TP.HCM lắp camera quan sát tầm xa ở nhiều nơi trọng yếu

Sáng 22-6, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị sơ kết đánh giá 18 tháng thực hiện đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”.

TP.HCM lắp hơn 1.000 camera giám sát an ninh công cộng.

Lắp đặt hơn 1.000 camera giám sát

Thông tin tại hội nghị cho hay đề án đã đạt được kết quả tích cực tại một số khu vực cụ thể. Như ở quận 1, đã triển khai thí điểm trung tâm điều hành đô thị thông minh đặt tại trụ sở UBND quận, trong đó đã tích hợp camera tại địa bàn dân cư và trụ sở công an ở 10 phường trên địa bàn với hơn 750 mắt camera.
Quận 1 cũng đầu tư, lắp đặt mới camera hiện đại có khả năng quan sát tầm xa tại các vị trí trọng điểm để phục vụ công tác an ninh, trật tự.
Cụ thể, camera tầm xa được gắn trước trụ sở UBND TP và UBND quận 1, Công viên công xã Paris, Lãnh sự quán Mỹ, Trung Quốc, Thảo Cầm Viên, Công trường Mê Linh. Ngoài ra, nâng cấp 3 camera quan sát tầm xa ở trên ba xe công vụ của 3 phường Tân Định, Bến Nghé và Nguyễn Thái Bình. Đến nay ở quận 1 đã lắp đặt 9 camera trọng điểm và camera tích hợp trên xe.
Qua hơn 1 năm triển khai thí điểm, hệ thống đã hỗ trợ, phục vụ tốt cho quận 1 trong công tác chỉ đạo, điều hành và xử lý các tình huống phát sinh vào các ngày lễ, tết... phòng chống các tình huống bạo động, biểu tình, các hành vi gây rối trật tự công cộng.
Tại quận 12 cũng đã triển khai trung tâm chỉ huy hình ảnh và an ninh đặt tại trụ sở Công an quận, trong đó đã tích hợp hơn 600 camera hiện hữu tại các khu dân cư.
Quận 12 cũng triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, như phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc, phần mềm quản lý hồ sơ hành chính, hệ thống quản lý địa bàn khu dân cư, hệ thống thông tin quản lý qui hoạch, triển khai ứng dụng ảnh viễn thám trong công tác quản lý đô thị, tài nguyên môi trường.
Ngoài ra, quận cũng triển khai ứng dụng tiếp nhận, quản lý và trả lời phản ánh, góp ý của người dân thông qua facebook, zalo...
Tại hội nghị, ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cũng cho biết trong giai đoạn 1, TP.HCM đã thí điểm kết nối, tích hợp dữ liệu hệ thống camera giám sát của Sở GTVT, UBND các quận như 1, 12, Phú Nhuận và Gò Vấp.
Tổng số camera đã được tích hợp về trung tâm điều hành hơn 1.000 camera, trong đó phân tích nâng cao dữ liệu cùng lúc 50 camera gồm: nhận diện khuôn mặt, nhận dạng loại phương tiện, phát hiện đám đông, các sự cố về giao thông, an ninh trật tự…
TP.HCM cũng đã xây dựng trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội, hoàn thành tập tài liệu tổng hợp các phương pháp khoa học dự báo. Từ đó, đã ứng dụng các mô hình dự báo chuỗi thời gian để dự báo một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu cho các năm 2019 và năm 2020.
Ngoài ra, đã xây dựng hệ thống tích hợp và chia sẻ dữ liệu, thực hiện tích hợp một số cơ sở dữ liệu quan trọng như: văn bản điện tử, một cửa điện tử, khiếu nại tố cáo, đường dây nóng, đăng ký doanh nghiệp, đầu tư nước ngoài, chứng chỉ hành nghề y… Kho dữ liệu dùng chung đặt tại Công viên phần mềm Quang Trung.
UBND TP cũng đã phê duyệt đề án thành lập Công ty Cổ phần vận hành Trung tâm An toàn thông tin TP, triển khai thử nghiệm cổng dữ liệu mở http://data.hochiminhcity.gov.vn để cung cấp thông tin về cơ sở khám chữa bệnh và chứng chỉ hành nghề y, cơ sở giáo dục và dịch vụ, các dự án đầu tư nước ngoài và đầu tư công nhằm chia sẻ tài nguyên dữ liệu đến đông đảo người dân, doanh nghiệp.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị. Ảnh: PHƯƠNG THÙY

Không thể vừa làm vừa đặt mục tiêu

Phát biểu tại buổi sơ kết, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, cho biết TP vừa cụ thể hóa đề án, vừa mày mò tổ chức thực hiện. Ông cho rằng, các sở ngành, quận huyện cần chia sẻ về kinh nghiệm, bài học thực hiện đề án trong thời gian qua. Đồng thời nêu rõ các khó khăn, vướng mắc và đề xuất cơ chế tháo gỡ khó khăn.
Một trong những vấn đề cần quan tâm là giải pháp sử dụng camera của người dân, doanh nghiệp, các trường học, bệnh viện… đảm bảo đồng bộ.
Ông yêu cầu, các sở ngành, quận huyện cần đánh giá lại kết quả thực hiện, dự báo khả năng đạt được các mục tiêu kế hoạch vào cuối năm nay. Đồng thời, các đơn vị, các ngành phải hình dung, lượng hóa công việc cụ thể, mục tiêu cụ thể ứng với các mốc thời gian tại thời điểm cuối năm 2019, tháng 6-2020 và cuối năm 2020.
“Tôi có cảm nhận là có lúc chúng ta vừa làm vừa đặt mục tiêu” – ông Nhân nói và cho rằng cách làm này chỉ phù hợp trong giai đoạn đầu thực hiện đề án. Trong thời gian tới, chúng ta không được làm như thế, vì như vậy thì không biết khi nào đề án mới thực hiện xong.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm