TP.HCM có chỉ đạo mới về Nhà hát giao hưởng ngàn tỉ ở Thủ Thiêm

(PLO)- Lãnh đạo TP.HCM yêu cầu phương án thiết kế Nhà hát giao hưởng ở Thủ Thiêm phải hiện đại, đa chức năng, nhiều loại hình biểu diễn nghệ thuật như Opera, giao hưởng, vũ kịch, cải lương, hội thảo, giao lưu, du lịch...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

UBND TP.HCM vừa có văn bản chỉ đạo về phương án thiết kế kiến trúc công trình dự án xây dựng Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

TP.HCM có chỉ đạo mới về Nhà hát giao hưởng ngàn tỉ ở Thủ Thiêm-nha-hat-giao-huong.jpg
TP.HCM chỉ đạo về phương án thiết kế Nhà hát giao hưởng tại Thủ Thiêm. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Theo đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã giao Sở VH&TT chủ trì, phối hợp Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp và các sở, ngành có liên quan khẩn trương bổ sung, hoàn thiện phương án thiết kế kiến trúc công trình tối ưu.

Đồng thời, xác định tên gọi nhà hát phù hợp, tương xứng; khẩn trương chuẩn bị các điều kiện triển khai dự án đảm bảo chặt chẽ về pháp lý, đúng quy trình, quy định và yêu cầu chất lượng, hiệu quả.

Cụ thể, các sở, ngành phải tiếp tục nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng, đánh giá cụ thể về ý tưởng thiết kế kiến trúc nhà hát, công năng sử dụng, giá trị nghệ thuật, sự đồng bộ, hài hòa, phù hợp với cảnh quan, mỹ quan, không gian kiến trúc đô thị. Từ đó, hoàn thiện phương án thiết kế, đảm bảo phương án thiết kế kiến trúc hiện đại, đa chức năng, nhiều loại hình biểu diễn nghệ thuật như Opera, giao hưởng, vũ kịch, cải lương, hội thảo, giao lưu, du lịch...

Việc thiết kế sân khấu phục vụ biểu diễn phải đáp ứng các yêu cầu của sân khấu hiện đại bậc nhất trên thế giới, thể hiện được giá trị đặc sắc riêng về nghệ thuật biểu diễn, hình thành di sản văn hóa của TP.HCM.

Phương án thiết kế kiến trúc cũng phải đảm bảo các tiêu chí về thiết kế đặc sắc, hài hòa về mỹ thuật, tạo điểm nhấn về thiết kế kiến trúc văn hóa, hiện đại, khoa học, hài hòa các giá trị truyền thống, kết hợp xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”; tạo độ cảm nhận sâu sắc các giá trị văn hóa của công trình cho từng đối tượng phục vụ.

Ngoài ra, phải thể hiện đầy đủ các yếu tố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, đại chúng, nhân văn nhằm phục vụ rộng rãi các tầng lớp người dân và du khách.

Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị trong quá trình chuẩn bị cần nghiên cứu kỹ lưỡng, tham khảo, lắng nghe, tiếp thu tối đa các ý kiến của chuyên gia và nghiên cứu các nhà hát nổi tiếng của các nước.

Việc khởi công, triển khai thực hiện các hạng mục công trình phải bảo đảm tiến độ theo kế hoạch đề ra.

Đáng chú ý, Chủ tịch TP.HCM cũng đề nghị nghiên cứu kêu gọi xã hội hóa đầu tư một vài hạng mục nhằm xây dựng Nhà hát tương xứng tầm vóc của TP.HCM. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc phát sinh vượt thẩm quyền, các sở, ngành phải kịp thời tham mưu, đề xuất UBND TP.

Nghị quyết số 19/2018 của HĐND TP.HCM đã thông qua chủ trương đầu tư dự án Nhà hát giao hưởng, nhạc, vũ kịch với nguồn vốn đầu tư là hơn 1.500 tỉ đồng, lấy từ ngân sách TP.

Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch nằm ở Lô 1-21, Khu đô thị mới Thủ Thiêm với quy mô 1.700 chỗ ngồi gồm hai khán phòng lớn và nhỏ. Thời điểm này, thời gian thực hiện dự án được cho là trong giai đoạn 2018-2022.

Đến tháng 5-2021, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP.HCM đề xuất UBND TP.HCM tăng tổng mức đầu tư dự án lên 1.988 tỉ đồng và điều chỉnh thời gian thực hiện dự án trong giai đoạn 2018-2024.

Đến tháng 8-2022, theo kết luận của Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM thì dự án này chưa bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, để tập trung các nguồn lực đầu tư cho các công trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình, đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ của quận, huyện, TP Thủ Đức.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm