Trên những nghĩa trang hài nhi - Bài 1: Người đưa đò bến trần gian

Có những con người ở tuổi xế chiều vẫn ngày ngày tình nguyện đến các bệnh viện để xin thai nhi bị phá bỏ về chôn cất. Họ làm việc vô vị lợi với hy vọng giới trẻ, phụ huynh không vì ích kỷ bản thân mà ruồng rẫy những sinh linh vô tội. Việc làm của họ như một hồi chuông cảnh báo về lối sống buông thả của giới trẻ, sự băng hoại đạo đức trong xã hội và là lời cảnh báo về sự vô sinh thứ phát từ hậu quả phá thai.

Trên một ngọn đồi của đèo Giang Sơn, xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin (Đắk Lắk), 1.000 ngôi mộ thai nhi được hình thành. Ít ai biết rằng chỉ trong hơn nửa tháng, bà ĐTY cùng chồng và những người tình nguyện đã mang từ các bệnh viện ở TP Buôn Ma Thuột, huyện Cư Kuin về đây 100 thai nhi. Đây được xem như gia đình mới ấm êm của các cháu.

Còn rất nhiều người tốt hơn tôi

Tôi tìm đến nhà bà Y. giữa trưa tháng 3 trời Tây Nguyên nắng như đổ lửa. Bà Y. được mọi người biết đến như một người chuyên làm việc thiện và hướng dẫn nhiều người khác cùng làm. Công việc trước kia của bà là đi thăm nuôi, chăm sóc bệnh nhân nghèo không có thân nhân đang nằm điều trị ở các bệnh viện. Chứng kiến những hoàn cảnh éo le, những thai nhi bị vứt lăn lóc, bà quyết định đi tìm, xin những thai nhi bị bỏ để mang về an táng. Tiếng lành của bà lan tỏa khắp vùng.

Con trai bà Y. cho biết mẹ mình đang xây mộ trên một ngọn đồi thuộc đèo Giang Sơn. Khi tôi tìm đến, trước mắt tôi gần 10 người đang trộn hồ xây mộ.

Trên những nghĩa trang hài nhi - Bài 1: Người đưa đò bến trần gian ảnh 1

Những huyệt mộ nhỏ nhoi xây sẵn ở nghĩa trang Đông Sơn trên đèo Giang Sơn, xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin (Đắk Lắk). Ảnh: DUY TÍNH

Bà Y., một phụ nữ trên 60 tuổi, nhỏ nhẹ, rụt rè khi kể về những công việc mình làm. Bà bảo còn rất nhiều người làm tốt hơn mình và công việc mình làm không cần xã hội thừa nhận nhưng cũng mong muốn xã hội đừng cản trở công việc tốt đẹp này. Việc xây mộ là các anh chị em cùng chí hướng chung tay, người một ít mua xi măng, gạch chứ cũng không đi xin ai, nhờ ai. Việc xây mộ cũng là để cho các cháu được nằm chung với nhau chứ các năm trước, khi xin thai nhi về, nơi nào cho phép thì chôn, bởi đất chật mà người đông, hơn nữa cũng không ai cho bà đất để làm cho các cháu một nghĩa địa đàng hoàng.

Bà kể mình làm việc này đã ba năm, không chỉ ở Đắk Lắk, bà còn ra tận Hà Tĩnh, Nghệ An... để hướng dẫn các chị em (nguyên là người làm cà phê cho bà) trở về quê, đi xin thai nhi ở các cơ sở y tế mang về chôn cất. Hơn ba năm, bà cùng chồng và các anh chị em khác đã nhặt trên 500 thai nhi về xin chôn rải rác ở các nghĩa địa trong huyện Cư Kuin. Những năm trước, có ngày người ta cho bà bảy, tám thai nhi, còn bây giờ mỗi ngày một, hai thai nhi là chuyện bình thường. Bà nói đi kèm mỗi thai nhi là một câu chuyện đau lòng, uất ẩn, chất chứa dồn nén trong lòng mà bà cùng chồng và các anh chị em cùng làm mang theo.

Vì lỡ đầu thai làm con gái

Bà Y. kể mới tuần trước có hai vợ chồng ngoài 40 tuổi đứng trước cửa nhà con gái bà (cạnh bệnh viện) để chuẩn bị phá thai. Con gái bà can ngăn họ không được nên đã điện thoại cho mẹ. Bà tức tốc đến nơi tìm hiểu nguyên nhân thì biết hai vợ chồng nọ đã có hai đứa con gái, đứa con đang trong bụng cũng là gái, vừa được năm tháng tuổi. Họ đã siêu âm màu ba chiều đến bốn lần vẫn xác định là con gái. Họ chỉ muốn có một đứa con trai, còn con gái thì không cần và không nuôi nữa dù bác sĩ khuyên rằng phá thai lớn lúc năm tháng tuổi là có hại...

Bà Y. bình tĩnh khuyên can, đồng thời xin nuôi người mẹ đến lúc sinh con và nếu vợ chồng kia không nuôi cháu bé, bà xin được nuôi. Mặc dù có chút động lòng sau ba ngày quyết liệt năn nỉ của bà Y. nhưng hai vợ chồng nọ vẫn quyết định bỏ thai và nói: “Cảm ơn lòng tốt của chị nhưng vợ chồng tôi không đủ khả năng và lòng kiên nhẫn nuôi con gái nữa!”. Bà đã khóc rất nhiều sau đó.

Cũng trong một dịp tình cờ, bà gặp một nữ sinh viên đi phá thai. Bà nhẹ nhàng bảo cô sinh viên: “Cô xem con cũng như con cô, nếu cha mẹ con không chấp nhận đứa bé này thì cô sẽ lo cho con. Con hãy xem đây như là lúc bệnh tật và nghỉ ngơi một thời gian rồi đi học trở lại”… Một lần, bà đi Đăk Nông thăm người bà con. Khi xuống xe buýt, đi bộ chừng 2 km, bà thấy hai con chó đang cắn xé giành nhau một vật gì đó, linh tính mách bảo bà vào can thiệp. Bà như muốn té xỉu khi thấy cảnh tượng một đống máu và hai cánh tay em bé. Xua chó đi, bà nhặt hai cánh tay và nâng niu. Vào nhà người dân gần đó, bà xin tấm vải liệm rồi mang đứa trẻ xấu số về gần nhà chôn cất.

Trên những nghĩa trang hài nhi - Bài 1: Người đưa đò bến trần gian ảnh 2

Công nhân đang hoàn thiện từng dãy huyệt mộ hài nhi. Ảnh: DUY TÍNH

Bà nói những câu chuyện tương tự như thế bà đã gặp nhiều, rất nhiều lần kể từ lúc bắt đầu công việc thầm lặng này và người làm công việc như bà phải kiên trì, cứu được cháu nào hay cháu nấy. Với những người biết hối hận và chấp nhận sinh con, bà chu cấp kinh phí ăn ở cho đến ngày sinh. Nếu người sinh con không nuôi được, bà sẽ tìm người nuôi giúp... Tuy nhiên, cũng có người lợi dụng lòng thương của bà sau đó sinh con ra đem bán mất.

Những đứa trẻ không được sống vì sai lầm của người lớn

Bà Y. tâm sự: “ Thai nhi cũng là một con người nhưng các cháu bất hạnh vì vĩnh viễn bị tước đi quyền được hít hơi thở cuộc sống. Song bất hạnh hơn, khi bị bỏ đi, các cháu không được chôn cất đàng hoàng mà bị vứt bỏ vào thùng rác, lề đường... cho chó ăn, kiến cắn. Tôi xin mang các cháu về đây là để các cháu có nơi an nghỉ yên bình. Việc làm này là tự nguyện, qua đó cho thấy xã hội ngày nay còn nhiều người quá vô cảm đến mức nhẫn tâm ngay với chính con em mình”.

Ánh mắt bà Y. sáng lên khi nói còn sống ngày nào bà còn tiếp tục đi xin thai nhi về mai táng ngày ấy. Bởi từ việc làm này, các cháu đã cho bà sức khỏe, nghị lực sống và hơn hết là sự thanh thản trong tâm hồn.

Tôi rời nghĩa trang Đông Sơn, sau lưng là gần 10 con người đang hì hục bơm nước, trộn hồ, khuân gạch xây mộ. Những giọt mồ hôi của họ chảy xuống vùng đất đỏ như chuẩn bị ươm lên những mầm xanh cho tương lai. Nghĩa địa không đồng nghĩa với sự chết mà là sự cứu rỗi, sự hồi sinh và là lời cảnh tỉnh cho những ai muốn phá bỏ những thai nhi vô tội khi cuộc sống đang vẫy chào các cháu. Nghĩa địa cũng không đồng nghĩa là nơi dung dưỡng cho sự phá bỏ những bào thai mà là nơi nuôi dưỡng, đoàn tụ của những tâm hồn trong trắng, tinh khôi. Lời bà Y. hỏi tôi lúc chia tay như còn văng vẳng bên tai: “Tôi hỏi anh đứa con anh chị sinh ra, anh chị có dám lấy dao ra giết không? Vậy mà khi đứa bé còn ở trong lòng, nhiều người nỡ giơ tay ký vào giấy phá thai không cho nó ra đời!...”.

Gần 1.000 ngôi mộ hoàn thành, 100 thai nhi đã được đưa về đây. Theo lời bà Y., chỉ vài ba tháng nữa có lẽ sẽ không còn chỗ chôn cất các cháu… Sự tàn nhẫn của con người vẫn diễn ra mà không có biện pháp can thiệp hữu hiệu nào. “Tôi cầu mong trên thế gian không bao giờ còn cảnh những đứa trẻ bị bỏ rơi, những thai nhi bị phá bỏ. Mọi người hãy nhận ra sai lầm của mình và biết chấp nhận nó, đừng phá bỏ những thai nhi vô tội” - bà Y. nhắn nhủ.

Tôi cho rằng việc làm của bà Y. là rất cần thiết và có ích. Trong những trường hợp đặc biệt, chúng tôi sẽ có những khuyến khích để giúp bà làm tốt công việc đang theo đuổi, đồng thời nhân rộng điển hình trong xã hội.

Ông BẠCH ĐÌNH CA, Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp,
huyện Cư Kuin (Đắk Lắk)

DUY TÍNH

Bài 2: Giọt máu đào thua… ao nước lã

Ít ai ngờ nghĩa trang thai nhi cũng là nơi đã hàn gắn lại nhiều tình cảm tưởng chừng đổ vỡ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm