cụ thể, trong phiên tòa xử kín chỉ có HĐXX (thẩm phán, hội thẩm nhân dân hoặc thẩm phán “cánh gà”), kiểm sát viên, bị cáo, người bị hại, luật sư của bị cáo, luật sư của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người liên quan, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch được tham gia phiên tòa. Các chủ thể khác như người thân của bị cáo, người bị hại... đều không được tham gia. Tuy nhiên, đến phần tuyên đọc bản án thì mọi người quan tâm đều có thể vào phòng xử để nghe.

Một số vụ xử kín nhưng tuyên án công khai

- Tháng 3-2011, TAND tỉnh Hà Giang đã mở phiên tòa sơ thẩm xử kín vụ nguyên hiệu trưởng Trường THPT thị trấn Việt Lâm, Vị Xuyên (Hà Giang) Sầm Đức Xương mua dâm học trò. Kết quả là bị cáo Xương bị tòa phạt chín năm tù về tội mua dâm người chưa thành niên.

- Tháng 6-2008, TAND TP Hà Nội đã xử kín vụ bốn sinh viên phát tán video clip sex của diễn viên, ca sĩ Hoàng Thùy Linh lên mạng Internet. Kết quả là bốn bị cáo Nguyễn Hữu Tài, Vũ Thị Thùy Linh, Võ Thanh Hiệp, Nguyễn Thu Linh lần lượt lãnh từ 20 tháng tù treo đến 30 tháng tù treo về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy.

- Tháng 6-2006, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã xử kín vụ cựu ca sĩ người Anh Gary Glitter (Paul Francis Gadd) dâm ô đối với trẻ em. Kết quả là Gary Glitter bị tòa tuyên y án sơ thẩm ba năm tù. Cũng như bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tòa phúc thẩm quyết định trục xuất Glitter ra khỏi lãnh thổ Việt Nam ngay sau khi chấp hành xong hình phạt tù, buộc Glitter bồi thường tiếp cho hai bé gái nạn nhân mỗi bé 5 triệu đồng (sau phiên sơ thẩm, Glitter đã bồi thường 2.000 USD cho mỗi nạn nhân).

- Tháng 10-2004, TAND TP Hà Nội xử kín vụ nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Thể dục Thể thao Lương Quốc Dũng và đồng phạm Nguyễn Thị Quỳnh Nga hiếp dâm trẻ em. Kết quả là tòa phạt bị cáo Dũng tám năm tù, Nga bảy năm tù.

Trong các phiên tòa trên, các phần thủ tục, xét hỏi, tranh luận… tòa xử kín nhưng đến phần tuyên án công khai, tòa đều mở cửa phòng xử để những người quan tâm vào theo dõi.

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm