Sáng 29-3, Sở Tư pháp TP.HCM tổ chức hội nghị giao ban công tác tư pháp 24 quận, huyện trên địa bàn TP tại Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi, TP.HCM. Bà Phan Thị Bình Thuận, ông Nguyễn Văn Vũ (Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP) chủ trì hội nghị với sự tham dự của lãnh đạo 24 Phòng Tư pháp quận, huyện trên địa bàn TP.
Đăng ký hộ tịch tăng, chứng thực giảm
Trong quý I-2018, tổng số hồ sơ hộ tịch Sở Tư pháp TP đã giải quyết là 91.924 hồ sơ (tăng 10,32% so với cùng kỳ năm 2017). Đặc biệt, về công tác chứng thực, trên địa bàn TP đã giải quyết 2.472.673 trường hợp (giảm tới 96,55% so với năm 2017). Trong đó, chứng thực bản sao từ bản chính là 2.092.416 trường hợp, chứng thực chữ ký 370.633, chứng thực hợp đồng là 1.221 và chứng thực các việc khác là 8.403 trường hợp.
Bà Phan Thị Bình Thuận, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, lưu ý việc giảm mạnh này là do chứng thực bản sao từ bản chính giảm hay là giảm chứng thực việc khác.
Ông Lâm Tấn Trí, Trưởng phòng Tư pháp huyện Bình Chánh, thông tin ở địa bàn việc giảm mạnh trên là do chứng thực bản sao từ bản chính giảm. Lý do là người dân chuyển sao y chứng thực từ UBND qua các tổ chức hành nghề công chứng. Ngoài ra, việc giám sát, kiểm tra việc đối chiếu bản sao từ bản chính được thực hiện nghiêm túc nhất là ở Phòng Tài nguyên và Văn phòng Đăng ký đất đai huyện. Đó là việc không yêu cầu người dân phải sao y bản chính mà cán bộ tiếp dân chỉ cần đối chiếu bản chính khi nộp hồ sơ. Đại diện Phòng Tư pháp quận Thủ Đức cũng cho rằng chứng thực bản sao đã giảm mạnh.
Theo bà Phan Thị Bình Thuận, việc giảm mạnh chứng thực bản sao từ bản chính thể hiện hiệu quả của việc tuyên truyền Chỉ thị số 17 của Thủ tướng Chính phủ. Theo quy định, khi nộp hồ sơ liên quan đến thủ tục hành chính, cá nhân, tổ chức có quyền lựa chọn việc nộp bản sao từ bản gốc có chứng thực hoặc nộp bản sao kèm bản chính để đối chiếu. Nhưng trước đó, nhiều người vẫn bị yêu cầu phải nộp bản sao có chứng thực nên có hiện tượng “lạm dụng” bản sao có chứng thực. Nay việc này đã giảm là điều đáng mừng và cần tiếp tục phát huy.
Bà Phan Thị Bình Thuận (giữa) tặng bằng khen của UBND TP cho các cá nhân xuất sắc. Ảnh: KP
Cha nhận con phải xét nghiệm ADN
Ông Nguyễn Đức Hùng, Trưởng phòng Tư pháp huyện Củ Chi, đề xuất về thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con. Trường hợp nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, khi sinh con, người con sống cùng cha. Khi người cha làm thủ tục nhận con mà không liên hệ được với người mẹ thì Sở Tư pháp hướng dẫn trong hồ sơ bắt buộc phải có kết quả xét nghiệm ADN để làm chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con.
Tuy nhiên, có rất nhiều trường hợp khi người cha làm thủ tục nhận con nhưng không có điều kiện để xét nghiệm ADN nên không thể đăng ký nhận con, ảnh hưởng đến quyền lợi của trẻ em. “Chúng tôi đề xuất tình huống này cho người cha lập văn bản cam đoan về việc trẻ là con, có ít nhất hai người thân thích của cha làm chứng, kèm theo thư từ, phim ảnh, băng đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha, con để làm chứng cứ nhận con” - ông Hùng nói.
Đáp lại, ông Nguyễn Triều Lưu, Trưởng phòng Hộ tịch-Quốc tịch, Sở Tư pháp TP, giải thích: Hướng dẫn của Sở là theo Điều 11 Thông tư số 15/2015 của Bộ Tư pháp. Nếu đứa bé đó ở với cha thì ngoài việc phải có thư từ, phim ảnh, băng đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha, con thì cần có văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em đó là con chung của hai người; có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng là giải quyết được. Nhưng nếu bé ở với cha nhưng không có văn bản cam đoan của mẹ đây là con chung của hai người thì bắt buộc phải có kết luận giám định ADN để làm cơ sở giải quyết.
“Người cha không thể làm cam đoan là đứa trẻ này là do tôi sinh ra được mà phải bằng kết luận giám định ADN để xác định cha, con. Ngược lại, đối với người mẹ nhận con thì họ không cần giám định ADN mà chỉ cần cam kết tôi là người sinh ra đứa bé đó là đủ” - ông Lưu nói.
691 cuộc tuyên truyền pháp luật trong ba tháng Trong quý I-2018, Sở Tư pháp TP tổ chức tuyên truyền pháp luật được 691 cuộc với 126.665 lượt người tham dự, phát hành được hơn 171.500 tài liệu tuyên truyền pháp luật. Sở cũng tổ chức được 17 hội thi tìm hiểu pháp luật về những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân như Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng cháy và chữa cháy... |