UBND TP.HCM vừa gửi kiến nghị lên Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng… về một số giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2017.
Theo đó, UBND TP.HCM muốn việc bố trí vốn phải tuân thủ nguyên tắc, thứ tự ưu tiên theo Luật Đầu tư công. Tiếp tục thực hiện nguyên tắc đã được Hội đồng nhân dân TP.HCM thông qua các năm trước đây.
Bố trí vốn theo khả năng cân đối ngân sách, huy động vốn đến đâu bố trí vốn đến đó. Thực hiện nhiều giải pháp nhằm huy động thêm các nguồn vốn khác để chi cho đầu tư công. Phấn đẩu tổng mức vốn cho đầu tư công năm 2017 phải cao hơn so với năm 2016.
Kênh Tân Hóa - Lò Gốm được đầu tư bằng ngân sách giúp cải thiện môi trường nước của TP.HCM
Đồng thời, có phương án điều chỉnh giảm vốn đối với các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp, bổ sung vốn cho các dự án có tỷ lệ giải ngân cao và có khả năng hoàn thành dứt điểm trong năm 2017.
Quản lý nguồn thu và bồi dưỡng nguồn thu, tăng cường các giải pháp tăng thu đế huy động vốn đầu tư ngân sách. Rà soát lại toàn bộ quỹ nhà tái định cư trên địa bàn TP.HCM, có phương án điều chuyển hoặc bán đấu giá quỹ nhà tái định cư đến nay chưa bố trí được để thu hồi vốn ngân sách tạm ứng, tăng thu nhằm đảm bảo đủ nguồn bố trí cho chi đầu tư phát triển.
Đối với các dự án đã được các sở, ban ngành, UBND các quận huyện và chủ đầu tư đăng ký thực hiện từ nguồn vốn ngân sách, đã được TP.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư, trong quá trình thực hiện nếu có nhà đầu tư quan tâm, đăng ký đầu tư thì rà soát thì báo cáo UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương chuyển đổi sang hình thức đối tác công tư.
Ngoài ra, UBND TP.HCM cũng kiến nghị các bộ, ban hành Kế hoạch đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư nhằm huy động mọi nguồn lực còn nhàn rỗi trong nhân dân để xây dựng và phát triển TP.HCM.
Đẩy mạnh thực hiện Chương trình kích cầu đầu tư. Kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện các dự án, có biện pháp xử lý đối với các nhà thầu không đáp ứng được yêu cầu, vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết, kiên quyết loại ra các nhà thầu không có năng lực đã vi phạm.
Trước đó, UBND TP.HCM cũng có báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành về tình hình tiếp nhận, sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi quý 2 năm 2015.
Hiện tại, TP.HCM đang theo dõi 15 dự án có nguồn vốn ODA với tổng vốn đầu tư gần 110.000 tỉ đồng. Tuy nhiên trong 6 tháng đầu năm 2015, tình hình giải ngân vốn ODA của các dự án còn chậm, mới đạt 44% kế hoạch vốn được giao. Cụ thể, ngành hạ tầng đạt 43,5%, ngành môi trường đạt 58,3%.
Nguyên nhân khiến tốc độ giải ngân thấp là do công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, di dời các công trình tiện ích gặp nhiều khó khăn. Việc thi công một số gói thầu gặp khó do việc phân luồng giao thông, thi công trong khu vực hẹp và phải xử lý các công trình ngầm. Bên cạnh đó, một số dự án phải điều chỉnh thiết kế cho phù hợp với tình hình thực tế cũng như xử lý một số tình huống trong đấu thầu.