TP.HCM: 6 việc cần làm khi bước vào giai đoạn 3 chống COVID-19

Sáng 20-4, bác sĩ (BS) Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cho biết nhờ triển khai nhiều giải pháp hiệu quả nên dịch bệnh COVID-19 tại TP.HCM ở giai đoạn 2 được kiểm soát tốt.

“Thành công trước mắt là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, cuộc chiến với COVID-19 vẫn còn nhiều gian nan, thử thách phía trước khi các trường hợp mới mắc và sự lây lan vẫn luôn hiện hữu” - BS Dũng chia sẻ.

TP.HCM đang thực hiện cách ly xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đến hết ngày 22-4. Sau khi hết cách ly xã hội sẽ cho phép nhập cảnh trở lại, sự giao thương, đi lại dễ dàng hơn thì cũng là lúc TP.HCM có thể bước vào giai đoạn 3 phòng, chống dịch bệnh.

“Giai đoạn 3 dự báo khó khăn hơn rất nhiều khi dịch bệnh đã có dấu hiệu lây lan trong cộng đồng ở một số tỉnh, TP. Các trường hợp nhiễm COVID-19 có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào, thậm chí có những trường hợp không rõ nguồn lây, không rõ yếu tố dịch tễ. Ngoài ra, do dịch bệnh đã xuất hiện nhiều nơi trên thế giới nên những người nhập cảnh trong thời gian tới ẩn chứa nhiều nguy cơ nhiễm bệnh” - BS Dũng nói.

Cũng theo BS Dũng, giai đoạn 3 cần thực hiện nghiêm một số giải pháp như sau:

Thứ nhất: Tiếp tục củng cố kiện toàn tổ chức bộ máy phòng chống dịch, nâng cao năng lực các đội phản ứng nhanh của TP, quận huyện.

Thứ hai: Rà soát, củng cố lại các khu cách ly tập trung, nâng cao năng lực xét nghiệm COVID-19.

Thứ ba: Thực hiện các xét nghiệm sàng lọc trên những nhóm nguy cơ như hành khách sân bay, nhà ga, bến xe, công nhân tại khu lưu trú, khu công nghiệp…

Thứ tư: Phối hợp tổ chức đánh giá mức độ rủi ro lây nhiễm, đồng thời khuyến cáo và triển khai các giải pháp phòng ngừa ở những khu vực tập trung đông người, có nguy cơ như nhà máy, xí nghiệp, trường học, cơ sở bảo trợ xã hội…

Thứ năm: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ các hoạt động phòng, chống dịch như giám sát chuỗi lây nhiễm, quản lý và giám sát cách ly y tế, truy dấu tiếp xúc gần với ca nhiễm.

Thứ sáu: Tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp phòng bệnh tại những cơ sở khám chữa bệnh như phân luồng, tổ chức khu vực khám, chẩn đoán cho bệnh nhân có triệu chứng hô hấp. Bên cạnh đó phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm COVID-19 để tổ chức cách ly, điều trị hiệu quả.

Cũng theo BS Dũng, sự chủ động ứng phó của tổ chức và cá nhân trong cộng đồng cũng rất quan trọng trong cuộc chiến chống COVID-19 khi TP.HCM bước vào giai đoạn 3. “Từng cán bộ viên chức, người lao động và người dân trong cộng đồng thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh như rửa tay thường xuyên, không ra khỏi nhà khi không cần thiết, đeo khẩu trang nơi công cộng, giữ khoảng cách ít nhất 2 m…” - BS Dũng nói.

* Chiều cùng ngày, ông Nguyễn Văn Hây, Chủ tịch UBND xã Tân Thới Hiệp, quận 12, TP.HCM, cho biết đến nay xã đã ra 56 quyết định phạt những người không mang khẩu trang trên địa bàn.

Tương tự, ông Đặng Thanh Xuân, Chủ tịch UBND xã Nhị Bình, Hóc Môn, TP.HCM, cho biết xã đã ban hành 19 quyết định phạt người không mang khẩu trang trên địa bàn.

“Mỗi trường hợp không mang khẩu trang phạt 200.000 đồng. Từ đây tới khi TP.HCM gỡ bỏ quy định cách ly xã hội, xã Nhị Bình tiếp tục kiểm tra và phạt những trường hợp không mang khẩu trang để góp phần mau chóng đẩy lùi dịch bệnh.

Ngoài ra, UBND xã Nhị Bình cũng ra văn bản cảnh cáo năm quán ăn, tiệm cà phê phục vụ khách tại chỗ. Nếu tái phạm sẽ bị phạt tiền theo quy định” - ông Xuân cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới