TP.HCM sắp xử nhiều đại án tham nhũng

Sáng 7-12, HĐND TP.HCM khóa IX khai mạc kỳ họp thứ 23. Báo cáo về công tác xét xử năm 2020, ông Lê Thanh Phong (Chánh án TAND TP.HCM) cho biết từ ngày 1-10-2019 đến 30-9-2020, tòa án hai cấp TP.HCM đã thụ lý 62.300 hồ sơ, đã giải quyết hơn 49.000 vụ việc, đạt tỉ lệ gần 80%.

hdnd-tphcm
Ông Lê Thanh Phong, Chánh án TAND TP.HCM báo cáo trước HĐND TP sáng 7-12. Ảnh: HOÀNG GIANG

Về chất lượng xét xử, ông Phong khẳng định án bị hủy do lỗi chủ quan của thẩm phán là 165 vụ trong tổng số 47.139 vụ việc, chiếm tỉ lệ 0,35%. Tỉ lệ án bị sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán là 238 vụ, chiếm tỉ lệ 0,5%.

So với năm ngoái, tỉ lệ giải quyết chung của tòa án hai cấp TP tăng 0,9%. Riêng đối với án hình sự, trong năm toà án hai cấp đã đưa ra xét xử 6.523 vụ án với 11.770 bị cáo, đạt tỉ lệ 99,8%.

Đặc biệt, trong năm qua, tòa án đã kịp thời đưa ra xét xử các vụ án tham nhũng, các vụ án về kinh tế lớn, vụ án đặc biệt nghiêm trọng được dư luận quan tâm.

Cụ thể như: Vụ Châu Văn Khảm và đồng phạm bị truy tố, xét xử về tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân, vụ Nguyễn Hữu Tín và đồng phạm bị truy tố về tội vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí.

Hay vụ Trần Phương Bình và đồng phạm vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng và lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, vụ Nguyễn Thành Tài và đồng phạm vi phạm quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí…

Theo ông Phong, nhìn chung các vụ án xét xử được người dân đồng tình.

hdnd-tphcm
Các đại biểu HĐND TP.HCM tham dự kỳ họp sáng 7-12. Ảnh: HOÀNG GIANG

Ông Phong cho biết trong năm 2021, TAND TP.HCM sẽ khắc phục các hạn chế trong công tác xét xử, nâng cao tỉ lệ xét xử các án dân sự, hành chính, kinh doanh, thương mại, hạn chế đến mức thấp nhất hủy án do lỗi chủ quan của thẩm phán, đáp ứng nhiệm vụ cải cách tư pháp…

Ông Phong cũng cho hay tòa án sẽ tiếp tục đưa ra xét xử các loại án, nhất là án do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi.

Cụ thể, thời gian tới, tòa án sẽ đưa ra xét xử Đinh Ngọc Hệ, Đinh La Thăng cùng đồng phạm trong vụ sai phạm xảy ra tại trạm thu phí cao tốc TP.HCM – Trung Lương; bà Dương Thị Bạch Diệp trong vụ án sai phạm liên quan đến thửa đất tại số 185 Hai Bà Trưng (TP.HCM).

Ngoài ra, trong năm 2021, ngành tòa án sẽ chú trọng làm tốt công tác hoà giải, giải quyết án dân sự, đối thoại, phấn đấu không để xảy ra xét xử oan sai, bỏ lọt tội phạm... đảm bảo các bản án được thi hành đúng quy định.

 

Nhiều vụ án nếu không xử lý kịp có thể thành điểm nóng

Báo cáo về công tác kiểm sát năm 2020 tại kỳ họp, ông Đỗ Mạnh Bổng, Viện trưởng VKSND TP.HCM, cho biết từ đầu năm đến nay, tình hình tội phạm vẫn còn phức tạp.

Trong đó, đáng chú ý là tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của công dân tăng cả về số vụ và số bị can. Theo ông Bổng, các vụ án có tính chất manh động, nguy hiểm, côn đồ. Một số vụ án gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến trật tự trị an, trật tự xã hội trên địa bàn TP.

Các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tiếp tục được phát hiện và khởi tố, nhất là các vụ đối tượng đăng tin về những dự án không đúng sự thật để giao dịch, mua bán căn hộ chung cư, nhà ở. Các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt của rất nhiều người với số tiền đặc biệt lớn gây bức xúc trong nhân dân.

Theo ông Bổng, nhiều vụ án nếu không xử lý kịp thời có thể trở thành điểm nóng về an ninh trật tự, điển hình như vụ án liên quan đến Công ty địa ốc Alibaba, vụ án xảy ra tại chung cư La Bonita, vụ án liên quan đến Công ty TNHH Bất động sản Eagle và Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Tiên Phong…

Từ đó, cơ quan điều tra hai cấp TP.HCM đã phát hiện và khởi tố 9.319 vụ với 8.032 bị can, tăng 209 vụ và 871 bị can. Một số nhóm tội phạm có số vụ án khởi tố mới tăng là tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia (tăng một vụ với 3 bị can), tội phạm ma túy tăng 28 vụ với 108 bị can, tội phạm về trật tự an toàn xã hội tăng 361 vụ với 923 bị can (tăng 22,9%).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm