TP.HCM: Số lượng vụ việc và doanh thu của thừa phát lại ngày càng tăng

Ngày 22-4, đoàn liên ngành của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã phối hợp với Sở Tư pháp TP.HCM tổ chức hội thảo “đánh giá kết quả thí điểm thừa phát lại (TPL) trên địa bàn TP.HCM”.

Theo TS Dương Thị Thanh Mai (chuyên viên cao cấp Bộ Tư pháp, Trưởng đoàn liên ngành), qua kết quả khảo sát cho thấy có 56% người được hỏi có biết về chế định TPL, trong đó có 40% người dân nội thành và 70% người dân ngoại thành.

Ông Từ Dương Tuấn (Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp TP.HCM) cho biết hiện nay trên địa bàn TP.HCM đã có 11 văn phòng TPL được cấp phép thành lập tại các quận, huyện: 1, 5, 8, 10, Bình Thạnh, Tân Bình, Bình Tân, Gò Vấp, Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Chánh với 39 TPL đang hành nghề. Đến nay, các văn phòng TPL đã ký hợp đồng dịch vụ tống đạt văn bản với tất cả 25 tòa án (TAND TP.HCM và 24 tòa quận, huyện) cùng 25 cơ quan thi hành án dân sự (Cục Thi hành án dân sự TP.HCM và 24 chi cục Thi hành án dân sự quận, huyện).

Tổng doanh thu của 11 văn phòng TPL trong năm năm thực hiện thí điểm là hơn 67 tỉ đồng, trong đó nguồn thu chủ yếu là từ hoạt động lập vi bằng (chiếm hơn 53% tổng doanh thu). “Đạt được kết quả trên trong năm năm hoạt động thí điểm là điều khả quan và đặc biệt, số lượng vụ việc và doanh thu của các văn phòng TPL có chiều hướng gia tăng theo thời gian” - ông Tuấn nhận xét.

Đại diện VKSND TP.HCM đánh giá hoạt động của TPL đã bước đầu phát huy hiệu quả trong các hoạt động lập vi bằng, tống đạt văn bản, xác minh điều kiện thi hành án và tổ chức thi hành án. Nhờ vậy, khối lượng công việc của TAND các cấp và các cơ quan thi hành án dân sự tại TP.HCM đã giảm tải đáng kể.

Đại diện TAND TP.HCM đánh giá cao giá trị của vi bằng do các văn phòng TPL lập và nhận xét: Bên cạnh việc gia tăng nhanh về số lượng vi bằng được lập, chất lượng của các vi bằng cũng ngày càng được cải thiện, tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật. Một số vi bằng đã được sử dụng làm chứng cứ trong các vụ khiếu kiện, góp phần quan trọng trong việc chứng minh cho yêu cầu của người khiếu kiện như vụ cà phê Buôn Ma Thuột. Trong quá trình xét xử, TAND TP.HCM cũng đã sử dụng vi bằng làm chứng cứ để giải quyết một số tranh chấp. Chính nhờ vi bằng mà việc giải quyết nhiều vụ án được thuận lợi.

Về một số nguyên nhân khiến hoạt động của TPL vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế, ông Phạm Huy Hoàng (Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP.HCM) cho biết: Thứ nhất, TPL là chế định mới, nhiều người dân chưa biết đến hoặc còn e ngại trong việc sử dụng các dịch vụ pháp lý do các văn phòng TPL cung cấp. Thứ hai là một số đơn vị, cán bộ lãnh đạo, chấp hành viên, đặc biệt có cả chi cục trưởng cơ quan thi hành án dân sự chưa thông suốt chủ trương thí điểm chế định TPL. Cá biệt còn có chi cục không chấp hành các chỉ đạo của cấp trên, không thực hiện nghiêm túc các công việc đã được Cục Thi hành án dân sự TP.HCM triển khai...

HỒNG TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm