Bài “Người chưa đủ 6 tuổi có được làm chứng?” trên Pháp Luật TP.HCM ngày 27-5, về việc quá trình xét xử vụ án Nguyễn Văn Đồng (bị truy tố, xét xử về tội giết người), TAND tỉnh Bình Phước từng bác bỏ lời khai của một nhân chứng dưới sáu tuổi. Bài viết nhận được khá nhiều ý kiến bàn luận của chuyên gia pháp luật. Chúng tôi xin giới thiệu phân tích của ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao.
Trước hết cần khẳng định cho dù BLTTHS còn những điểm chưa phù hợp nhưng không phải vì thế mà yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung BLTTHS 2015 ngay, cùng với việc sửa đổi, bổ sung BLHS 2015. Mặt khác, nếu có sửa thì cũng không thể quy định rõ về độ tuổi của người làm chứng. Nếu coi người chưa đủ 6 tuổi là không có năng lực hành vi dân sự theo BLHS và không thừa nhận họ là người làm chứng thì đó là nhận thức sai lầm cả về lý luận lẫn thực tiễn.
Theo nguyên tắc, có chấp nhận lời khai của nhân chứng hay không là việc của tòa án, vì không phải bao giờ họ cũng khai đúng về các tình tiết của vụ án. Tuy nhiên, nếu bác bỏ lời khai của họ thì tòa phải có lý do hợp lý chứ không vin vào độ tuổi. Thực tiễn đã có nhiều vụ án bị chìm xuồng một vài năm, thậm chí cả chục năm nhưng sau đó có người làm chứng “nhí” nói đã trực tiếp nhìn thấy hành vi phạm tội của bị cáo. Từ lời khai này, cơ quan tố tụng đã tìm ra thủ phạm giết người.
Không có quy định nào nói người chưa đủ năng lực hành vi dân sự thì không được làm chứng cả. Vậy đối với người bị câm điếc, bị mù họ có được làm chứng không? Vấn đề là cơ quan tiến hành tố tụng khi lấy lời khai của họ có người giám hộ thì lời khai đó vẫn có giá trị pháp lý. Không phải khi có BLTTHS thì mới không quy định về độ tuổi mà từ trước đến nay đã không có quy định nào nói người làm chứng phải bao nhiêu tuổi. Họ có thể là trẻ em dưới sáu tuổi, cũng có thể là người có nhược điểm về thể chất như người mù, người câm, người điếc.
Theo tôi, BLTTHS quy định như vậy cũng là phù hợp, đúng pháp luật và nguyên tắc thu thập chứng cứ. Cơ quan tiến hành tố tụng có thể tin hoặc không tin vào lời khai của người làm chứng, kể cả người đó là người đã thành niên. Nhưng không được nói rằng vì người làm chứng nhỏ tuổi nên không phải là nguồn chứng cứ. Không nên đồng nhất giữa nguồn chứng cứ với chứng cứ.
Điều 55 BLTTHS đã quy định rõ những người không được làm chứng, còn lại không trừ một ai hễ biết được những tình tiết liên quan đến vụ án thì đều có thể làm chứng. Từ trước đến nay đều như vậy và sau này cũng không cần sửa quy định này.
Cần minh định thêm, trong vụ án hình sự lời khai của người làm chứng cũng chỉ là một nguồn chứng cứ chứ không phải là nguồn duy nhất để xác định sự thật của vụ án. Vấn đề quan trọng là lời khai đó như thế nào. Ngạn ngữ có câu “Ra đường hỏi già, về nhà hỏi trẻ”. Nếu cơ quan tiến hành tố tụng tin vào lời khai của trẻ thì đồng thời phải chứng minh lời khai này có căn cứ, còn nếu bác bỏ thì cũng phải nêu rõ lý do. Nhưng không thể bác bỏ lời khai ấy với nhận định là vì nhân chứng còn nhỏ tuổi.
Hủy án không có gì phải băn khoăn Với vụ án ở Bình Phước, VKS tỉnh này có lý khi phản bác nhận định của tòa cùng cấp không công nhận lời khai của người làm chứng chưa đủ sáu tuổi. Bởi cháu Th. là người làm chứng trong vụ án hình sự được điều chỉnh bởi BLTTHS. Lập luận này cũng được thể hiện tại Thông tư liên tịch số 01/2011 giữa VKSND Tối cao - TAND Tối cao - Bộ Công an - Bộ Tư pháp và Bộ LĐ-TB&XH (hướng dẫn thi hành BLTTHS đối với người tham gia tố tụng là người chưa thành niên). Nên tòa phúc thẩm chấp nhận kháng nghị của VKS tỉnh hủy bản án sơ thẩm là đúng pháp luật cả về nội dung và hình thức, không có gì phải băn khoăn. Đối với vụ án cướp tiệm vàng ở tỉnh Bắc Giang do hung thủ Lê Văn Luyện thực hiện vào năm 2011, con gái của nạn nhân chưa đủ sáu tuổi khẳng định đã nhìn thấy có hai tên cướp nhưng tòa án chỉ xác định có một mình Luyện thực hiện vụ cướp. Bởi ngoài lời khai của cô bé thì cơ quan điều tra không thu thập được các tài liệu, chứng cứ khác để chứng minh lời khai đó là đúng. Ở đây là đánh giá chứng cứ chứ tòa án không bác bỏ tư cách làm chứng của cháu bé. Đành rằng lời khai này là nguồn chứng cứ rất quan trọng nhưng vì không còn tài liệu, chứng cứ khác để tin nên “đành chịu”. |