Ngày 10-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường chủ trương đầu tư đường vành đai 3 (TP. HCM) và vành đai 4 (vùng Thủ đô Hà Nội).
ĐB Lê Hoài Trung (đoàn Thừa Thiên - Huế) cho rằng ngay ở các nước phát triển, khi xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng đều có thể phát sinh sai phạm. Do vậy, ông đề xuất cần có cơ chế, như thành lập nhóm đặc trách để giải quyết, hỗ trợ pháp lý, hành chính, kỹ thuật ở các địa phương.
“Điều này sẽ giúp giảm bớt những sai sót không cần thiết” - ông Trung nói.
ĐB Lê Hoài Trung (Thừa Thiên - Huế). Ảnh: QH |
Ngoài ra, ĐB Thừa Thiên - Huế cũng kiến nghị cần có cơ chế giám sát, kiểm tra trong quá trình thực hiện các dự án. “Đây không phải là không tin nhưng sẽ giúp giảm bớt những sai sót”- ĐB nhấn mạnh và bày tỏ nhất trí với trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể hôm 9-6 về việc mời công an, thanh tra, kiểm toán vào ngay từ khâu đầu thực hiện dự án.
Bấm nút tranh luận, ĐB Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho rằng “cần nhận thức đúng đắn vấn đề này”. Theo ông Vân, nhà nước ta được tổ chức trên nguyên tắc có phân công, kiểm soát quyền lực, trên cơ sở phân định rạch ròi chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan.
ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau). Ảnh: QH |
Việc tổ chức, xây dựng các dự án do cơ quan hành chính Nhà nước thực hiện. Trong cơ quan hành chính có các cơ quan kiểm tra, kiểm soát nội bộ là thanh tra và điều tra.
“Nếu mỗi lần làm dự án lại đưa các cơ quan công an, thanh tra, kiểm toán vào sẽ trái với nguyên lý tổ chức vận hành của bộ máy Nhà nước”- ông Vân nói và khẳng định sẽ không khắc phục được tình trạng vi phạm pháp luật bằng cách này. Trên thực tế, khi đưa các cơ quan này vào, những vi phạm vẫn diễn ra.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) cho rằng khi giao dự án cho nhà đầu tư, nên tính đến doanh nghiệp tư nhân vì gần đây, các doanh nghiệp tư nhân làm rất tốt. Hơn nữa, chúng ta đã có thiết kế, tư vấn, kiểm tra, kiểm soát.
ĐB Nguyễn Văn Thân (Thái Bình). Ảnh: QH |
“Tôi cũng phải nhấn mạnh rằng đừng kiểm tra, kiểm soát quá nhiều. Các doanh nghiệp tư nhân cũng muốn có công trình để đời, chứ không phải chỉ là lợi nhuận”- ĐBQH tỉnh Thái Bình khẳng định.
Trước đó, trong phiên chất vấn ngày 9-6, ĐB Dương Minh Ánh (TP Hà Nội) cho rằng việc mời các cơ quan thanh tra, kiểm toán, công an tham gia ngay từ đầu giai đoạn triển khai dự án sẽ làm tăng thêm áp lực, khó khăn cho doanh nghiệp, làm chậm thêm tiến độ thi công của dự án. “Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?”- bà Ánh hỏi.
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định việc mời các cơ quan thanh tra, kiểm toán, công an tham gia ngay từ đầu giai đoạn triển khai dự án “không ảnh hưởng gì tới nhà thầu”. Ông dẫn chứng khi triển khai cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1, cơ quan công an, kiểm toán đã vào cuộc giám sát từ khâu lập dự án, thiết kế, tổ chức đấu thầu, triển khai thực hiện của nhà thầu. Các cơ quan này chỉ làm việc với Bộ GTVT, còn Bộ có trách nhiệm làm việc với các nhà thầu.
“Chúng tôi mời Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ tham gia vào những vấn đề nhạy cảm. Với ngành giao thông hiện nay, không ai dám làm sai, tôi khẳng định trước Quốc hội như vậy”- Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.