Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa ký tờ trình gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chấm dứt thời gian thí điểm hoạt động của Ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM.
TP.HCM báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành quyết định chấm dứt thời gian thí điểm hoạt động của Ban Quản lý ATTP. Ảnh: NGUYỄN TIẾN |
Theo đó, UBND TP.HCM báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành quyết định chấm dứt thời gian thí điểm hoạt động của Ban Quản lý ATTP TP.HCM kể từ ngày Sở ATTP TP được thành lập theo Nghị quyết của HĐND TP.
Dự kiến tờ trình thành lập Sở ATTP TP theo Nghị quyết 98/2023 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM sẽ được UBND TP trình HĐND TP thông qua vào kỳ họp tháng 9-2023.
Trước đó, cuối tháng 3, Thủ tướng đã quyết định kéo dài thời gian thí điểm hoạt động của Ban Quản lý ATTP TP.HCM từ ngày 1-4 đến khi Thủ tướng quyết định mô hình hoạt động chính thức của Ban Quản lý ATTP TP.
Đến ngày 24-6, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 98, trong đó có nội dung cho phép HĐND TP.HCM thành lập Sở ATTP TP là cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP.
Theo đề án, việc thành lập Sở ATTP TP là tất yếu trong giai đoạn hiện nay, nhằm phát huy hơn nữa các hiệu quả đạt được từ mô hình thí điểm Ban Quản lý ATTP trước đó, khắc phục những hạn chế về mặt pháp lý.
Sở ATTP sẽ là đầu mối thống nhất, tập trung tổng hợp tham mưu và chịu trách nhiệm trước UBND TP về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. Trao đổi, hợp tác từ phía đối tác nước ngoài, tham mưu UBND TP giải pháp quản lý ATTP đem lại hiệu quả cao, đáp ứng thực tiễn và nhu cầu hội nhập của TP.
Đây cũng là đầu mối thanh tra, kiểm tra các cơ sở của người dân với tần suất theo quy định, tránh chồng chéo và tình trạng mỗi năm một cơ sở, doanh nghiệp phải chịu sự thanh tra, kiểm tra của quá nhiều cơ quan quản lý nhà nước về ATTP.
Đáng chú ý, Sở ATTP còn là sự thống nhất một đầu mối thực hiện các thủ tục hành chính, cấp phép tạo sự thuận lợi, nhất quán, đồng bộ từ tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, cấp phép, quản lý, hậu kiểm, thanh tra... các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, các cơ sở dịch vụ ăn uống cũng như giám sát mối nguy, quản lý chất lượng thực phẩm…
Từ đó góp phần giảm thời gian, công sức, tiền của của người dân, tăng tỉ lệ hài lòng của người dân, chống tiêu cực, giảm phiền hà…