Phát biểu tại hội nghị trực tuyến tổng kết năm học và triển khai nhiệm vụ năm học mới, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức nhấn mạnh: Trong những năm qua, TP.HCM luôn quan tâm đầu tư cho ngành giáo dục. Ngân sách dành cho đầu tư giáo dục chiếm 1/4 ngân sách toàn TP.
Tăng cường các giải pháp để dạy học trực tuyến
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT TP.HCM, năm học 2019-2020 ngành GD&ĐT đã đạt được những kết quả vượt trội. Mạng lưới trường lớp ở các ngành học, bậc học đã được phủ khắp TP với quy mô phát triển ngày một tăng.
Đánh giá về những kết quả đạt được, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT, nhấn mạnh: “Thành công trong năm học qua khẳng định sự nỗ lực, kiên định thực hiện quá trình đổi mới toàn diện mà ngành GD&ĐT TP đã sớm tiên phong triển khai. Các trường đã chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch chuyên môn, tích cực đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá. Nhờ đó đã sớm thích nghi với những thay đổi khi buộc phải chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2019-2020”.
Ông Lê Hồng Sơn cho biết trong năm học tới hoạt động dạy - học trực tuyến sẽ được triển khai đồng bộ, hiệu quả theo các quy định mới và là nền tảng xây dựng xã hội học tập, khuyến khích người dân học tập suốt đời một cách thông minh.
Nhiệm vụ trọng tâm của ngành GD&ĐT trong năm tới là tiếp tục triển khai đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT. Đây là một trong những vấn đề cốt lõi mà ngành GD&ĐT TP đã triển khai thực hiện đổi mới trong năm năm qua và tiếp tục thực hiện. Giải pháp được ngành GD&ĐT triển khai là vận dụng sáng tạo chương trình phổ thông của Bộ GD&ĐT ban hành, đồng thời tích hợp liên môn để phát huy tính tự học, năng lực sáng tạo của các em, đặc biệt không gò bó các em vào lý thuyết mà chuyển sang ứng dụng thực hành thực tế.
Học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, quận 1 trong một tiết học tại thư viện thông minh. Ảnh: NQ
Rà soát quỹ đất dành cho giáo dục
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, phó chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá cao những kết quả mà ngành GD&ĐT đã đạt được trong năm qua. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, TP.HCM tiếp tục giữ vững thành tích nằm trong tốp 10 địa phương có điểm thi trung bình cao nhất.
“TP vẫn giữ được thành tích cao, xếp hạng nhất môn tiếng Anh, thứ nhì môn toán. Vì vậy, có thể thấy chất lượng giáo dục ở TP vẫn đang tiếp tục được giữ vững.
96,3% là số học sinh tiểu học được học tiếng Anh tại TP.HCM. Tỉ lệ giáo viên ngoại ngữ đạt chuẩn năng lực (từ B2 trở lên) là 51,23%. Hiện có 13 trường tiểu học tiên tiến, hiện đại đang thực hiện các mô hình học ngoại ngữ tiên tiến của TP. Ngoài ra, việc kiểm tra, dự giờ chương trình “Dạy và học các môn toán, khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam”, kiểm tra, dự giờ giáo viên bản ngữ, đồng giảng, đóng góp ý kiến đã góp phần nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ. |
Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận một cách khách quan rằng ngành giáo dục vẫn còn nhiều vấn đề cần phải nỗ lực. TP.HCM cần tập trung xây dựng phát triển trở thành đô thị thông minh, sáng tạo. Như vậy, vai trò của việc đào tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng cho nhu cầu phát triển hết sức quan trọng. Trong đó việc ngành GD&ĐT tập trung đào tạo phát triển cho lĩnh vực STEM, tức là đào tạo về khoa học công nghệ, toán và Anh văn là chủ trương đúng đắn” - ông Anh Đức nói.
Theo ông Đức, đây là năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, do đó TP phải sẵn sàng thực hiện hiệu quả chương trình này.
Việc đáp ứng cơ sở vật chất để học hai buổi/ngày là một thách thức trong điều kiện TP tăng dân số cơ học. Do đó, việc quy hoạch, dự báo của Sở GD&ĐT là hết sức quan trọng. Ngành giáo dục cần kết hợp với các sở, ngành liên quan để xây dựng kế hoạch dài hơi, khắc phục khó khăn đáp ứng đầy đủ yêu cầu thực tế.
“Giáo dục là lĩnh vực hết sức đặc biệt. TP luôn quan tâm đầu tư cho ngành giáo dục, tỉ trọng đầu tư cho giáo dục chiếm 1/4 ngân sách TP. Dù ngân sách với tỉ trọng lớn như vậy nhưng so với nhu cầu, những bài toán thực tế đặt ra với TP thì vẫn chưa đáp ứng. Vì vậy, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư cho giáo dục rất quan trọng. Dự kiến TP sẽ có buổi họp để rà soát, trong đó có rà soát quỹ đất dành cho giáo dục để đảm bảo tỉ lệ 300 phòng học/10.000 dân mà chúng ta đang phấn đấu” - phó chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.
Không để xảy ra tình trạng lạm thu Chúng tôi đã chỉ đạo và triển khai xuống các đơn vị về vấn đề thu, chi tài chính theo quy định. Ngoài các khoản học phí và những khoản được phép thu, tự thu tự chi, các trường (kể cả danh nghĩa của ban đại diện cha mẹ học sinh) và lãnh đạo phải chịu trách nhiệm với Phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT nếu có những khoản thu không hợp lý, không đúng quy định. Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT sẽ rà soát, kiểm tra. Những năm gần đây, vấn đề lạm thu đã giảm, tuy nhiên nếu còn sở sẽ tiếp tục xử lý. Quan điểm của sở là không chấp nhận để vấn đề lạm thu xảy ra ở các trường học. Ông LÊ HỒNG SƠN, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM |