Dưới thời Tổng thống Donald Trump, nước Mỹ đang kéo lê “cây gậy” chính sách đi khắp nơi trên thế giới, không loại trừ các đồng minh lẫn đối tác thân cận ở Á, Âu hay Mỹ Latinh. Nhiều chuyên gia đánh giá chính sách của ông Trump không mạch lạc và thiếu ổn định nhưng có một điều có thể chắc chắn về chính sách của Mỹ lúc này là nước Mỹ không quan tâm đồng minh, sẵn sàng trừng phạt bất cứ quốc gia nào chống lại mà không cần nhượng bộ mặc cả.
Mỹ không còn giữ được hòa bình
Gần nhất là các cuộc tấn công bằng tên lửa vào Syria, rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và mới nhất là dời Đại sứ quán Mỹ đến Jerusalem sau khi công nhận đây là thủ đô của Israel bất chấp phản đối của cộng đồng Arab, nơi vốn có nhiều đồng minh quan trọng của Mỹ. Trung Đông bị chính sách Mỹ khuấy đảo, chìm vào những cuộc chiến mà số người chết lên đến hàng trăm, người bị thương lên đến hàng ngàn.
Hình ảnh của Mỹ dưới thời ông Trump đã thay đổi nhanh chóng, khác hoàn toàn so với hai nhiệm kỳ của người tiền nhiệm Barack Obama. Bất chấp các chỉ trích “nhu nhược”, cựu tổng thống Obama đã rút dần sự can dự sâu sắc của Mỹ tại khu vực và kiên nhẫn tìm kiếm các giải pháp hòa bình, trong đó phải kể đến Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA). Dù Trung Đông không phải trọng tâm của Mỹ dưới thời Obama nhưng cựu tổng thống đã giúp quân đội Mỹ thoát khỏi sa lầy ở chiến trường Trung Đông trong suốt nhiều năm liền mà người tiền nhiệm George W. Bush không làm được.
Ông Trump chỉ trích chính quyền cũ thiếu quyết đoán và không giữ được lời hứa, muốn chuyển trọng tâm chính sách sang Trung Đông mà mục tiêu chính là giảm sự ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc (TQ) tại đây. Đáng tiếc, Mỹ càng làm càng khiến khu vực trở nên rối ren và bất ổn. Các hành động thiếu uyển chuyển của Washington, ngoài Israel ca ngợi thì đang làm mất lòng hầu hết cộng đồng Arab, đẩy khu vực vào các cuộc giao tranh, gây phản tác dụng trong việc hạn chế ảnh hưởng của Nga và TQ tại khu vực.
Chủ tịch Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Iran Hassan Rouhani trong cuộc gặp năm 2016. Ảnh: STR/AFP
Trung Đông có ý nghĩa chiến lược với TQ
Các chiến lược gia TQ tất nhiên hiểu rõ tình thế hiện nay và biết Bắc Kinh cần phải tranh thủ cơ hội quý giá này. Sáng kiến Một vành đai, Một con đường (OBOR) của Chủ tịch Tập Cận Bình năm 2013 nhắm đến việc xây dựng con đường tơ lụa mới kết nối TQ bằng đường bộ và đường biển đến Đông Nam Á, Trung Á, Trung Đông, châu Âu và châu Phi.
Các nước vùng Vịnh nằm ở vị trí chiến lược trong chính sách OBOR trị giá hơn 900 tỉ USD. TQ cũng là đối tác thích hợp nhằm đa dạng hóa quan hệ và tái cơ cấu nền kinh tế của các nước. Hai bên cũng đã kết hợp OBOR với các kế hoạch phát triển quốc gia, như Tầm nhìn 2030 của Ả Rập Saudi và Tầm nhìn quốc gia của Qatar năm 2030. Quốc đảo Bahrain thậm chí còn ví mình như là cửa ngõ vào khu vực kinh tế vùng Vịnh như vai trò Hong Kong đối với TQ. Trong thập niên qua, trao đổi thương mại của TQ với khu vực Trung Đông đã tăng gấp 10 lần.
Hiện nay, các quốc gia vùng Vịnh đã trở thành nguồn nhập khẩu dầu lớn nhất của Bắc Kinh, đứng thứ hai về thị trường lao động và xây dựng kỹ thuật và chiếm hơn một nửa sản lượng xuất khẩu tại Trung Đông của nước này. Chỉ tính riêng trong năm 2017, các nguồn nhập khẩu dầu thô hàng đầu của TQ đến từ Ả Rập Saudi, Angola, Iraq, Iran, Venezuela và các nước OPEC khác.
Với chỉ thị đầu tư hồi tháng 8-2017, chính phủ TQ đang khuyến khích đầu tư vào các ngành công nghiệp thế mạnh và làm giàu cho quốc gia. Các ngành công nghiệp này ít nhiều sẽ nhắm vào các nước thuộc khu vực của OBOR có thể kể đến như Israel, Iraq, Iran hay Tiểu vương quốc các nước Arab thống nhất (UAE).
Ngoài nhu cầu về năng lượng cho quốc gia, các hoạt động của TQ đang thúc đẩy việc quốc tế hóa nhân dân tệ. Các ngân hàng TQ và Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) được hỗ trợ bởi các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ của ngân hàng trung ương như dùng đồng nhân nhân tệ trong các giao dịch thương mại và tài chính, hợp đồng mua bán dầu.
TQ tiến hành đầu tư ở nhiều quốc gia Trung Đông, trong đó có Tiểu vương quốc các nước Arab thống nhất (UAE). Ảnh: WALL STREET JOURNAL
Chính quyền Mỹ đã không thực hiện thành công “kế hoạch hòa bình” ở Trung Đông. Ảnh: CONTRARYPERSPECTIVE
Trung Đông đang cần xích lại gần Bắc Kinh
Nếu Trung Đông có vai trò chiến lược với chính sách gia tăng ảnh hưởng của TQ thì ngược lại nền kinh tế thứ hai thế giới chiếm vai trò quan trọng trong định hướng phát triển của Trung Đông, nhất là khi Mỹ không đảm bảo được những cam kết cơ bản về môi trường chính trị tại khu vực. Kể từ năm 2016, TQ đã trở thành nhà đầu tư lớn nhất trong thế giới Arab với tổng đầu tư trị giá 29,5 tỉ USD. Phần lớn số tiền đó được nhắm vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, bao gồm xây dựng các khu công nghiệp, đường ống, cảng và đường bộ.
Arab Saudi, nước có trữ lượng dầu lớn thứ hai trên thế giới, hiện là nước xuất khẩu dầu lớn thứ ba sang TQ, chiếm vị trí số một về trữ lượng nhập khẩu và là bạn hàng số một của TQ. Ngoài tham gia kế hoạch “Tầm nhìn Arab Saudi 2030”, hai bên cũng đã đồng ý tham gia Hành lang kinh tế TQ-Pakistan, ký kết các thỏa thuận kinh doanh trị giá 65 tỉ USD năm 2017. Hai nước cũng đang tiến lên kế hoạch thành lập một quỹ đầu tư trị giá 20 tỉ đôla để phát triển các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng và khai thác mỏ.
Đứng thứ hai về sản lượng dầu xuất sang TQ là Iraq với số lượng tăng từ con số 0 vào năm 2007 lên đến 270 triệu thùng vào năm 2017, chiếm khoảng 8,8% tổng nhập khẩu dầu của TQ. Các tập đoàn quốc doanh hiện là các nhà đầu tư dầu mỏ lớn nhất tại Iraq, 60% lượng điện ở Baghdad hiện được sản xuất bởi các công ty TQ. Đáp ứng nhu cầu phát triển sau cấm vận, Iran đang thu hút nguồn tài trợ TQ chưa từng có cho mọi thứ từ đường sắt đến bệnh viện, như hạn mức tín dụng trị giá 10 tỉ USD từ Tập đoàn đầu tư nhà nước CITIC Group và thêm 15 tỉ USD từ Ngân hàng Phát triển TQ đang được xem xét.
Quan hệ với UAE là sôi động nhất. Bắc Kinh hiện là đối tác thương mại ngoài dầu mỏ lớn nhất của Dubai, tiến hành miễn thị thực cho công dân UAE và nhiều chuyến thăm hữu nghị trên các lĩnh vực năng lượng, giáo dục, hợp tác kinh tế, du lịch đã ký kết được các văn bản ghi nhớ (MoU) kể từ đầu năm nay. Tiêu biểu nhất là thỏa thuận giữa cảng Abu Dhabi và Hội đồng Xúc tiến thương mại quốc tế TQ để thúc đẩy đầu tư vào Khu công nghiệp Khalifa Abu Dhabi (KIZAD) và Khu Thương mại tự do cảng Khalifa (KPFTZ) - khu thương mại tự do lớn nhất trong khu vực. Thỏa thuận được dự kiến sẽ thu hút 1 tỉ USD.
Sự quan tâm và tăng cường mạnh mẽ hợp tác kinh tế của TQ đang đem lại nhiều cơ hội cho các nước trong khu vực. Theo tờ Jeune Afrique, Tổng thống Djibouti, ông Ismaïl Omar Guelleh, bày tỏ sự tin tưởng vào tính bền vững kinh tế của ba dự án do TQ tài trợ chính trong nước và kêu gọi báo chí bớt chỉ trích sự hiện diện một căn cứ quân sự TQ ở Djibouti.
Tariq Metwally, thành viên của Hội đồng đại diện Hội đồng quản lý kênh Suez, hy vọng Suez sẽ là một cửa ngõ cho các khoản đầu tư của TQ ở Ai Cập và châu Phi. Còn UAE thì “sẵn sàng tăng cường giao tiếp và phối hợp với TQ, thực hiện sự đồng thuận đạt được bởi các nhà lãnh đạo của cả hai bên và tăng cường hợp tác trong tất cả lĩnh vực để nâng cao mối quan hệ song phương lên một tầm cao hơn” - trích lời Thái tử Abu Dhabi của UEA tại cuộc gặp cấp cao đầu năm.
TQ với đại chiến lược OBOR và những toan tính trong việc từng bước thay thế Mỹ ở những nơi Washington đang gặp trở ngại chắc chắn không thể bỏ qua những lời kêu gọi và chào đón từ những quốc gia vùng Vịnh đầy tiềm năng.
Các nhà lãnh đạo khu vực Trung Đông vẫn chưa hiểu rõ về TQ, một đối tác hiện nay của họ, theo Mohamed Elmenshawy, biên tập viên tờ Al Shorouk nhận xét. Các nước trong khu vực thuộc dự án Một vành đai, Một con đường cũng được khuyến cáo nên cẩn thận với các khoản vay và đầu tư của TQ do rủi ro khủng hoảng nợ, như trường hợp 71% khoản nợ của Kyrgyz là do đại dự án này. |