Ngày 20-12, UBND TP.HCM cho biết vừa có văn bản kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét chọn đề xuất dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 3a - Bến Thành đi Tân Kiên để trình Chính phủ cho sử dụng vốn ODA. Nhà tài trợ dự kiến là Chính phủ Nhật Bản.
Tuyến metro 3a dài gần 20 km có tổng mức đầu tư hơn 6.200 tỉ đồng, được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn một xây dựng trước đoạn Bến Thành - Bến xe Miền Tây dài 9,7 km đi ngầm toàn bộ với kinh phí hơn 1,8 tỉ USD và giai đoạn 2 xây dựng đoạn Bến xe Miền Tây - Tân Kiên dài hơn 10 km với phần lớn đi trên cao với kinh phí khoảng 1 tỉ USD.
Dự án có hướng tuyến: Bến Thành - Phạm Ngũ Lão - Ngã 6 Cộng Hòa - Hùng Vương - Hồng Bàng - Kinh Dương Vương - Depot Tân Kiên - Ga Tân Kiên. Tuyến metro số 3a cũng được định hướng nghiên cứu kéo dài kết nối với TP Tân An của tỉnh Long An tại ga Tân Kiên của huyện Bình Chánh.
Tuyến metro 3a sẽ xuất phát từ Bến Thành đi Tân Kiên
Theo UBND TP.HCM, việc đầu tư các tuyến metro để xây dựng mạng lưới giao thông công cộng hiện đại, an toàn và có sức chuyên chở lớn, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường tại TP.HCM.
Tuyến metro 3a cũng được kết nối với tuyến metro số 1 sẽ hình thành tuyến đường sắt đô thị xuyên trung tâm, nối Bến xe Suối Tiên ở quận 9 với Bến Thành và Bến xe Miền Tây, tạo sự thuận tiện cho hành khách và nâng cao hiệu quả đầu tư cho tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên.
Đồng thời, tuyến đường sắt đô thị này cũng tạo sự kết nối liên thông ba trung tâm vận chuyển hành khách lớn của TP.HCM: Bến xe Miền Đông mới - Bến Thành - Bến xe Miền Tây khi các tuyến được đầu tư xây dựng hoàn thành.
Theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, TP.HCM sẽ có tám tuyến metro. Trong đó, tuyến số 1 là Bến Thành - Suối Tiên dài gần 20 km, dự kiến kéo dài đến Bình Dương và Đồng Nai.
Tuyến số 2: Thủ Thiêm - Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi khoảng 48 km nhưng sẽ làm trước đoạn Bến Thành - Tham Lương. Tuyến 3A: Bến Thành - Tân Kiên dài khoảng 20 km. Tuyến 3B: Ngã sáu Cộng Hòa - Hiệp Bình Phước dài hơn 12 km.
Tuyến số 4A: Cầu Bến Cát - Khu đô thị Hiệp Phước dài 36 km. Tuyến 4B: Ga Công viên Gia Định - ga Lăng Cha Cả dài 5,2 km. Tuyến số 5: cầu Sài Gòn - Bến xe Cần Giuộc dài khoảng 17 km. Tuyến số 6: Bà Quẹo - vòng xoay Phú Lâm dài hơn 6 km.
Ngoài ra, TP.HCM còn có ba tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray. Hiện tại, tuyến metro số 1 đang được triển khai và dự kiến hoàn thành vào năm 2020.
Trong tám tuyến metro, đã có ba tuyến bị đội vốn hơn 60.000 tỉ đồng. Cụ thể, tuyến metro số 1 có tổng mức đầu tư được duyệt vào năm 2007 khoảng 17.300 tỉ đồng. Sau đó, tổng mức đầu tư dự án này được điều chỉnh lên hơn 47.300 tỉ đồng.
Còn tuyến metro số 2 có tổng mức đầu tư được duyệt vào năm 2010 là hơn 26.100 tỉ đồng. Đến nay, tổng mức đầu tư của dự án được cập nhật là khoảng 40.000 tỉ đồng, tăng khoảng 14.000 tỉ đồng.
Tuyến metro số 5 giai đoạn 1 dài gần 9 km khi đăng ký danh mục dự án ODA chỉ ước khoảng 833 triệu euro. Tuy nhiên, tính đến nay tổng mức đầu tư dự án này ước khoảng hơn 1,5 tỉ euro.
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, do chủ đầu tư, các tư vấn lập dự án và tư vấn thẩm tra trong nước chưa có kinh nghiệm nên việc tính toán chưa sát thực tế.
Các chi phí xây dựng, giải phóng mặt bằng, quản lý dự án tính theo quy định trong nước nên rất thấp. Đồng thời do các dự án chậm triển khai nên chịu ảnh hưởng của trượt giá, lạm phát.
Qua tính toán, suất vốn đầu tư 1 km của các tuyến metro tại TP.HCM gồm: Tuyến số 1 là 93,9 triệu USD/km, tuyến số 2 là 130,8 triệu USD/km và tuyến số 5 là 117,5 triêu USD/km.