Cuối tháng 9 vừa qua, hai suất diễn đặc biệt của vở múa Yes Yes No No 2 với chủ đề Lạc giới đã được giới thiệu với công chúng TP.HCM và Hà Nội. Dự kiến ngày 14 và 15-1-2017, vở múa này tiếp tục đến với khán giả Hà Nội. Và khán giả TP.HCM sẽ tiếp tục được xem vở múa này trong một, hai buổi diễn khác.
Trần Ly Ly là một trong những biên đạo múa của nhiều sô truyền hình, chị cũng từng ngồi ghế giám khảo Bước nhảy hoàn vũ… Và số tiền kiếm được từ truyền hình thực tế dư sức để chị rủng rỉnh cho cuộc sống sung túc nhưng cứ dư tiền lại thấy chị đổ vào đầu tư một vở múa nào đó. Việc đầu tư vào múa kiểu Trần Ly Ly là việc làm không có lời bởi những vở múa đó khá kén khán giả. Lần này chị tiếp tục đầu tư 200 triệu đồng cho vở Yes Yes No No 2 - Lạc giới. Đây chỉ là số tiền để dàn dựng và chị đã được ban tổ chức Liên hoan múa đương đại quốc tế - Sự gặp gỡ Á-Âu (Viện Goethe) chi trả phần thuê nhà hát. Chúng tôi đã có trò chuyện về những ám ảnh trong giới tính để khiến chị đưa chủ đề này lên sân khấu múa.
Ám ảnh từ những bộ phim đồng tính
. Phóng viên: Tại sao chị chọn chủ đề đồng tính cho vở múa lần này, dẫu đây không phải là chuyện mới?
+ Biên đạo múa Trần Ly Ly: Có nhiều tác phẩm nghệ thuật đề tài này nhưng riêng một vở múa về đồng tính thì chưa có trên sân khấu Việt. Một lý do khác, tôi có một cậu học trò là Lỏ. Cách đây hơn nửa năm tôi bắt đầu làm việc nhiều với Lỏ và tôi luôn thấy một sự đau khổ không gọi tên được của cậu ấy. Tôi có dựng tác phẩm tên Tễu và Lỏ là diễn viên chuyển tải rất tốt tác phẩm đó. Từ đó tôi càng mong muốn mình làm gì đó riêng cho cậu này bởi tại sao giỏi mà lại cứ buồn hoài như vậy.
Biên đạo múa Trần Ly Ly (đứng) trên sân khấu tập vở Yes Yes No No 2 - Lạc giới. Ảnh do nhân vật cung cấp
Tuy nhiên, Yes Yes No No 2 - Lạc giới không chỉ là chuyện của Lỏ mà còn là câu chuyện về nhiều bạn bè quanh tôi. Trong lĩnh vực của tôi, tôi gặp rất nhiều người như Lỏ. Và tôi còn thực hiện bởi những ám ảnh của chính mình về thế giới thứ ba mà tôi từng đọc, nghiên cứu.
. Ngay cả trên sân khấu múa thì chủ đề đồng tính cũng từng được đề cập, như trong Chuyện kể những chiếc giày hay trong các tác phẩm ở những chương trình truyền hình thực tế…
+ Thật ra một số tác phẩm trước từng nói về thế giới thứ ba nhưng đó chỉ mà một góc, một mẩu chứ không phải toàn bộ tác phẩm hoặc là một vở diễn chặt chẽ. Và ngay thời điểm này, người nghệ sĩ trong tôi thích đề tài đó. Nó như bỗng một ngày ra đường thích thú với câu chuyện nào đó và có thể còn vì những bộ phim như The Danish Girl (Cô gái Đan Mạch), Brokeback Moutain (Chuyện tình sau núi), Bá Vương Biệt Cơ… ám ảnh mình.
. Có phải từ ám ảnh trong phim The Danish Girl và từ phim đồng tính nữ Blue is the warmest color (Màu xanh là màu nồng ấm nhất) mà chị chọn chi tiết mang vớ xanh trong vở múa. Chị có nghĩ khán giả nghĩ chị “lấy” của phim?
+ Tất cả đặt để đó tôi quyết định và đều có nguyên do. Tất cả cái đó có nghiên cứu về giới thứ ba chứ không phải từ tác phẩm nào mà tôi thích là đem vào. Với những người thế giới thứ ba mà cụ thể là người muốn chuyển giới sang nữ thì trong cuộc đời họ việc mặc quần áo, soi gương…, tức những việc ngày ngày họ phải đối diện với chính thân thể mình luôn là điều khủng khiếp. Và đấy chính là Yes Yes No No hay tiếng Việt là có có không không. Họ vừa yêu thích và vừa ghét bỏ. Điều này ám ảnh tôi vô cùng.
Cơ thể tự nhiên là tuyệt vời nhất
. Ngoài câu chuyện chuyển giới, chị có ám ảnh câu chuyện đồng giới nữ và mong muốn đem nó lên sân khấu?
+ Tôi muốn làm nữ và cả lưỡng tính nữa. Bởi suy cho cùng tất cả người chuyển giới hay đồng giới đều muốn sống đúng nhất với bản dạng giới của mình. Vì thế trong kết thúc vở tôi chọn lời hát ru, nó như việc con rất muốn được sinh ra một lần nữa đúng bản chất của mình. Mẹ hãy ru con để con trở về tuổi thơ đúng bản chất của con, nếu mẹ không sinh ra con được thì con sẽ tự sinh ra mình.
. Thực tế múa vốn đã kén khán giả, múa đương đại càng ít người xem, chị có bao giờ lên kế hoạch kéo người đến xem vở của mình?
+ Tôi không ấn định hy vọng về khán giả nhưng có rất nhiều khán giả hiểu hơn cả chính tôi bởi họ cộng hưởng cảm xúc của họ. Sự hiểu biết phụ thuộc vào cảm xúc. Tôi làm rất rõ đường dây để mọi người hiểu rõ tác phẩm nhất.
Nghệ sĩ là sáng tạo nhưng tôi không biết tác phẩm của mình đạt tới cảm xúc của người xem như thế nào. Nhưng nếu nghệ thuật không đem đến người xem sự man mác, nỗi buồn, sự liên hệ, cảm xúc ám ảnh, thương thân, thương người… thì đừng làm. Tôi không đi theo dòng múa để khán giả xem xong nói với nhau “ôi sao đẹp thế” rồi về quên mất.
Sân khấu luôn khác biệt một tác phẩm điện ảnh chính là sự cộng hưởng của khán giả với tâm trạng họ mang tới ngay thời điểm xem tác phẩm.
. Có bao giờ chị muốn có đêm diễn bước ra khỏi khuôn khổ quản lý văn hóa thông thường, một đêm diễn mà nghệ sĩ được đi tận cùng xúc cảm?
+ Tôi luôn mong muốn như thế và mong một không gian riêng để thực hiện những vở múa đi đến tận cùng của vẻ đẹp tự nhiên là khỏa thân. Nếu được phép tôi sẽ được hơn nhiều. Tôi luôn tôn trọng cái tự nhiên tối đa bởi tự nhiên của con người là cái đẹp nhất, chỉ đừng nhìn với con mắt nhục dục. Muốn như thế khán giả cũng phải biết thưởng thức. Ở tất cả đoàn múa nổi tiếng thế giới, việc cởi quần áo là chuyện bình thường. Bởi với họ cơ thể tự nhiên là đẹp nhất.
. Xin cám ơn chị.
Giáo dục thẩm mỹ từ giờ thì 30 năm nữa mới có khán giả Muốn 30 năm nữa có khán giả xem múa, nghe nhạc, thưởng thức nghệ thuật thì ngay từ bây giờ chúng ta phải có sự giáo dục. Không ai có thói quen sẵn nếu không được giáo dục. Đầu tiên phải giáo dục trẻ con từ bé về các thẩm mỹ nghệ thuật nói chung, không phải một bộ môn nào. Trẻ con phải đi bảo tàng, xem triển lãm tranh, vẽ tranh, nặn tượng, nghe hòa nhạc, chơi nhạc cụ, học múa, học nhảy… xem thường xuyên như bắt buộc về một vở diễn đang diễn ra, bắt buộc học âm nhạc, kịch hay múa. Khi có học các em mới biết tác phẩm đó hay, dở ra sao. Nếu từ bé tạo ra sự khát khao đi xem, các em có cùng một thế hệ bạn bè cùng bàn luận về điều đó thì lớn lên các em mới cảm thấy “khát”, mới thấy đó là sự đòi hỏi trong tâm thức. |