Trào lưu bá đạo: Quyết không đi bệnh viện!

Con bị viêm tai giữa nên nhỏ dầu mè, bị amidan không cần đi cắt cứ từ từ sẽ tự biến mất. Trẻ bị sốt, co giật không nên dùng thuốc, chỉ cần mua con lươn về cho bò lên lưng trẻ sẽ hết sốt… Đó là vô số cách chữa bệnh biến tướng của những bà mẹ nhất quyết không chữa bệnh bằng thuốc và không đưa con đi bệnh viện (BV).

Viêm phổi: Đốt tỏi cho hít (?)

Trang Facebook nổi tiếng về hướng dẫn các mẹ chữa bệnh không dùng thuốc mang tên “Các bà mẹ chăm con theo phương pháp của bác sĩ TĐ” có lẽ là trang Facebook nổi bật nhất về trào lưu “không đi BV”.

Tại đây có rất nhiều bài viết, câu hỏi, đối đáp của các bà mẹ về vô số cách chữa bệnh được tích lũy bằng “kinh nghiệm” mà riêng họ có được. Người dùng thành công thì trở thành bài học quý giá, còn người dùng thất bại lại không thấy kêu ca gì mà ngậm ngùi đưa con đi BV.

Theo như quan sát, căn bệnh được các bà mẹ quan tâm nhiều nhất mà chúng tôi đọc được là sốt, ho, co giật ở trẻ, kế tiếp là viêm tai giữa. Khi một bà mẹ hoang mang đặt câu hỏi “Con mình bị viêm tai giữa, các mẹ nào đã có kinh nghiệm chữa viêm tai giữa không dùng thuốc mà cháu tự khỏi chỉ cho mình với…” thì hàng loạt bà mẹ khác mang kinh nghiệm bản thân vào “trau dồi” cho người mẹ trên.

Nào là “bạn nhỏ dầu vừng (mè) trực tiếp vào tai cho bé xem. Con mình cũng kéo mủ trắng, mình không cho dùng kháng sinh mà chỉ nhỏ dầu vừng, thấy bé hết bị kéo mủ đấy!”. Còn có mẹ lại khuyên: “Dùng bài thuốc từ lá bàng nhé, lấy lá bàng ủ ấm bằng nước nóng rồi đắp lên tai hoặc xay nhuyễn lá bàng, hấp lên rồi nhét vào tai cho bé…”… Trước hay sau mỗi câu trả lời đều kèm theo lời nhấn mạnh đây là theo kinh nghiệm của bác sĩ (BS) Đ.

Các bệnh như táo bón, ho sốt cũng được các bà mẹ trình bày nhiều cách chữa bệnh vô cùng quái chiêu. Ví dụ, con bị viêm phổi chỉ cần đốt tỏi cho hít vài hôm là khỏi. Con bị viêm amidan thì “không nên ồm ồm đưa con đi cắt, cố gắng thông mũi cho con thở hay thường xuyên cho bé khò nước muối sinh lý, dần dần amidam sẽ teo lại và biến mất”.

Một bà mẹ trình bày cách chữa sốt có đờm cho con mình rằng chỉ tắm bé bằng nước ấm, mặc đồ thoáng cho bé và thường xuyên dùng khăn lau. Bên cạnh đó cho bé uống các loại nước ép như cam, ổi, bưởi liên tục. Làm như vậy hai ngày bé sẽ hết sốt, 10 ngày sẽ hết ho mà không cần dùng thuốc. Còn có người khác hướng dẫn hạ sốt bằng nước củ gừng pha mật ong, nước ấm và chanh… 

Bác sĩ đâu xúi giục như thế!

Thực tế cho thấy đã có nhiều trường hợp vì tin vào các phương pháp không khoa học mà các mẹ đã phải trả giá.

Tại khoa Hô hấp BV Nhi đồng 2 TP.HCM, chị Phùng Thị Kim Lệ (ngụ Hàm Tân, Bình Thuận) cho biết do đọc trên mạng quá nhiều thông tin về tác dụng phụ của thuốc nên cả hai đứa con của chị đều được chăm sóc theo phương pháp dân gian. Gần một tháng trước, khi con gái năm tuổi của chị lên cơn sốt và ho liên tục, chị quyết không cho con đi khám mà chỉ dùng cách trị bệnh mà các mẹ khác hướng dẫn. “Hơn một tuần sau cháu ho nhiều hơn trước, sau đó sốt cao quá, chồng tôi mới đưa thẳng lên đây. BS nói bé bị viêm phổi cấp, phải điều trị lâu dài” - chị Lệ kể.

Tiếp tục quan sát những cách chữa bệnh lan truyền trên mạng xã hội, chúng tôi liên hệ với một số người qua Facebook. Tại đây, một câu trả lời nhận được khá giống nhau đó là đa phần họ đều chỉ là các mẹ bỉm sữa khác nói, họ cũng chỉ nghe truyền miệng từ một vài người đã đưa con đi khám với BS TĐ. Nhiều người chia sẻ nhiều lúc vận dụng thấy không hiệu quả nhưng đưa con đi BV thì lại lo con phải tiếp xúc quá nhiều với thuốc.

Một điều đáng chú ý hơn  nhóm “Các bà mẹ chăm con theo phương pháp của BS TĐ” chỉ là những câu hỏi và trả lời từ các chị, các mẹ mà không hề có bất kỳ một BS nào tham dự bàn luận, đưa ra hướng dẫn.

BS TĐ hiện là trưởng khoa một phòng khám quốc tế, được biết đến với hình ảnh một BS chuyên chữa bệnh cho bệnh nhân hạn chế dùng thuốc. Các bài viết hay phát biểu của BS Đ. đều rất rõ ràng, chẳng hạn khi bé bị sốt, trường hợp nào có thể tự giữ ở nhà, dấu hiệu nào phải đưa đến BV. Luận điểm của BS này là không lạm dụng thuốc, bệnh nào cần đi BV thì hãy đi. Tuyệt nhiên BS Đ. không hề bảo các phụ huynh đừng đưa con đến BV, hay hướng dẫn các “bài thuốc” quái lạ như trang Facebook nọ hay các thông tin khác trên mạng.

Trong khi đó, quan điểm của vị BS trên khi được các bà mẹ vận dụng trên thực tế đã lệch thành trào lưu nói không với BV, nói không với thuốc men bằng mọi giá!

Bó gạo nếp vào chân, hết lo đột quỵ (!)

Tệ hơn, những căn bệnh cần can thiệp nội mạch, cần có thời gian và kỹ thuật mới chữa được như đau tim, đột quỵ, người ta vẫn sáng chế ra “bí kíp thần thông” khỏi cần BS. Mới đây, truyền hình đưa tin ở phía Bắc, người ta kháo nhau: Để điều trị đột quỵ, dùng hột đào, hột mơ, chi tử, gạo nếp để điều trị. Đầu tiên lấy chi tử và gạo nếp làm cho ướt, rồi rang hột đào và hột mơ lên, giã nát cả ra rồi trộn với nếp. Đem hỗn hợp này bó dưới gan bàn chân trong một đêm. Sáng dậy chỉ cần thấy nếp đổi màu xanh xám là… cả đời hết đột quỵ. Vị BS Đông y được truyền hình phỏng vấn đã bật cười, lắc đầu vì bài thuốc lạ đời này!

_______________________________

Việc chữa bệnh đòi hỏi phải tuân thủ theo các nguyên tắc y học và phải được kiểm chứng. Cụ thể, nếu trẻ bị sốt phát ban thì chỉ cần được ăn uống, nghỉ ngơi, uống đủ nước, chỉ sau 4-5 ngày bệnh sẽ khỏi, vết ban mất. Do đó, việc dùng lươn sống cho bò qua bò lại trên lưng trẻ rồi cho rằng sẽ hút chất độc từ ban là nhảm nhí. Tùy vào mỗi bệnh khác nhau sẽ có những cách điều trị khác nhau và cũng tùy vào bệnh sử của mỗi trẻ mà BS đưa ra thời gian và phương pháp điều trị phù hợp. Trước khi vận dụng kiến thức đại trà, phụ huynh nên tìm hiểu thật kỹ nguồn thông tin. Chỉ khi trẻ ốm vặt thì mới hạn chế dùng thuốc.

BS TRƯƠNG HỮU KHANH, BV Nhi đồng 1

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm