TP Thủ Đức gấp rút mở rộng đường, tăng nguồn lực để phát triển

(PLO)- Sau ba năm thành lập, TP Thủ Đức đang vận dụng Nghị quyết 98, gấp rút thực hiện các dự án, chính sách để phát triển xứng tầm.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trên số báo trước, chúng tôi phản ánh việc TP Thủ Đức vận dụng Nghị quyết 98 để hoàn thiện dần về tổ chức bộ máy, cơ cấu nhân sự. Hiện TP Thủ Đức tiếp tục vận dụng Nghị quyết 98 để tập trung thực hiện các giải pháp để phát triển đúng với kỳ vọng, trở thành cực tăng trưởng mới, khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía đông TP. Trong đó, việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng, điều chỉnh quy hoạch đang được chính quyền TP ưu tiên thực hiện.

TP Thủ Đức gấp rút mở rộng đường, tăng nguồn lực để phát triển
Dự án metro số 1 là một trong những công trình trọng điểm mà HĐND TP Thủ Đức sẽ thực hiện giám sát trong năm 2024. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Nâng cấp các tuyến hẻm, công trình giao thông

Chia sẻ về tình hình của địa phương tại Kỳ họp HĐND, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng đề cập ngay đến vấn đề hạ tầng kỹ thuật, bởi đây là lĩnh vực nhận được nhiều sự quan tâm của người dân. Ông cho hay năm 2023, TP Thủ Đức nỗ lực tái khởi động nhiều dự án, công trình giao thông quan trọng nhưng vẫn chưa thể cải thiện bộ mặt giao thông, đô thị.

“Không chỉ cá nhân tôi mà các thành viên điều hành cũng hết sức lo lắng về hiện trạng hạ tầng kỹ thuật tại địa phương” - ông Hoàng Tùng chia sẻ.

Theo ông, từ khi thành lập TP Thủ Đức đến nay, ngân sách hoạt động của địa phương là từ ba quận cộng lại, sau đó rơi vào đợt chống dịch COVID-19. Có thời điểm địa phương chỉ còn 9 tỉ đồng để vận hành.

“Không thể làm được gì với chừng đó ngân sách. Còn nhớ lúc đó, địa bàn có năm tuyến đê có khả năng bị vỡ, ảnh hưởng đến người dân. Sau khi bàn bạc, cân nhắc quyết định chỉ làm trước ba tuyến, dù đó là những chuyện hết sức cấp bách” - ông Hoàng Tùng nói và cho biết rất trăn trở với những dự án nhỏ nhưng ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người dân.

Ông cũng cho hay việc nâng cấp các tuyến hẻm, hệ thống đường giao thông kết nối trực tiếp với các khu dân cư hay việc duy tu còn rất sơ sài, vẫn chưa thể làm tới nơi tới chốn.

“Ba năm trôi qua, chúng ta hầu như không có kinh phí để đầu tư duy tu cho các tuyến hẻm, rất khó khăn. Người dân nói từ khi thành lập đến nay không có gì mới, y như cũ. Đây cũng là vấn đề mà TP Thủ Đức rất lưu tâm” - ông nói và cho hay: Việc TP Thủ Đức được phân bổ vốn đầu tư công trung hạn 1.500 tỉ đồng, trong đó 400 tỉ đồng để nâng cấp các hẻm sẽ tạo được sự chuyển biến trong năm tới.

“Vấn đề hạ tầng, có đủ cơ sở để thực hiện tốt trong năm 2024 và tạo ra những sản phẩm cụ thể” - ông Hoàng Tùng tin tưởng.

TP Thủ Đức được phân bổ vốn đầu tư công trung hạn 1.500 tỉ đồng, trong đó 400 tỉ đồng để nâng cấp các hẻm sẽ tạo được sự chuyển biến mới.

Điều chỉnh quy hoạch, thu hút nhà đầu tư

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của TP Thủ Đức là hoàn chỉnh quy hoạch chung TP, quy hoạch phân khu. Ông Tùng nêu thực tế có nhiều trường hợp có sự chồng chéo trong quy hoạch. Có trường hợp theo quy hoạch 1/500 thì nơi đó là khu nhà ở có sẵn, đến quy hoạch 1/2000 thì lại gắn quy hoạch cây xanh và đường giao thông vào nhà dân.

“Việc điều chỉnh quy hoạch lần này là cơ hội 10 năm có một kể từ năm 2013. Vì vậy phải làm cho tươm tất, chỉn chu và khách quan” - ông Hoàng Tùng nói và kỳ vọng dựa trên quy hoạch này có thể kêu gọi đầu tư cho TP Thủ Đức.

Ông Hoàng Tùng nhấn mạnh: Nghị quyết 98 đang mở ra cơ hội lớn cho TP Thủ Đức kêu gọi thêm các nguồn lực đầu tư. Song song đó, địa phương sẽ rà soát quy hoạch để đề xuất UBND TP.HCM ban hành kế hoạch phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) trên địa bàn. Đồng thời, tập trung xây dựng hạ tầng về trường học, trạm y tế phường…

Một khía cạnh khác trong quản lý của TP Thủ Đức còn nhiều hạn chế được chỉ ra là tình trạng quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị còn lỏng lẻo, thậm chí buông lỏng. Vi phạm trật tự xây dựng có hệ thống, có nơi vi phạm pháp luật. “Đi kiểm tra tới đâu là sai tới đó...” - chủ tịch UBND TP Thủ Đức nói và yêu cầu địa phương đặt mục tiêu chấn chỉnh, lập lại trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực này trong năm 2024.

Chính quyền TP Thủ Đức cũng đặt mục tiêu thực hiện chủ đề năm 2024 của TP.HCM, trong đó đẩy mạnh công tác chuyển đổi số. “Phải thực hiện đầu tiên từ người dân, phải chuyển đổi số từ khu phố, từ từng người dân, tạo điều kiện để người dân có thể chuyển đổi số cùng chính quyền” - ông Hoàng Tùng nhấn mạnh.

Khởi công nhiều công trình mới

TP Thủ Đức dự kiến hoàn thành bảy công trình, dự án trọng tâm; khởi công năm công trình mới. Trong đó, đáng chú ý là hoàn thành dự án trụ sở UBND phường Cát Lái và trụ sở hành chính phường Thủ Thiêm. Khởi công Trường Tiểu học Hiệp Phú 1 và 2, Trường Mầm non Hiệp Bình Phước, dự án chống sạt lở bờ trái sông Sài Gòn - khu vực thượng lưu cầu Bình Lợi, đường và cầu Bà Cả.

Gỡ nút thắt về bất động sản

Trong số năm chỉ tiêu dự kiến không đạt trong năm 2023 của TP Thủ Đức có thu ngân sách nhà nước. Cụ thể, năm 2023, TP Thủ Đức được giao dự toán thu ngân sách 18.000 tỉ đồng nhưng ước tính đến hết năm thu 11.578 tỉ đồng (đạt hơn 64%). Đây là năm thứ hai liên tiếp TP Thủ Đức không hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước.

Ông Hoàng Tùng nói thu ngân sách trên địa bàn giảm do nguồn thu từ đất và hoạt động kinh doanh bất động sản. “Người dân rất mong đóng tiền để chuyển mục đích sử dụng đất nhưng có vướng mắc giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch đô thị. TP Thủ Đức đã có kiến nghị với Sở TN&MT xem xét, nếu gỡ được thì tình hình sẽ khả quan hơn” - ông Tùng nói thêm.

Thông tin thêm, ông Tùng cho biết mỗi năm TP Thủ Đức cấp khoảng 10.000 giấy phép xây dựng (bình quân 2-3 tỉ đồng/căn) thì tiền thu được từ 10.000 căn nhà này sẽ lập tức đi vào nền kinh tế. “Chúng tôi quyết tâm sẽ làm được điều này, giải quyết gọn lẹ thủ tục cho người dân” - chủ tịch TP Thủ Đức nhấn mạnh.•

Ông NGUYỄN HỮU HIỆP, Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức:

Sắp xếp, kiện toàn hệ thống tinh gọn, hiệu quả

Phải kích hoạt cơ chế hoạt động của Thường trực HĐND TP Thủ Đức trong triển khai thực hiện theo tinh thần Kết luận 14 của Bộ Chính trị và Nghị định 73 về khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm.

Các đại biểu HĐND tiếp tục nỗ lực phấn đấu, nghiên cứu, đề xuất các mô hình, giải pháp cụ thể từ thực tiễn gắn với xây dựng mô hình chính quyền đô thị TP, gắn với công tác điều hành quản lý nhà nước.

HĐND TP Thủ Đức cũng phải tăng cường giám sát việc xây dựng các chính sách của địa phương khi áp dụng Nghị quyết 98. Trong đó, lưu ý tập trung công tác sắp xếp, kiện toàn hệ thống chính trị TP Thủ Đức và 34 phường tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đặc biệt lưu ý triển khai các cơ chế, chính sách liên quan công tác tổ chức bộ máy theo Nghị quyết 98.

UBND TP Thủ Đức phát huy mạnh mẽ các cơ chế, chính sách đặc thù của Nghị quyết 98 trong hoạt động, điều hành nhằm tạo đột phá trong thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực xây dựng hoàn chỉnh khu đô thị mới Thủ Thiêm đúng mục tiêu là khu đô thị hiện đại, trung tâm tài chính khu vực, là hạt nhân của khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía đông…

......................................

Ông NGUYỄN PHƯỚC HƯNG, Chủ tịch HĐND TP Thủ Đức:

Giám sát các chính sách liên quan đến Nghị quyết 98

Thời gian tới, các ban, các tổ đại biểu HĐND, các cơ quan, đơn vị của 34 phường cần tăng cường đối thoại, tiếp xúc cử tri, tập trung các giải pháp nâng cao hoạt động giám sát với trách nhiệm cao nhất, đảm bảo thực hiện tốt các nội dung chủ đề năm 2024.

HĐND TP Thủ Đức sẽ giám sát việc xây dựng các chính sách của địa phương khi áp dụng Nghị quyết 98, trong đó có giám sát việc thực hiện các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn như dự án metro số 1, dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu công nghệ cao TP.HCM…

....................................

Ông LƯU VĂN TẤN, Giám đốc Trung tâm Phát triển hạ tầng kỹ thuật TP Thủ Đức:

Chưa phát triển xứng tầm

TP Thủ Đức là cửa ngõ kết nối phía đông của TP, có nhiều công trình được TP.HCM ưu tiên đầu tư với quy mô lớn nhưng hiện chưa phát triển tương xứng như các đường vành đai 2, 3, đường hầm Thủ Thiêm… Kết nối giữa các khu dân cư, giữa các phường trong các dự án thiếu sự đồng bộ. Công tác quản lý về hạ tầng còn nhiều bất cập, nhất là quá trình vận hành, duy tu.

Nếu TP.HCM có ba khu vực ngập trọng điểm thì có đến hai khu vực thuộc TP Thủ Đức là chợ Thủ Đức và tuyến đường Quốc Hương (phường Thảo Điền). Ngoài ra, nhiều tuyến đường khác trong tình trạng ngập nặng như Lã Xuân Oai, Đỗ Xuân Hợp, Võ Văn Ngân….

TP Thủ Đức hiện có hơn 200 dự án đầu tư chưa được bàn giao hạ tầng; nhiều tuyến đường trong các khu đô thị chưa được chủ đầu tư bàn giao dù dự án đã hoàn thiện mấy chục năm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm