Quy định về tài chính công đoàn trong Luật Công đoàn hiện hành còn chung chung, chưa rõ cơ chế giám sát và việc thực hiện công khai, minh bạch. Ngoài tổ chức công đoàn có lịch sử lâu đời thì Bộ luật Lao động 2019 đã trao quyền cho người lao động lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, nhưng chế độ tài chính của những tổ chức như vậy lại chưa có khuôn khổ pháp lý.
Thực tiễn giai đoạn đại dịch COVID-19 cũng cho thấy cần luật hóa vấn đề miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn trong các trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh...
Những vấn đề nêu trên cho thấy sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn, theo trình bày của Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang trước Quốc hội chiều nay, 3-6.
Cũng theo tờ trình của Tổng liên đoàn, sửa luật lần này cần cụ thể hóa hơn cơ chế bảo đảm các điều kiện cần thiết cho công đoàn hoạt động, trong đó yếu tố tài chính công đoàn. Theo luật hiện hành, kinh phí công đoàn được hình thành từ 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động, do chủ sử dụng lao động đóng góp. “Chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 0,14% đến 0,2% chi phí của doanh nghiệp”, theo ông Nguyễn Đình Khang.
Vấn đề đặt ra là việc sử dụng quỹ cần tính toán như thế nào khi ngoài công đoàn cơ sở thì tại doanh nghiệp còn có tổ chức của người lao động, được bổ sung vào Bộ luật Lao động 2019?
Về nguyên tắc, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp cũng phải được đối xử bình đẳng với công đoàn cơ sở. Vậy thì kinh phí hoạt động cho tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp cũng phải tính đến.
Quá trình nghiên cứu, sửa đổi Luật Công đoàn cho đến nay đều thống nhất trích quỹ công đoàn cho các cấp công đoàn và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Nhưng bổ sung vào Luật Công đoàn như thế nào thì có hai phương án: Chỉ nêu nguyên tắc và giao Chính phủ quy định, hoặc quy định cụ thể công đoàn cấp trên được trích 25%, 75% còn lại phân phối cho công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo từng trường hợp cụ thể.
Báo cáo với Quốc hội, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết ban soạn thảo nghiêng về phương án giao Chính phủ quy định cụ thể.
Thẩm tra, Chủ nhiệm UB Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng: để bảo đảm tính khả thi của dự luật, cần phải tổng hợp tài chính công đoàn, thu - chi theo các nguồn trong giai đoạn 2019-2023 hoặc từ khi Luật Công đoàn năm 2012 có hiệu lực đến nay và theo 12 nhiệm vụ chi của Luật Công đoàn năm 2012.
Cũng cần làm rõ hơn nhu cầu sử dụng kinh phí công đoàn trong thời gian tới để làm căn cứ cho việc quy định những nhiệm vụ chi mới hợp lý, hiệu quả, tránh tình trạng kết dư lớn và nghiên cứu giải pháp khắc phục thất thu kinh phí công đoàn.
Dù tán thành việc sửa đổi các quy định về tài chính công đoàn, cơ quan thẩm tra đề nghị Tổng liên đoàn tiếp tục rà soát từ thể chế đến bộ máy và cơ chế quản lý tài chính công đoàn.
Về mức thu 2% quỹ lương làm căn cứ đóng BHXH để làm nguồn kinh phí hoạt động của công đoàn, Ủy ban Xã hội cho rằng để doanh nghiệp, ĐBQH đồng thuận, thì Tổng liên đoàn cần phải làm rõ trong tương lai “kinh phí công đoàn” có thể phải phân bổ cho tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp thì tình hình thu, chi, sử dụng khoản kinh phí công đoàn này thế nào; cung cấp thông tin về chậm, trốn đóng và số kinh phí công đoàn không truy thu được.
Ủy ban Xã hội cũng đồng tình việc phải quy định việc miễn, giảm kinh phí công đoàn nhưng cần quy định rõ tiêu chí cụ thể.
Về hai phương án phân chia kinh phí công đoàn, Ủy ban Xã hội cũng có hai loại ý kiến liên quan đến hai phương án của Tổng liên đoàn đề xuất. Trong đó, có những ý kiến cho rằng nên quy định định tỷ lệ phân chia ngay trong luật để hiện sự công khai, minh bạch.
Cũng có ý kiến đề nghị tăng tỷ lệ phân chia kinh phí công đoàn theo hướng “tối thiểu 75%” cho công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, tối đa 25%” cho công đoàn cấp trên để bảo đảm linh hoạt trong điều tiết tổng thể.