TP.HCM: Thông qua quyết sách chống dịch

Chiều 27-3, HĐND TP.HCM khóa IX đã họp kỳ thứ 19 (kỳ họp bất thường) thảo luận, quyết định nhiều nội dung quan trọng, trong đó có kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Hỗ trợ 90.000 đồng tiền ăn cho người bị cách ly

Tại kỳ họp, các đại biểu đã thông qua tờ trình của UBND TP về chi hỗ trợ tiền ăn 90.000 đồng/người/ngày với người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế (kể cả tại khu dân cư được khoanh vùng để kiểm dịch, phân loại trước khi được chuyển đến khu cách ly tập trung và không bao gồm cách ly tại nhà, nơi lưu trú); người đang điều trị COVID-19 tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn TP. Số tiền trên cũng được hỗ trợ cho công an, quân đội và các lực lượng khác tham gia phối hợp phòng, chống dịch. Riêng nhân viên y tế tham gia phòng, chống dịch được hỗ trợ 120.000 đồng/người/ngày.

Về hỗ trợ khẩu trang, TP hỗ trợ mỗi người ba khẩu trang/tháng trong ba tháng. Đây là loại khẩu trang kháng khuẩn, có thể giặt và tái sử dụng 10 lần. Đối tượng được hỗ trợ là học sinh, học viên tại các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp công lập. Đối tượng được hỗ trợ còn có công nhân vệ sinh (thu gom rác, vận chuyển rác, quét đường, thoát nước) thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị, Công ty TNHH MTV Thoát nước TP, Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích 22 quận/huyện trực tiếp tham gia chống dịch.

Về chính sách hỗ trợ cho một số đối tượng khó khăn do tác động của dịch, các đại biểu cũng thông qua chính sách hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng cho khoảng 600.000 người lao động bị mất việc, bao gồm cả giáo viên, nhân viên các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập và nhóm trẻ. Đây là những người không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định. Thời gian hỗ trợ tính theo số ngày thực tế mà người lao động mất việc, tối đa không quá ba tháng (từ tháng 4 đến tháng 6-2020).

Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: TTXVN

Kiềm chế dưới 150 ca nhiễm

Phát biểu tại kỳ họp, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết dịch đã làm ảnh hưởng rất lớn đến tình hình kinh tế-xã hội của TP. Nhiều lĩnh vực trong ba tháng qua đã giảm nhiều so với cùng kỳ, hơn 1.350 doanh nghiệp (DN) giải thể. Hoạt động thu ngân sách cũng gặp nhiều khó khăn, trung bình mỗi ngày làm việc chỉ thu gần 899 tỉ đồng, chỉ đạt 55% so với mức thu trung bình của TP. Các hoạt động văn hóa-xã hội, giáo dục, thể dục thể thao, giải trí, đời sống tinh thần của người dân và các hoạt động đối nội, đối ngoại đều trực tiếp bị ảnh hưởng.

Trong thời gian tới, ông Phong cho biết TP sẽ quyết liệt triển khai nhiều giải pháp để phòng, chống dịch COVID-19, cũng như đề ra nhiều giải pháp để hỗ trợ DN bị ảnh hưởng bởi dịch. Ông Phong yêu cầu người dân không ra đường nếu không có việc cần thiết; những người trên 60 tuổi ở nhà. Cũng theo ông Phong, người dân phải đeo khẩu trang nơi công cộng; cấm tụ tập trên 20 người; riêng ngoài công sở, trường học, bệnh viện cấm tụ tập trên 10 người. TP cũng sẽ chủ động chuyển sang họp trực tuyến, giữ khoảng cách phù hợp trong giao tiếp với quyết tâm kiềm chế tối đa dưới 150 ca nhiễm, cùng cả nước không để vượt quá 1.000 ca nhiễm.

2.753 tỉ đồng là số tiền UBND TP trình lên HĐND TP chi phục vụ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19. Trong số này có 1.800 tỉ đồng để hỗ trợ 600.000 người lao động bị mất việc do ảnh hưởng bởi dịch và 135 tỉ đồng trang bị 10 xe cấp cứu chuyên dùng áp lực âm. 

Miễn, giảm thuế cho cá nhân, DN bị ngưng kinh doanh

Ông Phong cho biết trong tuần tới UBND TP sẽ thành lập tổ công tác do một người trong Thường trực UBND TP làm tổ trưởng. Tổ này sẽ hướng dẫn hỗ trợ các DN, làm cầu nối giúp DN, tổ chức, cá nhân tiếp cận nhanh chóng với các gói hỗ trợ của Chính phủ. Gồm có: gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỉ đồng, gói hỗ trợ gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất khoảng 30.000 tỉ đồng. Tổng hợp ý kiến, nguyện vọng của DN để đề xuất chính sách hỗ trợ cụ thể, từ trung ương và từ ngân sách TP cho DN, người lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19.

Trước mắt, ông Phong khẳng định sẽ thực hiện ngay các chính sách hỗ trợ DN, hộ kinh doanh cá thể như: Thực hiện việc hỗ trợ gia hạn nộp thuế, nộp hồ sơ khai thuế, xem xét gia hạn nộp thuế thu nhập cá nhân và gia hạn nộp hồ sơ khai thuế, hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2019 đến ngày 30-6, kéo dài thêm ba tháng. Các hộ, cá nhân kinh doanh phải tạm ngưng kinh doanh do quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền được cơ quan thuế hướng dẫn nộp thông báo và ban hành quyết định miễn (giảm) thuế tương ứng với thời gian tạm ngưng kinh doanh. Số tiền thuế khoán được miễn (giảm) thuế được tính trọn tháng bị ảnh hưởng của việc tạm ngưng kinh doanh.

Ngoài ra, TP cũng sẽ thực hiện tốt chương trình kết nối ngân hàng với DN, ổn định mặt bằng lãi suất nhằm hỗ trợ DN đẩy nhanh quá trình phục hồi khi hết dịch, TP sẽ ưu tiên hỗ trợ đối tượng DN bình ổn thị trường như DN sản xuất hàng xuất khẩu, DN có sản phẩm chủ lực của TP, DN sản xuất kinh doanh hàng thiết yếu và sản phẩm y tế.

TP cũng sẽ xây dựng kế hoạch hỗ trợ về vốn để DN dự trữ nguồn hàng, nguyên vật liệu tại chỗ, đảm bảo hoạt động sản xuất, cung ứng hàng hóa liên tục, kể cả trong tình huống dịch bệnh lan rộng có nhiều khu vực bị cách ly. TP sẽ cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay cho hoạt động tín dụng đã ký kết, xem xét cho phép vay mới để khôi phục quy trình sản xuất, kinh doanh. Cũng theo ông Phong, TP sẽ tập trung thu hút đầu tư, hỗ trợ các DN sản xuất thiết bị y tế, bảo hộ sức khỏe, dược phẩm.

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ cho rằng việc thông qua các nghị quyết về công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã kịp thời đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, DN, là cơ sở quan trọng của các cơ quan khẩn trương triển khai các biện pháp phù hợp trong phòng, chống dịch. “Các nghị quyết này sẽ góp phần tiếp thêm động lực cho nhân viên y tế, lực lượng công an, quân đội, các lực lượng khác tham gia chống dịch; người lao động gặp khó khăn, bị mất việc, nghỉ không lương do ảnh hưởng từ dịch” - bà Lệ nói.

Để chống dịch được tốt, bà Lệ đề nghị UBND TP sẵn sàng các phương án, kịch bản chống dịch bệnh, đảm bảo sẵn sàng về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị vật tư, nhân lực để phòng, chống dịch trong tình huống dịch bệnh bùng phát mạnh.

Ông Dương Anh Đức làm phó chủ tịch UBND TP.HCM

Tại kỳ họp, với tỉ lệ hơn 80%, ông Dương Anh Đức - Giám đốc Sở TT&TT đã được bầu vào chức danh phó chủ tịch UBND TP. Ông Đức năm nay 52 tuổi, quê Đà Nẵng; có học hàm, học vị PGS-TS công nghệ thông tin.

Trước khi được giới thiệu làm phó chủ tịch UBND TP.HCM, ông Đức từng giữ nhiều chức vụ ở nhiều cơ quan khác nhau, như hiệu trưởng, phó bí thư Đảng ủy, rồi bí thư Đảng ủy Trường ĐH Công nghệ thông tin; phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM; ủy viên BCH Đảng ủy ĐH Quốc gia TP.HCM; ủy viên BCH rồi phó bí thư Đảng ủy ĐH Quốc gia TP.HCM; ủy viên BCH Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XI (nhiệm kỳ 2013-2018).

Ông Đức được bổ nhiệm giữ chức vụ giám đốc Sở TT&TT TP.HCM hồi tháng 7-2017, khi ông còn làm hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin.

Hồi tháng 9-2019, ông được Ban Bí thư chỉ định bổ sung vào ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa X nhiệm kỳ 2015-2020.

TP.HCM: Thông qua quyết sách chống dịch ảnh 2
ông Dương Anh Đức, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM, được bầu giữ chức phó chủ tịch UBND TP.HCM. Ảnh: TTXVN 

 Kỳ họp cũng đã bầu ông Tăng Hữu Phong - Phó Bí thư Quận ủy Tân Phú giữ chức trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM. Ông Phong năm nay 48 tuổi, có trình độ thạc sĩ sử học, cử nhân chính trị.

Kỳ họp cũng miễn nhiệm chức danh ủy viên UBND TP.HCM đối với Thiếu tướng Nguyễn Trường Thắng, nguyên Tư lệnh Bộ tư lệnh TP.HCM, đã được bổ nhiệm giữ chức phó tư lệnh Quân khu VII. Kỳ họp cũng bầu bổ sung ủy viên UBND TP đối với Thiếu tướng Nguyễn Văn Nam, Tư lệnh Bộ tư lệnh TP.HCM và bà Phạm Thị Hồng Hà - Giám đốc Sở Tài chính.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm