Báo cáo ngày 7-7 của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết do ảnh hưởng dịch COVID-19 trong những tháng đầu năm, tính đến hết tháng 6-2020, tỉ lệ bao phủ đầy đủ các mũi vaccine cơ bản cho trẻ sinh năm 2019 đã bị chậm khoảng 15% so với tiến độ cần đạt.
Tại TP.HCM, hằng năm tỉ lệ này đều đạt trên 95%. Tỉ lệ này được tính theo tỉ lệ bao phủ đầy đủ các mũi vaccine cơ bản ở trẻ dưới 1 tuổi.
Theo HCDC, có một số nguyên nhân khiến trẻ chưa được tiêm đủ các mũi vaccine như phụ huynh ngại đến nơi đông người nên không đưa con đi tiêm chủng do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Cha mẹ hoặc người chăm sóc bận rộn không đưa trẻ đi tiêm. Bên cạnh đó cũng có trường hợp cha mẹ trẻ trì hoãn tiêm chủng vì đợi vaccine dịch vụ.
Trẻ được phụ huynh đưa đi chích ngừa dịch vụ tại một cơ sở ở TP.HCM. Ảnh: HL
HCDC khuyến cáo bệnh bạch hầu là bệnh nguy hiểm, người lớn và trẻ nhỏ đều có nguy cơ mắc. Nhiều ca bệnh là trẻ ngoài độ tuổi tiêm chủng thường xuyên và người lớn. Do đó, biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay là chủ động tiêm vaccine đầy đủ.
Tiêm chủng vaccine bạch hầu không mang lại miễn dịch suốt đời, vì vậy việc tiêm nhắc cho trẻ lớn và người lớn là cần thiết. Ngoài tiêm đủ các mũi cơ bản, các hướng dẫn trên thế giới đều khuyến cáo tiêm nhắc để phòng bệnh bạch hầu, giảm tỉ lệ mắc bệnh ở cộng đồng.
Hiện cả tiêm chủng mở rộng hay tiêm chủng dịch vụ đều có vaccine phối hợp có thành phần bạch hầu. Tuy nhiện, vaccine phòng bệnh đối với hình thức tiêm chủng miễn phí chỉ áp dụng cho trẻ dưới 4 tuổi. Trẻ trên 4 tuổi và người lớn có thể đến các cơ sở tiêm chủng dịch vụ để được tư vấn, sử dụng vaccine phối hợp phù hợp với độ tuổi và tiền sử tiêm chủng.