TP Thủ Đức - “TP trong TP” đầu tiên của cả nước được thành lập vào ngày 1-1-2021 theo Nghị quyết 1111/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đến nay, sau ba năm đã dần có những chuyển động trong cải cách thủ tục hành chính, phát triển cơ sở hạ tầng.
Cùng với Nghị quyết 98, bộ máy của TP Thủ Đức cũng dần được kiện toàn, hướng đến mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, nhanh hơn. Dù vậy, vẫn còn những mặt “chưa đạt được như kỳ vọng” và người dân đang trông chờ một sự bứt phá mạnh mẽ hơn, rõ rệt hơn của TP này trong thời gian tới.
Dần quy về một đầu mối giải quyết thủ tục
Ngay khi thành lập, TP Thủ Đức đã nhanh chóng kiện toàn nhân sự, tổ chức lại bộ máy, sắp xếp cán bộ dôi dư… Thời điểm đó, hình ảnh được ghi nhận nhiều nhất là người dân xếp hàng dài chờ giải quyết thủ tục, sự quá tải ở các bộ phận tiếp nhận; hồ sơ của người dân chậm được giải quyết, nhất là trong lĩnh vực đất đai. Đội ngũ cán bộ TP Thủ Đức khi đó cũng gặp áp lực, quá tải không kém.
Ngày 25-1-2021, Sở TN&MT TP.HCM thành lập Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) TP Thủ Đức, trên cơ sở hợp nhất ba chi nhánh của quận cũ. Vậy nhưng chi nhánh này luôn trong tình trạng quá tải một thời gian dài sau đó. Riêng năm 2022, TP Thủ Đức đã xử lý hơn 100.000 hồ sơ các loại, phần lớn là hồ sơ trong lĩnh vực đất đai, môi trường.
Một nỗ lực lớn của TP Thủ Đức là đầu tháng 1-2023 hợp nhất bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ nhà đất. Người dân có nhu cầu chỉ cần nộp và nhận kết quả hồ sơ đất đai tại một địa điểm là VPĐKĐĐ thay vì ba điểm ở ba khu vực như trước đây. Việc này nhằm rút bớt thời gian di chuyển giữa các bộ phận, đồng thời kỳ vọng sẽ giảm bớt sự chậm trễ trong giải quyết thủ tục.
Mới đây nhất, vào tháng 11-2023, Trung tâm hành chính công TP Thủ Đức được thành lập theo cơ chế của Nghị quyết 98, có chức năng thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi, chức năng quản lý của UBND.
Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng cho biết đây là cột mốc quan trọng thể hiện quyết tâm của TP Thủ Đức trong xây dựng một nền hành chính phục vụ ngày càng tốt hơn. Trung tâm hành chính công sẽ trực tiếp tiếp nhận và xử lý kết quả, rút gọn thời gian xử lý thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.
Đến nay, theo ghi nhận, tại các bộ phận tiếp nhận thủ tục của TP Thủ Đức đã không còn tình trạng xếp hàng dài từ sớm để chờ bốc số. “Người dân không còn phải xếp hàng, thời gian giải quyết thủ tục cũng đã nhanh hơn rất nhiều” - chị Lê Thị Quỳnh Ni (ngụ phường Hiệp Phú) nói.
Cùng chung cảm nhận, chị Nguyễn Bảo Uyên (ngụ phường Bình Thọ) cho biết tiến độ giải quyết hồ sơ về đất đai đã nhanh hơn. “Tôi vừa nhận giấy chứng nhận đăng ký thay đổi tài sản gắn liền với đất sau 14 ngày” - chị Uyên chia sẻ.
212
là số thủ tục mà Trung tâm hành chính công TP Thủ Đức đang thực hiện. Sau hơn một tháng đi vào hoạt động, trung tâm tiếp nhận 3.412 hồ sơ trực tuyến và trực tiếp thuộc các lĩnh vực; đã giải quyết 2.763 hồ sơ, còn 649 hồ sơ đang giải quyết.
Trung tâm cũng tiếp nhận 667 hồ sơ thuộc thẩm quyền giải quyết mà trung tâm được ủy quyền, trong đó đã giải quyết 425 hồ sơ và 242 hồ sơ đang giải quyết.
Giảm quy trình, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ
Nhằm hỗ trợ người dân đến làm thủ tục, Trung tâm hành chính công TP Thủ Đức đã bố trí lực lượng tình nguyện viên là sinh viên để hướng dẫn cách lấy số tự động trên app, hỗ trợ người lớn tuổi. Ngoài ra, cán bộ tại đây cũng liên tục tiếp nhận nhiều trường hợp tư vấn qua đường dây điện thoại.
Cách đó không xa, không khí làm việc tại Chi nhánh VPĐKĐĐ TP Thủ Đức luôn trong nhịp hối hả. Cán bộ liên tục tiếp nhận, trả lời và xử lý hồ sơ. Vậy nhưng vẫn còn hạn chế khiến người dân phải đi lòng vòng để giải quyết.
Sáng 22-12, bà Nguyễn Thanh Hà đến Trung tâm hành chính công và được hướng dẫn lấy số qua app để làm thủ tục. Tuy nhiên, sau đó bà mới hay thủ tục mà bà giao dịch không được trả về trung tâm này.
“Tôi làm thủ tục đăng ký thay đổi tài sản gắn liền với đất. Đã đến VPĐKĐĐ TP Thủ Đức ba lần nhưng vẫn chưa được. Trên giấy hẹn nhận lại hồ sơ của lần làm thủ tục gần nhất là ngày 22-12-2023 cũng chưa có” - bà Hà nói và cho biết thấy trên giấy hẹn ghi nhận kết quả tại tổ hành chính tổng hợp nên nghĩ có thể qua Trung tâm hành chính công là sẽ nhận được.
“Chúng tôi rất sốt ruột vì không biết khi nào mới nhận được hồ sơ” - bà Hà nói rồi ra về.
Không riêng gì bà Hà, nhiều người dân muốn xin thủ tục cấp phép xây dựng, các thủ tục nhà đất khác cũng chưa thể nhận hồ sơ đúng hạn.
Ông Trần Quốc Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm hành chính công, cho biết ngay từ khi thành lập, UBND TP Thủ Đức đã ủy quyền cho trung tâm thực hiện 20 thủ tục với 14 nội dung thuộc sáu lĩnh vực. Ông Hưng nhận định dù mới đi vào hoạt động nhưng trung tâm đã đón tiếp lượng khách khá lớn đến liên hệ giải quyết hồ sơ công việc và hỗ trợ tư vấn các thủ tục hành chính.
Khó khăn của trung tâm hiện nay là thiếu hụt nhân sự. Hiện mới có 18 nhân sự làm việc, dù biên chế được duyệt là 37 người. Ngoài ra, số hồ sơ, thủ tục cấp phép xây dựng rất nhiều nhưng chỉ có năm người đảm trách. “Lo lắng nhất là hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rất nhiều nhưng chưa đủ người để có thể giải quyết nhanh hơn” - ông Hưng thông tin.
Ông Hưng cho biết trung tâm đã thực hiện liên thông một số lĩnh vực, đơn giản hóa thủ tục cho người dân. Đáng chú ý, trung tâm đã liên thông với VPĐKĐĐ TP Thủ Đức, người dân có thể đóng phí, lệ phí ngay trên app. Cạnh đó là giảm quy trình nội bộ, rút ngắn thời gian làm việc để tăng năng suất.
Với những hồ sơ đơn giản, trung tâm sẽ liên kết với phường để xử lý, trả hồ sơ ngay trong ngày. Ông Hưng dẫn chứng về thủ tục cấp số nhà, theo quy định là 15 ngày nhưng TP đã ủy quyền cho phường nên chỉ còn 10 ngày.
Sàng lọc hồ sơ từ khâu tiếp nhận
Hiện nay với những hồ sơ trễ hạn hai ngày, trễ hạn lâu… đã có bộ phận nhắc việc về tới thủ trưởng các phòng, ban. Tuy nhiên, để hạn chế tối đa việc chậm trễ ngay từ khâu tiếp nhận, chúng tôi đang hướng tới xây dựng hệ thống tự động nhắn tin, báo hồ sơ đã đủ điều kiện tiếp nhận cho người dân.
Ngoài ra, trung tâm cũng sẽ đề xuất để liên thông với VPĐKĐĐ vì hai phần mềm của hai cơ quan đang chạy độc lập, không có sự kết nối để giám sát tiến độ thực hiện thủ tục liên quan đến đất đai…
Về lâu dài, trung tâm cũng hướng tới xây dựng bộ phận chuyên sàng lọc hồ sơ ngay khi tiếp nhận. Trong vòng 8 tiếng, cán bộ tiếp nhận phải trả lời cho người dân là hồ sơ đã đầy đủ theo quy định chưa, chỗ nào chưa đúng thì nói ngay để người dân điều chỉnh.
Phó Giám đốc Trung tâm hành chính công TP Thủ Đức TRẦN QUỐC HƯNG
***********
Niềm vui của những người dân TP Thủ Đức
Những ngày cuối năm 2023, người dân hai phường Long Phước và Long Bình, TP Thủ Đức có thêm niềm vui mới khi cầu Long Đại bắc qua sông Tắc được thông xe.
Không giấu được niềm vui, bà Nguyễn Thị Thu Vân (67 tuổi) chia sẻ con đường di chuyển của bà con đã đỡ cực hơn. Người dân nơi đây qua bao thế hệ đã ước mơ có phà, rồi cao hơn là mong có cầu để đi lại. “Mơ ước đó đã thành sự thật sau 20 năm chờ đợi” - bà Vân nói rồi chỉ tay về phía cầu.
Ông Nguyễn Văn Sơn, trưởng một khu phố ở phường Long Bình, người có hơn 30 năm gắn bó với người dân ở khu vực này, cho biết bà con khu phố đã góp tiền để làm tiệc mừng. “Nếu trước đây người dân phải mất 10 km để vào khu vực trung tâm thì bây giờ quãng đường đi lại đã rút ngắn chỉ còn 500 m” - ông Sơn nói.
Ngoài cầu Long Đại, trong năm 2023 nhiều cầu khác trên địa bàn TP Thủ Đức cũng được tái khởi động sau thời gian dài tạm ngưng vì vướng mặt bằng như Tăng Long, Nam Lý và nhiều tuyến đường trọng điểm khác. Một số dự án như hai cầu Giồng Ông Tố, Bà Dạt cũng được đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa vào khai thác.
Hàng loạt dự án lớn như đường Lương Định Của, Đồng Văn Cống, vành đai 3, cầu Nhơn Trạch… đang tích cực được triển khai.
Một điểm nhấn khác là TP Thủ Đức trong năm 2023 đã xây dựng và khánh thành một số hạng mục của dự án công viên ven sông Sài Gòn. Dự án được thực hiện với mục tiêu là mang đến một không gian xanh - sạch - đẹp, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân. THANH TUYỀN