Trẻ em từ lành lặn trở thành tàn tật vì tai nạn pháo nổ: Cần xã hội chung tay

(PLO)- Những năm gần đây, tại các tỉnh Tây Nguyên xảy ra nhiều vụ tai nạn pháo nổ khiến nhiều học sinh tử vong, nhiều em khác tàn tật.

Cứ mỗi dịp cận Tết, công an các tỉnh Tây Nguyên như Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai...liên tục phát hiện, xử lý học sinh tự chế tạo pháo nổ.

Ngoài ra, chính quyền các cấp nỗ lực cảnh báo, tuyên truyền, ngăn chặn tình trạng học sinh tự chế tạo pháo. Tuy nhiên, hằng năm các vụ tai nạn pháo nổ vẫn xảy ra, khiến nhiều học sinh tử vong hoặc bị cụt tay, chân, mù mắt.

Nhiều trẻ thương vong vì tự chế pháo

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Trực, Trưởng khoa Chấn thương - Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên (Đắk Lắk), mỗi năm khoa tiếp nhận hàng chục bệnh nhân, đa số là học sinh bị tai nạn pháo nổ.

Một học sinh ở Đắk Lắk bị thương, phải nhập viện do tai nạn pháo nổ. Ảnh: T.D

"Hậu quả tai nạn pháo nổ rất nặng nề. Các em thường bị thương tứ chi, vùng mặt và phải chịu tàn tật suốt đời" - bác sĩ Trực nói.

Tại bệnh viện, với đôi mắt thâm quầng vì nhiều đêm thao thức chăm con bị tai nạn pháo nổ, bà VTT (ngụ huyện Ea H'Leo, tỉnh Đắk Lắk), cho biết khoảng 18 giờ hôm 18-12, vợ chồng bà sang hàng xóm chơi thì nghe tiếng nổ chát chúa phía nhà mình.

Hớt hải chạy về, bà T thấy con trai là NVM (14 tuổi), lăn lộn kêu gào. Em M sau đó được đưa đến bệnh viện, phải phẫu thuật cắt bỏ ba ngón ở bàn tay trái.

Cũng đang chăm con trai là VQA (12 tuổi, huyện Krông Năng) bị thương do pháo nổ ở bệnh viện, bà NTH cho biết gần đây vợ chồng bà bận rộn trên nương rẫy vì đang thu cà phê. Để liên lạc, nhắc con ăn uống, đi học đúng giờ, chồng bà bỏ điện thoại ở nhà.

Thế nhưng, lợi dụng việc có điện thoại, con trai bà đã lên mạng đặt mua tiền chất về chế tạo pháo. Trưa 14-12, con trai bà H cùng nhóm trẻ khác tự chế tạo pháo thì bị phát nổ, bị thương.

Em QA bị thương sau khi tự chế tạo pháo. Ảnh: B.V

"Nhìn con trên giường bệnh, tôi như đứt từng khúc ruột. Đây là bài học cho riêng tôi và những cha mẹ khác trong việc quản lý con cái" - bà H nói.

Nằm trên giường bệnh với nhiều vết thương ở vùng mặt, tay, QA cho biết em dùng điện thoại của cha đặt mua hóa chất trên mạng với giá chỉ 100.000 đồng.

“Mua xong hóa chất, em cùng hai bạn khác tự chế tạo pháo theo hướng dẫn trên mạng và bị phát nổ, bị thương. Em rất hối hận, sau này không dám đụng vào những vật nổ nữa" - em QA nói.

Tại tỉnh Đắk Nông, hồi đầu tháng 12, em NĐT (15 tuổi, học sinh, ngụ xã Hưng Bình, huyện Đắk R’lấp) bị tai nạn do pháo nổ, phải phẫu thuật cắt bỏ bàn tay trái.

Tại Gia Lai, gần đây xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tích do pháo nổ khiến một học sinh tử vong, nhiều em khác bị thương.

Vụ tai nạn pháo nổ ở Gia Lai khiến nhiều học sinh bị thương, nhiều tài sản hư hỏng. Ảnh: L.K

Lặng nhìn về phía di ảnh cháu, ông TVC (50 tuổi, ngụ xã Dun, huyện Chư Sê), cho biết hôm 8-12, cháu ông là TTN (13 tuổi, học sinh lớp 8) tử vong do tai nạn pháo nổ.

“Nghe tiếng nổ lớn, tôi chạy đến thì cháu tôi bất tỉnh, người có nhiều vết thương. Do sức ép từ vụ nổ và mất nhiều máu, cháu tôi không qua khỏi” - ông C nói.

Trong một báo cáo, Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk, cho biết cuối năm 2022 đến nay, trên địa bàn xảy ra nhiều vụ tai nạn pháo nổ khiến ba học sinh tử vong, nhiều em khác tật nguyền.

Trong 10 ngày, phát hiện 276 học sinh chế tạo pháo

Theo thống kê của Công an tỉnh Đắk Lắk, trong 10 ngày (từ 16 đến 26-12), công an các cấp đã phát hiện 31 vụ, 137 học sinh chế tạo pháo nổ, thu giữ hơn 500 quả pháo, 54 kg hóa chất, thuốc nổ.

Cũng trong 10 ngày qua, Công an tỉnh Đắk Lắk vận động 139 học sinh giao nộp 655 quả pháo, gần 34kg hóa chất cùng nhiều thuốc nổ.

Công an tỉnh Đắk Lắk thu giữ hàng trăm quả pháo và nhiều vật dụng học sinh dùng để chế tạo pháo. Ảnh: C.A

Công an các cấp ở tỉnh Đắk Nông và Gia Lai cũng liên tiếp phát hiện hàng chục vụ học sinh tự chế, tàng trữ pháo nổ, tịch thu hàng trăm quả pháo.

Trung tá Đồng Thị Lâm, Trưởng Công an xã Đức Minh, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông, cho biết các học sinh trong hai vụ tàng trữ, chế tạo pháo nổ trái phép mà đơn vị vừa phát hiện đều 13 tuổi.

Theo Trung tá Lâm, ở độ tuổi trên, các em rất hiếu kỳ nên đã xem video hướng dẫn trên mạng xã hội và làm theo để chế tạo pháo.

Nhiều học sinh bị công an Đắk Lắk xử lý vì chế tạo pháo. Ảnh: C.A

Thượng tá Đinh Văn Sơn, Phó trưởng phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Gia Lai), hiện các quy định chỉ cấm việc mua bán thuốc pháo, còn một số hóa chất lẻ không bị cấm. Vì vậy, học sinh tham gia các hội nhóm kín trên mạng để học chế tạo pháo và mua tiền chất về tự chế tạo pháo ở nhà, khiến việc ngăn ngừa, xử lý gặp khó khăn.

Trên các nền tảng mạng xã hội, PLO ghi nhận có nhiều nhóm kín như: “Chế pháo 2025”, “Đam mê chế pháo 2025”… Tham gia vào hai nhóm nêu trên, PV ghi nhận mỗi nhóm có hàng chục ngàn thành viên ở nhiều tỉnh thành như: Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Long An….

Ngoài việc hướng dẫn đặt mua tiền chất, cách thức chế tạo pháo, các thành viên còn trao đổi mua bán pháo và cách chuyển hàng nhằm qua mặt lực lượng chức năng.

Cần gia đình, nhà trường và cả xã hội chung tay

Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk vừa có văn bản, yêu cầu các trường học xây dựng đường dây nóng, tố giác hành vi vi phạm liên quan pháo nổ; chủ động phối hợp với công an, cha mẹ học sinh, tổ chức tuyên truyền, phòng chống pháo nổ.

Công an Đắk Lắk tổ chức tuyên truyền phòng ngừa tai nạn pháo nổ. Ảnh: C.A

Theo Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk, những học sinh vi phạm liên quan pháo nổ khi có thông báo của cơ quan chức năng, nhà trường sẽ xem xét, xử lý kỷ luật. Ngoài ra, lãnh đạo các trường nếu để xảy ra tai nạn liên quan pháo nổ sẽ bị xử lý trách nhiệm.

Thượng tá Đình Thanh Tùng, Trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an tỉnh Đắk Nông, cho biết dù công an và nhiều cơ quan đã vào cuộc, triển khai xử lý, tuyên truyền nhưng thực tế vẫn xuất hiện tình trạng học sinh tự chế pháo nổ.

Theo Thượng tá Tùng, để ngăn chặn tình trạng này, ngoài lực lượng công an, rất cần sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành, của nhà trường, gia đình và toàn xã hội.

Công an Đắk Nông tổ chức tuyên truyền cho học sinh để phòng ngừa tai nạn pháo nổ. Ảnh: M.Q

Còn thượng tá Chu Kiến Trúc, Trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Gia Lai, cho biết bên cạnh hành vi sai trái của các cháu ở độ tuổi thanh thiếu niên, còn có một phần trách nhiệm của các bậc phụ huynh, nhà trường trong việc quản lý, nhắc nhở.

“Dịp cận tết Nguyên đán, các bậc phụ huynh cần dành thời gian cho con em, phối hợp chặt chẽ với giáo viên, nhà trường để kịp thời phát hiện các biểu hiện nghi vấn. Từ đó, phụ huynh có thể ngăn ngừa kịp thời, tránh những hậu quả đau lòng từ pháo nổ đối với con em mình” - Thượng tá Trúc nhắn nhủ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới