TP.HCM muốn thí điểm nhiều cơ chế mới về đất đai

(PLO)- TP.HCM đề xuất được tự xây dựng và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất; tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 18-10, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà dẫn đầu đoàn công tác đã có buổi làm việc với Thành ủy TP.HCM về một số nội dung cần tháo gỡ vướng mắc, hạn chế trong lĩnh vực đất đai, môi trường.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc với Thành ủy TP.HCM. Ảnh: T.HOÀNG

Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc với Thành ủy TP.HCM. Ảnh: T.HOÀNG

TP kiến nghị được xây dựng và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nêu ra một số vướng mắc với đoàn công tác, đồng thời kiến nghị nhiều nội dung mà TP.HCM đưa vào dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017.

Về đất đai, TP muốn tự xây dựng và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với tình hình thực tiễn. Trên cơ sở đó, UBND TP ban hành hệ số điều chỉnh giá đất tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với tất cả khu đất, thửa đất mà không phân biệt giá trị tính theo bảng giá đất.

“TP.HCM hiện có 18 vấn đề khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực đất đai, tuy nhiên có năm vấn đề đang là điểm nghẽn lớn nhất cần xem xét, tháo gỡ ngay.”

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi

TP cũng đề xuất thực hiện thủ tục về thuê đất, thuê đất có mặt nước theo quy định của pháp luật về đất đai; không thực hiện thủ tục thuê khu vực biển theo quy định tại Luật Biển Việt Nam và Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo như hiện nay với các dự án về cảng biển (kể cả dự án lấn biển)...

Liên quan đến việc giải phóng mặt bằng, TP kiến nghị áp dụng việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất cùng mục đích sử dụng thì bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi theo tỉ lệ phần trăm. Cùng với đó, thí điểm được tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án đầu tư công độc lập đối với các dự án nhóm B.

UBND TP cũng tổ chức lại Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng TP Thủ Đức thành Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Thủ Đức trực thuộc UBND TP Thủ Đức, thực hiện chức năng, nhiệm vụ như trung tâm phát triển quỹ đất cấp tỉnh. Cho phép Trung tâm Phát triển quỹ đất TP triển khai công tác khai thác ngắn hạn đối với các khu đất do Trung tâm Phát triển quỹ đất quản lý nhưng chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất…

Những ý kiến, kiến nghị đề xuất thí điểm nhiều cơ chế, chính sách về đất đai, môi trường của TP.HCM rất đúng, có cơ sở xác đáng. Hiện 16/18 vấn đề vướng mắc của TP đã được đưa vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này. Đề nghị TP phân công đầu mối chuẩn bị hồ sơ, tổng kết và hoàn thiện đề xuất để trình Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua.

Bộ trưởng Bộ TN&MT TRẦN HỒNG HÀ

Năm điểm nghẽn lớn cần tháo gỡ

Chủ tịch Phan Văn Mãi cũng cho biết hiện TP.HCM có 18 vấn đề khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực đất đai, tuy nhiên TP xác định có năm vấn đề đang là điểm nghẽn lớn nhất cần phải được xem xét, tháo gỡ ngay.

Cụ thể, tiến độ công tác lập quy hoạch TP chưa đáp ứng yêu cầu của Chính phủ. Một phần do đây là loại hình quy hoạch mới (quy hoạch tích hợp), có tính chất phức tạp, hình thức hoàn toàn mới, chịu sự điều chỉnh của nhiều quy định pháp luật có liên quan, trong khi cả kinh nghiệm trong nước và quốc tế về nội dung này còn rất hạn chế.

Các thủ tục hành chính giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đang phụ thuộc vào các quy định pháp luật khác như pháp luật về đầu tư, đấu thầu, nhà ở, quản lý và sử dụng tài sản công… trong khi các quy định này chưa thống nhất, đồng bộ, dẫn đến việc giải quyết hồ sơ kéo dài.

Ngoài ra, việc sắp xếp lại, xử lý đất và các tài sản khác gắn liền với đất là tài sản công theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, tuy nhiên khái niệm tài sản công vẫn chưa được quy định cụ thể.

Từ đó, ông Mãi kiến nghị tách phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai TP thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để thực hiện độc lập, sau khi hoàn tất sẽ tích hợp vào quy hoạch TP.HCM. Đồng thời, thống nhất thủ tục hành chính giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định pháp luật về đất đai…

TP.HCM không thể chờ vì sẽ lỡ nhiều cơ hội

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhìn nhận TP dù đã nỗ lực cố gắng triển khai nhiều nội dung, cải cách thủ tục hành chính nhưng trong quá trình hoàn thiện, tổ chức thực hiện vẫn còn nhiều tồn đọng. Ông nhắc lại tinh thần là cái gì đủ chín, đủ rộng thì thực hiện, thực tiễn chứng minh đúng thì quyết tâm thực hiện; cái gì chưa rõ thì thí điểm.

“Chúng ta không ngồi chờ mà tích cực chủ động tìm lối đi để tổng kết kinh nghiệm và từ đó hoàn thiện hệ thống pháp luật” - Bí thư Nên nhấn mạnh và cho rằng những gì TP chưa làm do khách quan, chủ quan thì tiếp tục làm.

Ông khẳng định TP không đề xuất, kiến nghị những cái thuộc thẩm quyền của mình, những cái đã có trong luật, có trong nghị định. Những vấn đề của bộ, ngành thời gian qua mong muốn thực hiện mà chưa thực hiện được thì TP sẵn sàng đăng cai thí điểm để tổng kết, rút kinh nghiệm.

Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng kiến nghị của TP về Luật Đất đai (sửa đổi), nếu được Quốc hội thông qua, theo lộ trình đến năm 2024 mới có hiệu lực pháp luật. Trong thời gian đó, TP không thể chờ vì sẽ bỏ lỡ rất nhiều cơ hội.

“Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM sẽ tiếp tục chỉ đạo để bổ sung những nội dung báo cáo cho Bộ Chính trị, đề xuất cơ chế cho Chính phủ, Thủ tướng bộ khung về các cơ chế, chính sách thí điểm” - Bí thư Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm