Ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, Tổ trưởng Tổ Điều phối nguồn nhân lực phục vụ phòng chống dịch COVID-19 của TP.HCM vừa ký văn bản liên quan đến việc cung cấp danh sách cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP.
Cụ thể, Tổ Điều phối nguồn nhân lực đề nghị lãnh đạo các cơ quan khối Đảng (trừ quận, huyện), đoàn thể TP thuộc và trực thuộc Đảng bộ TP.HCM, lãnh đạo các sở ban ngành TP phối hợp, cung cấp danh sách cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị để tạo nguồn khi cần thiết để hỗ trợ cho các cơ quan, đơn vị, địa phương để tham gia, phục vụ phòng chống dịch và duy trì hoạt động trong thời gian diễn ra xảy ra dịch bệnh.
Việc cung cấp danh sách phải hoàn thành trước 17 giờ ngày 24-7.
Liên quan đến nguồn nhân lực, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng vừa ký công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất hỗ trợ nhân lực tham gia phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn.
Theo đó, đối với công tác điều trị, TP.HCM đề nghị được hỗ trợ 927 bác sĩ (gồm 150 bác sĩ hồi sức và 777 bác sĩ khám, điều trị); 4.137 điều dưỡng, kỹ thuật viên (gồm 400 điều dưỡng hồi sức, 50 kỹ thuật viên xét nghiệm, 50 kỹ thuật viên X quang và 3.637 điều dưỡng chăm sóc người bệnh).
Đối với công tác lấy mẫu xét nghiệm, TP.HCM cũng đề nghị được hỗ trợ 2.000 nhân viên có chuyên môn liên quan.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cũng ký văn bản khẩn gửi Bộ Y tế đề xuất hỗ trợ, điều động lực lượng nhân viên y tế các bệnh viện Trung ương, bộ ngành đóng trên địa bàn để hỗ trợ công tác phòng chống dịch COVID-19.
Cụ thể, số lượng nhân viên y tế cần điều động là 1.000 bác sĩ, 4.000 điều dưỡng, kỹ thuật viên.
Sau 13 ngày thực hiện Chỉ thị 16, tình hình dịch tại TP.HCM vẫn còn diễn biến rất phức tạp, số ca nhiễm hàng ngày ở mức rất cao. Do vậy, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã ký chỉ thị khẩn số 12 về tăng cường một số biện pháp thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng trong phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM.
Trong đó, nhiều biện pháp mạnh được đưa ra như trong các khu phong tỏa, thực hiện triệt để “người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình”; tuyệt đối không được tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh.
Thu hẹp diện các nhóm đối tượng hoạt động trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 như tạm dừng các hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động của các công trường, công trình xây dựng, giao thông chưa thật sự cấp bách; siết chặt hoạt động của doanh nghiệp…
Theo Thành ủy TP.HCM, thời gian cao điểm hai tuần tới có ý nghĩa quyết định đối với kết quả phòng chống dịch COVID-19 của TP.HCM.