Đường đất, nắng bụi mù, mưa lầy lội phải vác xe lội bộ. Mang theo bịch nước mía, đạp khoảng chục cây, thấm mệt mới dám rít một hơi…
“Cầm bản án tòa vừa tuyên vào ngày 22-5 vừa qua, suốt đêm tui trằn trọc không ngủ được. Vui cũng có, buồn tủi cũng có. Cuối cùng tòa cũng đã công nhận tui kiện đúng. Tui đã thắng điều mà vì nó, tui phải đạp xe suốt 18 năm qua để đi đòi” - lão nông Võ Văn Chiến (80 tuổi, ngụ ấp Tân Lập, xã Tân Tuyến, Tri Tôn, An Giang) thổ lộ.
Bị xã “xù” thỏa thuận
Chúng tôi gặp ông Chiến tại căn nhà sàn cất ven kênh, phía sau là cánh đồng lúa xanh mướt. Dáng người nhỏ thó, tóc bạc trắng, khuôn mặt đầy nếp nhăn, ông rưng rưng: “Ngẫm lại hành trình kiện tụng dài thăm thẳm mà buồn muốn não ruột”.
Ông Chiến thuật lại câu chuyện đời mình 18 năm về trước, bắt đầu từ ngày 30-6-1995 - cái ngày mà UBND xã Tân Tuyến làm văn bản thỏa thuận đổi đất với ông. Theo thỏa thuận, xã lấy của ông mảnh đất nông nghiệp diện tích 552 m2 (đã có giấy đỏ) tại ngã tư kênh 10 - kênh Huệ Đức để xây trụ sở xã đội, đổi lại cho ông 2 ha đất nông nghiệp ở ấp Tân Vọng 2.
Ngay sau khi thỏa thuận, ông đã giao mảnh đất của mình cho xã. Đáp lại, trụ sở xã đội xây xong rồi mà xã vẫn không chịu giao đất hoán đổi cho ông. Ông đạp xe đi khiếu nại. Các quyết định giải quyết khiếu nại của huyện và tỉnh thời đó đều thừa nhận xã chưa trả đất đổi cho ông nhưng không nêu ra được phương án khắc phục, giải quyết quyền lợi chính đáng cho ông.
Hơn một thập niên sau, năm 2006, UBND tỉnh An Giang ra quyết định thu hồi, hủy bỏ tất cả quyết định trước đó, trả vụ việc về con số không. Ông Chiến buộc lòng phải khởi kiện đòi UBND xã Tân Tuyến trả đất đổi và bồi thường huê lợi trên đất…
Người dân địa phương vẫn thường gặp một nông dân nhỏ nhắn đạp xe đi về trên con đường làng để đòi công lý. Ảnh: V.SƠN
Ăn bờ ngủ bụi
“Cực lắm chú ơi. Nhà tui ở vùng đồng sâu, muốn ra tỉnh phải mất 4 tiếng đạp xe. Mỗi lần ra tỉnh, tui phải thức từ 3 giờ sáng rồi đạp xe theo đường đất. Trời nắng bụi mù, trời mưa lầy lội. Gặp bữa trời mưa thì vác xe lội bộ. Tui mua một bọc nước mía đem theo. Chạy chừng chục cây số, thấy ngấm mệt thì rít một hơi. Cũng không dám uống hết ngay một lúc vì mình không có nhiều tiền. Mỗi lần nghỉ mệt, tui chỉ dừng lại nơi có bóng mát, không dám vào quán. Cứ thế mà đạp xe ra đến tỉnh là trời hừng sáng” - ông Chiến kể.
Chuyện ăn bờ ngủ bụi với ông diễn ra như cơm bữa. Ông thường chực chờ tại công viên Tỉnh đội, trước cổng UBND tỉnh An Giang. Vật vạ suốt ngày, ngóng coi có ai mời mình vào giải quyết. “Có đợt ngủ công viên gần một tháng, ăn bánh mì thay cơm suốt” - ông nhớ lại.
Không ít lần ông Chiến còn tìm đến tận các cơ quan chức năng đặt trụ sở ở TP.HCM để kêu cứu. Ông đạp xe từ khuya đến Long Xuyên, rồi gửi xe đạp lên xe khách. Đến Bến xe Miền Tây (TP.HCM), ông lấy xe đạp chạy đi gửi đơn.
Trong những năm tháng nhọc nhằn này, ông đã gặp được những tấm lòng thơm thảo chia sẻ với ông. “Có chú cán bộ ngồi tiếp công dân hỏi tui sao già rồi mà còn đạp xe tới đây. Tui trình bày hoàn cảnh, chú ấy liền móc túi cho tui 100.000 đồng. Ở một cơ quan khác cũng có cô cán bộ cho tui 100.000 đồng. Tui sang bưu điện gửi đơn nhưng không đủ tiền, có cô khách thấy vậy liền gửi giúp, rồi còn cho tui thêm 100.000 đồng nữa. Tui hết sức mang ơn họ” - ông Chiến ngậm ngùi.
18 năm, trong đó có bảy năm theo hầu tòa, ông Chiến vẫn miệt mài lầm lũi đạp xe từ đồng sâu ra tỉnh để đi tìm lẽ công bằng cho mình. Sau sáu lần xét xử, cuối cùng ngày 22-5 vừa qua, TAND tỉnh An Giang đã tuyên buộc UBND xã Tân Tuyến phải hoàn trả giá trị 2 ha đất và bồi thường thiệt hại trên đất cho ông, tổng cộng là 892 triệu đồng.
Bị cả cán bộ chiếm đất Năm 1996, có sáu cán bộ vào đất của ông Chiến (gần chỗ đổi đất cho xã) tôn nền cất nhà. Ông Chiến khiếu nại, UBND huyện Tri Tôn chỉ buộc những cán bộ này phải bồi hoàn thành quả lao động cho ông Chiến. Ông Chiến khiếu nại tiếp thì năm 2006, UBND tỉnh An Giang ra quyết định hủy bỏ, thu hồi tất cả quyết định trước đó của huyện. Thanh tra tỉnh An Giang có văn bản khẳng định các hộ tự chiếm đất của ông Chiến. Ông Chiến đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự nhưng Công an huyện Tri Tôn ra thông báo không khởi tố vì cho rằng đây là tuyến dân cư, các cán bộ này được bố trí vào ở nên không có tội. Ông Chiến gửi đơn kêu tiếp thì không cơ quan nào giải quyết. Cho đến nay các hộ lấn chiếm đất của ông Chiến đã được cấp giấy đỏ. Điều oái oăm là diện tích đất trong giấy đỏ của họ chồng lẫn lộn cả lên diện tích đất trong giấy đỏ của ông Chiến. Sự công bằng đến chậm quá! Tui đi khiếu kiện từ lúc sức khỏe còn, cho đến giờ tay run gối mỏi. 18 năm đạp xe, chiếc cũ đã hư, giờ thay bằng chiếc mới. Thắng kiện, tui mừng nhưng cũng buồn tủi vì sự công bằng sao mà đến với mình chậm quá. Ông VÕ VĂN CHIẾN |
VĨNH SƠN