Trẻ ùn ùn đi học bơi

Những ngày này, tại các hồ bơi tại TP.HCM, tấp nập phụ huynh đưa trẻ học bơi.

Con biết bơi, cha mẹ yên tâm

Ngồi theo dõi cậu con trai tám tuổi đang được huấn luyện viên Câu lạc bộ (CLB) bơi lội Kỳ Đồng Nguyễn Thái Hòa chỉ dẫn động tác quạt nước bằng hai tay, chị Nguyễn Thanh Hương (quận Tân Bình, TP.HCM) chia sẻ “Đọc báo thấy nhiều trẻ em bị đuối nước nên tôi cũng lo. Con cái đi chơi với bạn bè lội sông, lội hồ lỡ sảy chân cha mẹ làm sao biết được. Nhân nghỉ hè vợ chồng tôi đưa con đi học bơi để yên cái bụng”.

Tình hình trẻ em tử vong do đuối nước khiến các phụ huynh lo lắng. Ngoài những người đưa con đến đây tập bơi, có phụ huynh cho biết nhà trường nơi con họ học hợp đồng với CLB bơi lội Kỳ Đồng dạy bơi cho các cháu.

Tại CLB bơi lội Lam Sơn (quận 5, TP.HCM) cũng có hàng trăm trẻ em đang nô đùa trong làn nước mát. Anh Trần Thái Hùng (ngụ quận 10, TP.HCM) đăng ký cho cô con gái sáu tuổi học bơi ếch nói: “Quê tôi ở An Giang, nhiều sông nước. Những ngày lễ, tết, hè tôi thường đưa cháu về thăm nội. Con nít về quê thấy sông nước thì thích lắm nhưng mình thì lo nóng cả ruột. Vì thế tôi đưa cháu đi học bơi để yên tâm”.

Trẻ em đi bơi tăng 2-3 lần

Ông Trần Đình Dũng, Phó Chủ nhiệm CLB bơi lội Kỳ Đồng, cho biết trẻ 6-15 tuổi đi bơi trong những ngày hè tăng gấp 2-3 lần so với ngày thường.

Những ngày này, các huấn luyện viên bơi lội như anh Hòa mệt mà vui. Anh Hòa cho biết: “Tuy nhiều trẻ học nhưng mỗi buổi (45 phút) tôi chỉ dạy sáu em để có thời gian hướng dẫn cặn kẽ. Mùa này phải tăng buổi dạy”.


Trẻ đang học bơi tại CLB bơi lội Kỳ Đồng. Ảnh: TRẦN NGỌC

Hiện CLB bơi lội Kỳ Đồng nhận dạy bơi cho trẻ từ tám tuổi trở lên với học phí 700.000 đồng/kiểu bơi. “Trẻ sẽ học kiểu bơi từ dễ đến khó, lần lượt là ếch, sải, ngửa, bướm. Nếu trẻ học đều đặn thì trong vòng 15 buổi (45 phút/buổi) sẽ biết bơi. Thậm chí nếu trẻ dạn nước thì học độ 10 buổi là có thể bơi thành thạo một kiểu. Riêng trẻ nhát nước thì huấn luyện viên sẽ tập cho quen dần với nước, ngụp lặn từ từ và cũng không quá 15 buổi là có thể bơi được” - ông Dũng nói.

Bà Trần Thị Thanh Tâm, Phó Chủ nhiệm CLB bơi lội Lam Sơn, cho biết những ngày hè lượng trẻ đến bơi lội tăng gấp đôi. Số lượng trẻ em đăng ký học bơi cũng tăng tương tự.

Hiện CLB bơi lội Lam Sơn tổ chức dạy bơi cho trẻ từ sáu tuổi trở lên với học phí 1 triệu đồng/tháng, mỗi tuần học ba buổi.

Ông Lê Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh-sinh viên, Bộ GD&ĐT, cho biết: Môn bơi được Bộ GD&ĐT quy định là môn học tự chọn (không bắt buộc) trong chương trình giáo dục thể chất của các cấp học phổ thông. Bộ luôn chỉ đạo, khuyến khích các địa phương, các trường quan tâm tuyên truyền, giáo dục kỹ năng phòng tránh đuối nước và dạy bơi cho học sinh. Tuy nhiên, việc dạy bơi cho học sinh phụ thuộc rất nhiều vào từng địa phương và điều kiện cơ sở vật chất.

“Địa phương nào có sự quan tâm tích cực của các cấp chính quyền, các ngành thì triển khai tốt, có hiệu quả. Ví dụ TP.HCM, Hải Dương hoặc Đà Nẵng và một số tỉnh khác chủ yếu triển khai được ở các khu vực TP, thị xã… là những nơi có điều kiện kinh tế. Còn hầu như các địa phương khác mới chỉ dừng lại ở công tác vận động, tuyên truyền” - ông Hùng cho biết.

TS-BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc BV Nhi đồng 1, cho biết từ đầu năm đến nay bệnh viện tiếp nhận sáu trẻ nhập viện vì đuối nước nhưng chỉ cứu sống được bốn trẻ. TS-BS Trương Quang Định, Phó Giám đốc BV Nhi đồng 2, cũng cho biết từ đầu năm đến nay bệnh viện tiếp nhận hai trẻ bị đuối nước, một trẻ được cứu sống và một trẻ nặng xin về.

Theo BS Nguyễn Minh Tiến, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu - BV Nhi đồng 1, đuối nước có hai dạng: Đuối nước sông, hồ và đuối nước trong nhà (trên cạn). Nếu ở trong nhà phụ huynh phải đậy lu, xô, chậu nếu có chứa nước. Lưu ý, trẻ dưới hai tuổi hay vào nhà vệ sinh và dễ té vào lu nước. Chỉ cần 1-2 phút phụ huynh lơ là là sự cố có thể xảy ra. Đối với trẻ đi bơi, chơi ở sông, ao, hồ cần phải có phụ huynh đi theo để kiểm soát. Trẻ động kinh tuyệt đối không cho đi bơi vì lỡ lên cơn khi đang bơi sẽ chết đuối.

Theo BS Tiến, khi bơi lỡ có sự cố thì cần nhanh chóng vớt trẻ lên, nếu trẻ tím tái cần cấp cứu ngưng thở, ngưng tim tại hiện trường bằng ấn tim, thổi ngạt và nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Các thao tác, cách cấp cứu bằng cách xốc trẻ chạy vòng vòng, xốc nước bằng giở chân lên, hơ trên lu nóng… tuyệt đối không áp dụng vì không hiệu quả, làm mất thời gian vàng cứu trẻ khiến trẻ trở nặng thêm.

DUY TÍNH

Từ cách làm của TP.HCM, Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu xây dựng cơ chế để đẩy mạnh xã hội hóa việc dạy bơi trong nhà trường bằng nhiều hình thức như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tư nhân đầu tư xây dựng bể bơi trong trường học và tổ chức khai thác, sử dụng dạy bơi cho học sinh trong trường và các trường lân cận.

Ông Lê Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác HS-SV,
Bộ GD&ĐT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm