TP.HCM: Điều chỉnh thời gian cấm ô tô trên một số tuyến đường

(PLO)-  Mức phục vụ của nhiều tuyến đường ở TP.HCM vào đầu tháng 4 đều tăng cao so với trước Tết, chẳng hạn tuyến đường Cộng Hòa đạt hơn 140%, tuyến đường Trường Chinh đạt hơn 100%, Ung Văn Khiêm đạt hơn 70%.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại buổi họp báo do Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM tổ chức chiều 18-4, ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM đã thông tin về việc kiểm soát tình hình lưu lượng giao thông có dấu hiệu tăng cao những ngày gần đây.

Đường Cộng Hòa phục vụ hơn 140%

Theo ông Bằng, từ tháng 3, đầu tháng 4 đến nay, lưu lượng giao thông trên địa bàn TP khá cao so với trước Tết Nguyên đán, đặc biệt là các khu vực trung tâm, sân bay, cảng Cát Lái, các cửa ngõ TP.

Trước tình hình trên, Sở GTVT đã lập hai nhóm điều tiết lưu lượng giao thông ở khu vực sân bay và Cảng Cát Lái, đến nay tình trạng đã được kiểm soát tốt.

Theo báo cáo của Sở GTVT, lưu lượng giao thông ở khu vực trung tâm TP tháng 4-2022 tăng 29,7% so với trung bình tháng 3-2022. Vào các ngày cuối tuần lưu lượng giao thông giảm 44% so với các ngày trong tuần. Mức phục vụ tuyến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa đạt cao nhất 60%. Các tuyến đường khác như Lý Tự Trọng, Pasteur, Lê Thánh Tôn có mức phục vụ trung bình 30% - 35%. Các phương tiện lưu thông tương đối ổn định.

Ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, lưu lượng giao thông khu vực sân bay tháng 4-2022 vào các ngày trong tuần tăng 8,3% so với trung bình tháng 3-2022. Vào các ngày cuối tuần lưu lượng giao thông giảm 9,1% so với các ngày trong tuần.

Mức phục vụ của tuyến đường Cộng Hoà đạt hơn 140%, tuyến đường Trường Chinh đạt hơn 100% (vượt quá năng lực thông hành của mạng lưới đường dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông).

Khu vực các tuyến đường quận Bình Thạnh (Đinh Bộ Lĩnh – Xô Viết Nghệ Tĩnh – Ung Văn Khiêm – Bạch Đằng), lưu lượng giao thông khu vực tháng 4-2022 vào các ngày trong tuần đạt tăng 3% so với trung bình tháng 3-2022. Vào các ngày cuối tuần lưu lượng giao thông giảm 30% so với các ngày trong tuần.

Mức phục vụ của tuyến đường Ung Văn Khiêm đạt hơn 70%, của tuyến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh đạt hơn 65% dẫn đến tình trạng các phương tiện lưu thông tương đối khó khăn, đặc biệt là vào các giờ cao điểm.

Ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM trả lời về tình hình ùn tắc giao thông những ngày gần đây. Ảnh: TN

Ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM trả lời về tình hình ùn tắc giao thông những ngày gần đây. Ảnh: TN

Nhiều giải pháp giải quyết ùn tắc giao thông

Để xử lý kịp thời, hiệu quả các điểm nóng về ùn tắc giao thông, Sở GTVT cho biết ngoài tiếp tục tăng cường công tác phối hợp liên ngành (giao thông vận tải, cảnh sát giao thông, các quận huyện), ngành giao thông sẽ thực hiện nhiều giải pháp tổ chức giao thông trên địa bàn thành phố trong tháng 4 và quý II- 2022. Cụ thể, triển khai công tác tổ chức giao thông phục vụ thông xe cầu Thủ Thiêm 2 vào cuối tháng tháng 4-2022, đường song hành Võ Văn Kiệt, nâng cấp Tỉnh lộ 9 (đường Đặng Thúc Vịnh).

Bên cạnh đó, triển khai phương án điều chỉnh tổ chức giao thông một số khu vực như: khu vực cầu Xáng trên đường Trần Văn Giàu, huyện Bình Chánh; tăng cường an toàn giao thông tại 73 vị trí trường học; cải tạo hạ tầng giao thông phục vụ công tác truyền thông chào mừng Ngày Giải phóng miền Nam 30-4 và Ngày Quốc tế lao động 1-5 (tăng cường cảnh báo tại 32 vị trí tập trung đông người, tăng cường cảnh báo tại 16 vị trí nút giao).

Cùng với đó là triển khai phương án cải tạo kích thước hình học tại 8 vị trí: giao lộ Nguyễn Văn Trỗi – hẻm 309, Trường Chinh – Cộng Hòa (quận Tân Bình); Phạm Văn Đồng – đường số 20 (TP Thủ Đức); Đặng Thúc Vịnh – Trịnh Thị Dối, Quốc lộ 22 – Nguyễn Văn Bứa, Quốc lộ 22 – Dương Công Khi (huyện Hóc Môn), Nguyễn Văn Linh – Quốc lộ 50, Nguyễn Văn Linh – Phạm Hùng.

Ngành giao thông cũng cho biết tổ chức rà soát, điều chỉnh hệ thống biển báo, tổ chức giao thông và nghiên cứu nâng tốc độ khai thác trên phần đường hỗn hợp của một số tuyến đường có dải phân cách tách riêng làn xe ô tô và làn xe hai bánh (như phần đường hỗn hợp tuyến Xa lộ Hà Nội, Võ Văn Kiệt – Mai Chí Thọ, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Quốc lộ 1, Quốc lộ 22,…). Đồng thời, nghiên cứu phương án đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các khu vực nút giao như giao lộ Quốc lộ 1 – Đường số 7 – Đường số 18, giao lộ Quốc lộ 1 – Võ Trần Chí (quận Bình Tân)…

Ngoài ra, tiếp tục rà soát, điều chỉnh thời gian cấm xe ô tô trên một số tuyến đường cho phù hợp thực tế. Điều chỉnh thời gian cấm xe tải lưu thông trên một số tuyến đường thuộc địa bàn TP Thủ Đức cho đồng bộ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm