Tại hội thảo, bên cạnh những vấn đề nóng, mang tính thời sự về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, những câu chuyện được các chuyên gia, các nhà khoa học chia sẻ càng làm cho hội thảo gần gũi hơn với đời sống.
Hội thảo thu hút hàng trăm nhà khoa học. Những ý kiến tâm huyết của họ sẽ được dùng để chuẩn bị cho báo cáo phục vụ Hội nghị Trung ương 5 tới đây. Hội thảo có sự tham gia của Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương.
Nguyên Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh vẫn với phong cách khúc chiết, rõ ràng, ông nói về những điểm nghẽn trong phát triển và khẳng định: Những điểm nghẽn ấy đã được Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đề cập. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng: Có những thể chế hiện nay chưa thể giải quyết, chẳng hạn như thể chế phân bổ vốn. "Phân bổ vốn đã theo quy luật thị trường đâu. Tôi từng làm bộ trưởng Bộ KH&ĐT, tôi biết" - ông Vinh nói.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (cũ) Trương Đình Tuyển cho hay: Dù không được mời viết tham luận nhưng ông cũng chuẩn bị một bài dài 15 trang để gửi tới ban tổ chức hội thảo. Theo ông Tuyển: Nếu căn cứ vào những đặc trưng của nền kinh tế thị trường hiện đại thì Việt Nam hiện nay chưa có kinh tế thị trường.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đề xuất Hội nghị Trung ương 5 tới đây cần kiểm điểm lại năm nội dung về phương thức lãnh đạo của Đảng. Bởi theo nguyên Phó Chủ tịch nước, việc kiểm điểm này sẽ làm cho những nút thắt của phát triển được giải quyết.
GS Đỗ Hoài Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cho rằng: Đổi mới đồng bộ giữa kinh tế và chính trị đã được đặt ra từ giữa nhiệm kỳ Đại hội IX, tiếp tục nói ở Đại hội X, nói mạnh hơn ở Đại hội XI và cụ thể hóa ở Đại hội XII. Vấn đề này cần được đặt ra ở Hội nghị Trung ương 5.
TS Võ Đại Lược thì cho rằng: Để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam cần áp dụng những thể chế tiên tiến nhất của thế giới và làm rõ nội hàm của "hiện đại". TS Lược nhắc lại điều ông đã nhiều lần khẳng định rằng: Cần có cơ chế kiểm soát quyền lực như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập.
TS Lê Đăng Doanh thì cho rằng: Cần phải khuyến khích sự sáng tạo, có thảo luận và tôn trọng những ý kiến khác nhau phục vụ lợi ích của đất nước, của dân tộc. "Nước Mỹ cãi nhau như mổ bò nhưng nước Mỹ không sập. Họ cãi nhau như thế mới hạn chế được Tổng thống Donald Trump" - TS Doanh nói.
Còn chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đề xuất hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường từ những việc cụ thể nhất. "Chế độ xe công phải giảm đi. Ở Nhật Bản, chỉ có một mình thủ tướng là đi xe công, còn từ bộ trưởng trở xuống thì đi xe thuê hết" - bà Phạm Chi Lan nói và khẳng định: Những việc cụ thể như thế này sẽ làm thúc đẩy các nhân tố thị trường phát triển.
Kết thúc hội thảo, GS Nguyễn Xuân Thắng, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, cho biết: Những ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia sẽ được tiếp thu đầy đủ để chuẩn bị tốt nhất cho báo cáo tại Hội nghị Trung ương 5 tới đây. Ông Thắng cũng nhận định dù còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng tất cả đều vì một mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.