Theo báo cáo ngày 13-4 của Sở GTVT TP.HCM về tình hình thực hiện Luật Giao thông đường bộ giai đoạn 2016-2019, hiện nay trên địa bàn TP có 15 đơn vị đăng kiểm xe cơ giới với 18 địa điểm tổ chức kiểm định xe cơ giới đang hoạt động.
Trong đó, ba trung tâm đăng kiểm (TTĐK) trực thuộc Sở GTVT quản lý, 55 TTĐK trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam quản lý và bảy TTĐK do các thành phần kinh tế khác thành lập theo hình thức xã hội hóa.
Trung tâm đăng kiểm tại quận Thủ Đức từng bị đình chỉ một dây chuyền từ phản ánh của Pháp Luật TP.HCM. Ảnh: TỰ SANG
Theo Nghị định 139 thì các TTĐK không còn phải tuân thủ quy hoạch tổng thể nên nhu cầu và tốc độ phát triển các TTĐK trong thời gian tới là rất lớn.
Tuy nhiên, trong Thông tư số 18 hướng dẫn thực hiện Nghị định 139, Bộ GTVT đã không hướng dẫn việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm việc thực hiện các quy định của nghị định này.
Từ đó Sở GTVT TP.HCM gặp khó khăn trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về việc kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới đối với các đơn vị đăng kiểm trên địa bàn.
Cũng theo báo cáo, vào tháng 2-2020 vừa qua, Sở GTVT đã gửi công văn kiến nghị Bộ GTVT xem xét, hướng dẫn việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm việc thực hiện các quy định của Nghị định 139.
Đây cũng là cơ sở pháp lý để Sở GTVT TP.HCM thực hiện chức năng quản lý nhà nước về việc kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới đối với các đơn vị đăng kiểm trên địa bàn.
Đình chỉ nhiều nhân viên và dây chuyền Theo bảo cáo của Sở GTVT TP.HCM, trong năm 2020 có tới sáu nhân viên đăng kiểm và ba dây chuyền đang hoạt động tại các trung tâm trên địa bàn TP.HCM bị đình chỉ công tác và đình chỉ dây chuyền kiểm định. Trong đó có ba nhân viên và một dây chuyền do Pháp Luật TP.HCM phản ánh trong loạt bài “voi chui lỗ kim đăng kiểm bằng tiền”. |