UBND TP.HCM vừa có báo cáo kết quả rà soát tổng thể các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội trên địa bàn TP từ ngày 1-7-2018 đến 30-6-2019.
Theo kết quả rà soát, TP.HCM đã thực hiện 134 cuộc thanh tra về kinh tế - xã hội và phát hiện 777 tổ chức, cá nhân có sai phạm. Trong đó, sai phạm về kinh tế phải thu hồi là hơn 852 tỉ đồng (đã thu đủ, đạt tỉ lệ 100 %), sai phạm về đất phải thu là 163,8 m2.
Sai phạm ở Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) là một trong số 13 vụ được chuyển cơ quan điều tra.
Đoàn thanh tra đã kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 13 vụ (trong đó Thanh tra TP.HCM kiến nghị chuyển 12 vụ, còn thanh tra các sở - ngành kiến nghị chuyển một vụ).
Cụ thể, sai phạm trong việc chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC); sai phạm tại Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng Tân Thuận; thanh tra về chín dự án phát triển mạng lưới của Công ty Cổ phần cấp nước Trung An (Tổng Công ty nước Sài Gòn); sai phạm về thực hiện các quy định về phòng chống tham nhũng ở Sở LĐ-TB&XH…
Về xử lý các cá nhân, tổ chức có sai phạm, TP.HCM đã xử lý hành chính 195 tập thể và 579 cá nhân. Trong số 579 cá nhân có sai phạm, có 24 người bị khiển trách, hai người bị cánh cáo, một người bị hạ bậc lương, một người bị cách chức và nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với 551 người.
Đối với kết quả thực hiện các kết luận, kiến nghị của Thanh tra Chính phủ và các chỉ đạo của Thủ tướng, báo cáo của UBND TP.HCM cho biết trong thời gian trên có bốn cuộc thanh tra chưa xử lý dứt điểm các kiến nghị xử lý vi phạm về kinh tế, tham nhũng. Trong đó sai phạm về kinh tế là hơn 28.000 tỉ đồng.
Có 21 tập thể và 38 cá nhân sai phạm, đã xử lý kỷ luật với hình thức cách chức đối với một cá nhân và thực hiện kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với 13 tổ chức và 37 cá nhân.
Theo UBND TP, các cơ quan đơn vị đang tiếp tục tổ chức thực hiện nên chưa có kết quả cuối cùng. Còn 28 nội dung đang thực hiện, chưa dứt điểm.
Cụ thể như việc xử lý 62 căn biệt thự thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP; rà soát xử lý 993 hồ sơ thuê đất chưa ký hợp đồng thuê; 807 hồ sơ thuê đất chưa xác định đơn giá thuê đất theo quy định; dự án đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp thương mại dịch vụ căn hộ cho thuê tại số 8-12 đường Lê Duẩn (quận 1).
Các nội dung này còn một số vấn đề như khối lượng công việc kiểm tra, rà soát khá lớn nên cần có thời gian thu thập hồ sơ, xác minh, đối chiếu quy định pháp luật.
Đối với hai kết luận thanh tra số 2112 ngày 30-11-2018 về thanh tra dự án Thảo cầm viên mới Sài Gòn Safari và số 1037 ngày 26-6-2019 về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, UBND TP.HCM phải tổ chức thực hiện 16 nội dung, hiện TP đang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức thực hiện.
Theo đánh giá của UBND TP, qua công tác thanh tra và xử lý về thanh tra đối với các cuộc thanh tra về kinh tế - xã hội, bên cạnh những mặt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn và vướng mắc.
Có ý kiến cho rằng việc bỏ lọt, bỏ sót hành vi phạm tội, từ đó xác định trách nhiệm đối với đoàn thanh tra, dẫn đến gây áp lực cho hoạt động thanh tra.
Một số kết luận thanh tra có những nội dung kiến nghị chưa rõ hoặc khó có thể thực hiện. Các đối tượng thanh tra không thực hiện được, lại đề nghị UBND TP, Thanh tra TP xem xét dẫn đến mất nhiều thời gian để nghiên cứu xử lý.
Việc kiểm điểm, xử lý hành chính với các hành vi vi phạm, khuyết điểm chưa nghiêm túc, chưa tương xứng với kết luận thanh tra hoặc hết thời hiệu xử lý 24 tháng kể từ thời điểm có hành vi vi phạm theo quy định.
Từ đó, UBND TP kiến nghị Thanh tra Chính phủ tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ về thanh tra, nhất là các nội dung liên quan đến việc xác định dấu hiệu tội phạm về tham nhũng để có cơ sở kiến nghị khởi tố hoặc chuyển cơ quan điều tra.
UBND TP.HCM cũng kiến nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu, sửa đổi quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức, viên chức theo hướng kéo dài thời hiệu xử lý tương tự như quy định xử lý kỷ luật về mặt Đảng.