TP.HCM hướng dẫn ứng phó nếu xảy ra động đất, sóng thần

(PLO)- Quy tắc chung là không chạy ra khỏi nhà khi đang có chấn động do động đất gây ra, phải bình tĩnh đợi đến khi kết thúc.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhằm chủ động, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại khi xảy ra thiên tai, cụ thể là động đất, sóng thần, TP.HCM đã đưa ra phương án phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả động đất, sóng thần trên địa bàn TP.

Khu vực Nam bộ có khả năng gây động đất

Thông tin từ Phòng khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (thuộc Sở TN&MT TP.HCM), theo đề tài nghiên cứu khu vực TP.HCM và Nam bộ thì các đứt gãy khu vực Nam bộ có khả năng gây động đất mạnh tới 5,5 độ Richter, gây chấn động cấp VII ở khu vực TP.HCM và nhiều vùng khác.

Thực tế đến nay khu vực TP.HCM chưa ghi nhận có tâm phát ra động đất. Hiện mới chỉ ghi nhận chuỗi động đất có độ lớn M4,5-5,5 các năm 2004, 2005, 2007 ở vùng biển Nam bộ, gây ra một số dư chấn làm các nhà cao tầng của TP rung nhẹ.

Đối với khu vực TP.HCM, phía nam là vùng biển Cần Giờ nên nếu có nguy cơ xảy ra sóng thần ở khu vực này thì biên độ cũng rất nhỏ. Ảnh: HOÀNG GIANG

Đối với khu vực TP.HCM, phía nam là vùng biển Cần Giờ nên nếu có nguy cơ xảy ra sóng thần ở khu vực này thì biên độ cũng rất nhỏ. Ảnh: HOÀNG GIANG

Theo bản đồ phân bố các vùng phát sinh động đất trên lãnh thổ Việt Nam thì trên vùng biển nước ta, động đất có thể xảy ra chỉ lớn đến M = 6 độ Richter (có thể đến Mmax = 6,2). Như vậy, khả năng xảy ra sóng thần mạnh trong vùng biển nước ta là rất nhỏ.

Nếu sóng thần do động đất mạnh đến Mmax = 6,2 thì theo một số tính toán của các công thức nghiệm, biên độ sóng thần vùng ven biển nước ta cũng nhỏ (khoảng 0,65 m), đỉnh sóng chưa cao hơn mặt đất. Như vậy, độ nguy hiểm sóng thần địa phương xảy ra trong vùng biển nước ta có thể coi là rất nhỏ nhưng hoàn toàn không được chủ quan.

Đối với khu vực TP.HCM, phía nam là vùng biển Cần Giờ nên nếu có nguy cơ xảy ra sóng thần ở khu vực này thì biên độ cũng rất nhỏ.

Làm gì khi xảy ra động đất, sóng thần?

Mặc dù khả năng xảy ra động đất, sóng thần rất nhỏ nhưng Phòng khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu vẫn đưa ra khuyến cáo cho người dân những việc cần làm khi có động đất.

Cụ thể, quy tắc chung là không chạy ra khỏi nhà khi đang có chấn động do động đất gây ra, phải bình tĩnh đợi đến khi kết thúc. Khi cảm thấy nền đất hay tòa nhà rung động, lập tức chạy đến vị trí an toàn (chui xuống gầm bàn chắc chắn, bàn học hoặc lánh vào góc phòng để tránh các vật nặng hay mảnh vỡ rơi xuống đầu). Sau khi chấn động ngừng, bình tĩnh rời khỏi phòng, nhà. Khi hết rung chấn cần tắt ngay điện, nước, gas.

Đối với trường hợp người dân đang ở nhà cao tầng thì không nên chạy vào thang máy, bởi thang máy có thể ngưng hoạt động bất ngờ do mất điện. Bên cạnh đó, không được gây ùn tắc ở cầu thang, khi di chuyển nên có vật che đầu, dùng đèn pin trong trường hợp mất điện, tránh dùng nến dễ gây hỏa hoạn.

Trường hợp người dân đang ở ngoài đường thì phải chạy tránh xa các tòa cao ốc, tường cao, cây cối và đường dây điện. Nếu đang lái xe thì ngừng ở lề đường nhưng tránh xa cột điện, dây điện, gầm cầu.

Khi xảy ra sóng thần, người dân nên theo dõi các cảnh báo về sóng thần, đồng thời lập tức rời khỏi bờ biển khi thấy chấn động. Đối với tàu thuyền đậu ở bến cảng thì người trên thuyền lập tức rời khỏi tàu thuyền. Đối với tàu thuyền ngoài khơi thì không quay vào bờ cho đến khi nhận được tin cuối cùng về sóng thần.

Khi sóng thần sắp tiến vào bờ, mực nước biển có thể dâng cao hay hạ xuống khá nhanh dọc bờ biển, do đó người dân không được lội xuống nước để nhặt những thứ trên bờ biển khi nước rút hay chụp ảnh. Cần di tản ngược hướng biển đến vùng cao hơn hoặc theo tổ chức của chính quyền địa phương khi nhận được cảnh báo sóng thần.•

Bốn tại chỗ, ba sẵn sàng

UBND TP.HCM đã ban hành quyết định về phương án phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả động đất, sóng thần trên địa bàn TP.

Phương án này được đưa ra nhằm đảm bảo sự chỉ đạo thống nhất, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng. Từ đó đáp ứng kịp thời yêu cầu ứng phó, khắc phục hậu quả khi có động đất, sóng thần xảy ra. Đồng thời, phương án cũng là cơ sở cho các cơ quan, đơn vị xây dựng và triển khai kế hoạch theo nhiệm vụ được phân công.

Theo đó, UBND TP yêu cầu Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.HCM là cơ quan chỉ đạo. Sở TN&MT TP sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trong công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả động đất, sóng thần. Ngoài ra, chủ tịch UBND TP Thủ Đức và các quận/huyện; chủ tịch UBND phường/xã/thị trấn sẽ là cơ quan chỉ huy ở cấp huyện/xã.

UBND TP.HCM yêu cầu các đơn vị phát huy mọi nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, kỹ thuật theo phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và “ba sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm