Chiều 16-10, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông chín tháng năm 2019, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết: TP. HCM đã và sẽ triển khai hàng loạt ứng dụng công nghệ thông tin để điều tiết, tổ chức, kiểm soát giao thông và xử lý vi phạm.
Theo đó, TP.HCM đã xác định lộ trình và mô hình phát triển hệ thống giao thông thông minh qua hai giai đoạn. Giai đoạn một (2018-2020): Hình thành Trung tâm giám sát và điều khiển giao thông với nhiệm vụ kiểm soát giao thông trên các tuyến đường chính, các nút giao thông ở khu vực trung tâm TP. Trung tâm này có bốn chức năng chính: điều khiển tín hiệu giao thông; giám sát giao thông; cung cấp thông tin giao thông và hỗ trợ xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông.
Giai đoạn hai (sau năm 2020), sẽ hoàn thành trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị với quy mô toàn TP. Theo đó, trung tâm này sẽ được nâng cấp để đảm nhiệm 10 chức năng, trong đó có sáu chức năng mới là: Giám sát và điều hành hệ thống giao thông công cộng; tích hợp dữ liệu thanh toán điện tử; quản lý nhu cầu giao thông; quản lý vận tải hàng hóa; chia sẻ thông tin theo yêu cầu và quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông (GIS).
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan: “TP.HCM đang cần đột phá về kiểm soát, xử lý giao thông thông minh”. Ảnh: L.ĐỨC
Theo ông Hoan, đến nay TP.HCM đã cơ bản hoàn thành giai đoạn một của chương trình giao thông thông minh trong đó có hệ thống camera giám sát, đếm lưu lượng xe, các tủ điều khiển tín hiệu tự động, chín điểm kiểm soát tốc độ tự động… Cạnh đó, hàng loạt ứng dụng công nghệ tiện ích đã được triển khai như cổng thông tin giao thông điện tử hiện đã thu hút hơn 5 triệu lượt truy cập, tra cứu thông tin giao thông trên nền Zalo, ứng dụng BusMap… “Hiện TP.HCM đang thí điểm sử dụng vé điện từ smart card dành cho xe buýt và hướng đến hình thành hệ thống vé liên thông dùng chung cho giao thông công cộng” - ông Hoan thông tin và cho rằng việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông sẽ là bước đột phá trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của TP.HCM và khu vực lân cận.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, đánh giá việc ứng dụng công nghệ thông tin ở TP.HCM là bước đột phá về chống ùn tắc giao thông. “Tuy nhiên, TP.HCM cần kết nối, khai thác dữ liệu từ hạ tầng kỹ thuật công nghệ của mình và khai thác, chia sẻ dữ liệu từ các tuyến cao tốc, quốc lộ quanh TP và dữ liệu từ các hộp đen gắn trên các ô tô kinh doanh vận tải. Được như vậy thì TP.HCM sẽ có cảnh báo, chống kẹt xe từ xa, ngoại vi vào đến nội đô và quản lý được các ô tô kinh doanh vận tải trên địa bàn” - ông Trương Hòa Bình nói.
TNGT giảm nhưng vẫn gây bức xúc cho dân Tại hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cho biết tình hình bảo đảm, trật tự an toàn giao thông trong quý III-2019 có chuyển biến tích cực. Cụ thể, số vụ, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông giảm so với cùng kỳ năm 2018 và so với quý I, II-2019. Đặc biệt, các vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu bia, chất kích thích giảm. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho biết tình hình vi phạm về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, xe chở quá tải vẫn tăng, nhất là ở các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM... Phó Thủ tướng thường trực chỉ đạo, từ nay đến cuối năm, nhất là dịp tết dương lịch, Nguyên đán, các địa phương, các lực lượng phải tăng cường kiểm soát tình hình giao thông, bảo đảm cho người dân, phương tiện đi lại an toàn, ngăn chặn, đẩy lùi các vi phạm về giao thông, nhất là đối với xe khách, xe tải lớn. |