Đánh giá về nguyên nhân tác động đến kết quả tín dụng tháng 1 trên địa bàn có phần chững lại, ông Lệnh cho biết: Tăng trưởng tín dụng giảm trong tháng 1 đầu năm nay ngoài nguyên nhân đến từ sức hấp thụ vốn của nền kinh tế trong nước vẫn còn yếu, còn có nguyên nhân mang tính chu kỳ mùa vụ đó là tháng 1 gắn liền với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Theo đó, nhu cầu vốn (chủ yếu là vốn ngắn hạn) tăng mạnh trong những tháng cuối năm 2023 (tháng 10, tháng 11 và tháng 12) để chuẩn bị cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại và dịch vụ phục vụ cho dịp Tết và dư nợ tín dụng này sẽ giảm theo kỳ hạn vay và thời hạn trả nợ vào dịp Tết nhằm không chỉ khai thác hiệu quả nguồn vốn vay, mà còn hạn chế việc phải chi trả lãi vay trong kỳ nghỉ.
Điều này được phản ánh rõ nét khi dư nợ tín dụng ngắn hạn trên địa bàn tháng 1/2024 giảm 2,32%, trong khi đó, dư nợ trung dài hạn tăng 0,35% so với tháng trước
Trước thực trạng đó, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, các tổ chức tín dụng nói chung và trên địa bàn thành phố nói riêng cần tập trung triển khai các giải pháp nhằm khai thác và sử dụng vốn hiệu quả. Trong đó, các ngân hàng thương mại cần hỗ trợ khách hàng thông qua việc đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn, dịch vụ ngân hàng. Đáng chú ý, cần tiếp tục xem xét điều chỉnh giảm lãi suất cho vay hợp lý, phù hợp với khả năng tài chính và xu hướng giảm lãi suất bình quân đầu vào của mỗi ngân hàng.
Ngoài ra, các nhà băng cần thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng đối với nhóm ngành lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế, nhóm ngành lĩnh vực đang có xu hướng tăng trưởng tích cực và nhóm khách hàng tiềm năng.
Bên cạnh những thuận lợi về lãi suất, về thị trường tiền tệ, về hạn mức tín dụng…, các ngân hàng cần triển khai các gói tín dụng ưu đãi để kích thích doanh nghiệp đầu tư, vay vốn mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh.
Ông Lệnh nhấn mạnh: “Trong bối cảnh được dự báo còn nhiều khó khăn thách thức, việc chủ động và thực hiện tốt các giải pháp tín dụng của các tổ chức tín dụng sẽ giúp hạn chế tác động của những khó khăn khách quan, khó khăn từ phía thị trường. Đồng thời, góp phần đảm bảo hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sự ổn định trong hoạt động sản xuất kinh doanh để tăng trưởng và phát triển. Kết quả này sẽ tác động tích cực trở lại đối với tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng và góp phần thực hiện tốt định hướng tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2024”.
Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết: Tính đến cuối năm 2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,71% so với cuối năm 2022. Tuy nhiên bước sang tháng -1-2024, tín dụng toàn hệ thống giảm 0,6% so với cuối năm 2023.