Hiện vẫn còn đến 12 tàu chưa sửa chữa xong. Trong đó có tám tàu do Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Bộ Công an) đóng, chịu trách nhiệm sửa chữa, còn lại do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) sửa chữa.
Cũng theo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, cả hai công ty đều cam kết hoàn thành sửa chữa tất cả 20 tàu cá vỏ thép bị hỏng trước ngày 30-10. Tuy nhiên, đến nay Công ty TNHH MTV Nam Triệu chỉ mới hoàn thành được bảy tàu, còn Công ty TNHH Đại Nguyên Dương chỉ mới sửa được một tàu. “Hai công ty này giải thích tiến độ sửa chữa chậm so với cam kết là do thời tiết bất lợi. Gần đây mưa nhiều nên việc sửa chữa rất chậm, không thể bắn cát để sơn lại tàu. Chúng tôi đã kiểm tra, nhận thấy đây là nguyên nhân khách quan nên chưa thể có biện pháp xử lý” - vị lãnh đạo Sở NN&PTNT nói.
Đến nay các tàu vỏ thép do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng bị hỏng vẫn nằm ngổn ngang trên đà sửa chữa. Ảnh: VŨ ĐÌNH
Trong khi đó, trao đổi vớiPháp Luật TP.HCM chiều 1-11, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho rằng ngoài lý do khách quan là thời tiết bất lợi, điều kiện cơ sở sửa tàu không đảm bảo còn có nguyên nhân chủ quan là chưa chủ động kế hoạch khắc phục, sửa chữa mà cứ chờ tỉnh xem xét, yêu cầu.
“Những con tàu bị hỏng đó chưa sửa chữa xong, còn nằm trên bờ ngày nào là tôi nóng ruột ngày đó. Mỗi con tàu gần 20 tỉ đồng mà cứ nằm bờ kéo dài thế này, bà con lấy gì mà sống, lấy gì mà trả nợ ngân hàng” - ông Châu nói và cho hay đã chỉ đạo quyết liệt Sở NN&PTNT phải liên tục đốc thúc các doanh nghiệp đóng tàu phải làm tối đa trách nhiệm.
“Ngày nào trời mưa thì tập trung sửa chữa máy móc, thiết bị. Chưa sơn được vỏ tàu thì đưa các thiết bị đến nhà xưởng để sơn sửa trước. Bằng mọi giá trong đầu tháng 11 này phải trả lại con tàu hoàn chỉnh cho bà con ra khơi, sớm ngày nào hay ngày đó” - ông Châu nhấn mạnh.
Trước đó, các công ty đóng tàu trên đã nhiều lần xin gia hạn việc sửa chữa khắc phục, từ cuối tháng 8 đến giữa tháng 9, rồi cuối tháng 10-2017. Trong khi đó, các ngư dân chủ tàu đều quá mệt mỏi, nhiều gia đình nợ nần chồng chất, lâm vào kiệt quệ khi không có nguồn thu nhập, ngân hàng hối thúc trả nợ…
Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho biết thêm dự kiến trong tuần tới Sở sẽ họp với các ngư dân chủ tàu, chính quyền các địa phương cùng hai công ty đóng tàu để giải quyết, thống nhất phương án bồi thường thiệt hại trong thời gian tàu phải nằm bờ.
Thời gian qua, Sở NN&PTNT đã hướng dẫn các phòng NN&PTNT phối hợp với UBND xã hỗ trợ các chủ tàu kê khai thiệt hại. Hiện một số địa phương đã hoàn thành việc thẩm tra, rà soát thiệt hại. “Quan điểm của UBND tỉnh, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định là buộc các công ty đóng tàu phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đúng, đủ cho bà con ngư dân. Hai công ty đóng tàu cũng đề nghị tỉnh tổ chức thẩm định, họp bàn phương án chi trả bồi thường thiệt hại” - vị lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho hay.