Trên những nghĩa trang hài nhi - Bài 2: Nâng niu mầm sống

Ở cái tuổi gần đất xa trời, vợ chồng bà Hoàng Thị Lan (xã Đức Minh, huyện Đăk Mil, Đăk Nông) quy tụ khoảng 15 người thiện nguyện chuyên làm công việc đi xin thai nhi bị bỏ từ các bệnh viện mang về mai táng. Biết được tấm lòng của ông bà, một người dân địa phương đã hiến gần một hecta đất để ông bà thành lập nghĩa địa thai nhi. Bốn năm hoạt động, họ đã đưa hơn 500 cháu về đây. Và cũng từ đây, nhiều đôi trai gái tưởng chừng đổ vỡ đã tái hợp.

Hơn 500 nấm mộ

Vừa đến UBND xã Đức Minh, tôi định nhờ cán bộ xã chỉ giúp đường vào nhà ông bà Lan thì tình cờ được một bà cụ đang chờ làm giấy tờ bắt chuyện. Nghe tôi nói tìm nhà bà Lan, bà cụ mỉm cười và tình nguyện làm tài xế xe ôm miễn phí đưa tôi đến tận nơi cần tìm.

Bà Lan nhìn tôi với vẻ dò xét, bởi trước đây bà đã từng từ chối trả lời một vài nhà báo đến đề nghị viết về vợ chồng bà. Bà nói: “Việc gì tay phải làm thì không nên cho tay trái biết; nếu nói ra, những ý nghĩa của công việc sẽ mất hết”. Tuy nhiên, trước sự chân thành của tôi, cuối cùng vợ chồng bà cũng đồng ý chia sẻ một phần công việc của mình.

Bà Lan dẫn tôi lên căn nhà trên, nơi vẫn còn giữ cái tủ lạnh ướp xác thai nhi và không gian dành cho việc tẩn liệm. Bà nói cách đây ba năm, khi nghĩa địa thai nhi chưa hình thành, vợ chồng bà mang các cháu về đây tẩn liệm rồi mang ra nghĩa địa người lớn chôn nhờ. Những ngày mưa gió không đi được, thai nhi được lưu giữ trong tủ lạnh tránh việc phân hủy.

Trên những nghĩa trang hài nhi - Bài 2: Nâng niu mầm sống ảnh 1

Nghĩa trang hài nhi được xây dựng từ phần đất hiến của anh Hà Huy Cường. Ảnh: DUY TÍNH

Dưới trời mưa rả rích, phố núi vắng lặng, ký ức về những thai nhi hiện rõ trên khuôn mặt ông bà. Bà Lan kể năm 2006, một lần đi khám bệnh tại TP.HCM, bà đau lòng khi thấy các em học sinh, sinh viên đến bên bỏ thai thì nhiều, bên giữ thai thì ít. Lân la dò hỏi, một số em thú nhận với bà là do quan hệ qua đường, trẻ người non dạ nên dính thai. Khi đó, nghĩ về việc cứu lấy sự sống, cứu lấy thai nhi chợt hình thành trong đầu bà Lan. Bà về bàn với gia đình và được chồng con hưởng ứng. Cả thảy gia đình hai vợ chồng bà cùng tám người con cùng bắt tay vào làm. Bà bảo việc làm này được nhiều người trong xã, từ chính quyền đến giáo xứ đều hưởng ứng.

Ông Hà Văn Bài, chồng bà Lan, nhớ lại một ngày giữa năm 2009 trời mưa tầm tã, ông nhận được một cuộc điện thoại báo có một thai nhi bị vứt vào hố rác từ đêm qua. Nghe tin, ông tức tốc đến bệnh viện, bới tìm suốt một buổi trong vũng nước ngập và rác hôi thối nhưng không thấy. Đi về được nửa đường, ông quyết định quay trở lại. Thêm 2 giờ vật lộn với rác và nước, cuối cùng ông cũng tìm được thai nhi trong trạng thái bầm tím. “Không biết sao lúc ấy trên đường về, lòng tôi cứ giục phải quay lại tìm chứ không được bỏ cuộc” - ông Bài tâm sự.

5 giờ chiều, đang nói chuyện với tôi, điện thoại bàn nhà ông bà reo, đầu dây bên kia báo vừa có một thai nhi bị bỏ ở bệnh viện. Ông Bài chiêu ngụm nước trà và đứng dậy bảo: “Con ở nhà chờ ông 10 phút”. Lát sau, ông Bài trở về, trên giỏ xe là một bọc nylon màu đen.

Trời mưa rả rích, tôi cùng ông Bài mang thai nhi ra nghĩa địa thai nhi cách nhà hơn 1 km. Khu nghĩa địa rộng chừng 1 ha có cổng, tường rào, nhà mai táng. Đến nơi, ông Bài đặt thai nhi lên bàn rồi mang chiếc quan tài bằng kính (tự làm), diện tích chừng 10 x 30 cm đặt bên cạnh. Một chiếc áo liệm màu trắng được mang ra quàng vào quan tài, thai nhi được đặt vào bên trong, nắp quan tài được đậy lên trên và được trét keo kín kẽ.

Sau 1 phút thinh lặng, anh Cường (người hàng xóm của ông Bài cùng đi theo) mang quan tài ra nghĩa trang. Ngôi mộ được làm sẵn, chiếc quan tài đặt xuống nhanh chóng được lấp cát lại và bên trên được gia cố một tấm bê tông.

Đây là thai nhi thứ 507 được chôn cất tại đây. 507 ngôi mộ ngay ngắn, nhỏ bé. Bên trên mỗi ngôi mộ là một bông hoa xinh xắn. Anh Cường nói, cứ chiều chiều, người dân nhiều nơi về đây thăm viếng nhiều lắm, họ mang hoa, bánh kẹo đến cho các cháu. “Mỗi tuần tôi dành một buổi lên đây chơi với các cháu. Thấy vậy, bà con hàng xóm hỏi tôi lên thăm con hả? Tôi bảo tất cả là con tôi đó!” - ông Bài bộc bạch.

Trên những nghĩa trang hài nhi - Bài 2: Nâng niu mầm sống ảnh 2

Ông Bài và đồng sự đang lo hậu sự cho một hài nhi. Ảnh: DUY TÍNH

Sám hối và hàn gắn

Giữa nghĩa trang thai nhi, ông Bài cho biết chính nơi này đã hàn gắn lại nhiều tình cảm tưởng chừng đổ vỡ. Tại đây ông đã chứng kiến ít nhất bốn đôi bạn trẻ đã về sống với nhau nên chồng nên vợ.

Ông kể đầu năm 2010, có một cô gái cứ chiều đến lại xuất hiện ở nghĩa trang thai nhi; cùng lúc ấy có một thanh niên cũng thường đến đây. Sau ba lần gặp nhau, từ lạnh nhạt họ đã nở những nụ cười đầu tiên và cuối cùng… cưới nhau. Hỏi ra ông được biết đôi bạn trẻ vốn học cùng trường, cùng lớp và yêu nhau. Xuất phát từ nguyên nhân gia đình, họ không thể đến được với nhau nên cái thai trong bụng cô gái bị phá bỏ. Biết con mình được chôn nơi đây, họ đã tìm đến ăn năn, sám hối. Tấm lòng của họ cuối cùng cũng được cha mẹ hai bên cảm thông.     

Câu chuyện thứ hai xảy ra vào năm 2008, khi bà Lan đi thăm nuôi người nghèo tại bệnh viện gặp một cô gái đi phá thai. Tình cảnh cô gái thật tội nghiệp: Cô gái mắc bệnh quáng gà, khờ khạo và không có khả năng nuôi con. Bà Lan đã can ngăn, khuyên bảo và đưa cô xuống Sài Gòn nuôi đến ngày sinh nở rồi lại đưa cô trở về Đăk Mil. Một ngày, anh con trai làm cho cô gái mang bầu đã quay lại xin cưới và nuôi con.        

Bà Lan xót xa: “Đau lòng nhất là những cán bộ công chức lỡ mang thai đứa con thứ ba. Vì cuộc sống, họ đành ngậm ngùi bỏ đi đứa con của mình. Cũng có không ít gia đình gia giáo bắt con gái phá thai vì con trót lỡ lầm. Họ không muốn vứt bỏ thai nhi nhưng nếu mang đi chôn cất thì bẽ mặt với thiên hạ nên đã gọi điện thoại kín đáo mời chúng tôi đến “cho” về chôn…”.

“Mỗi khi người ta bắt con của một con vật nào đó nó sẽ cào cắn, còn con người ta cứ phá bỏ cái thai cho bõ ghét kẻ đáng tội (bố thai nhi). Ở đây có hơn 500 thai nhi nhưng chỉ có khoảng 10 người đi tìm lại núm ruột của mình và khóc lóc, hối hận vì việc đã làm; còn đa số một đi không trở lại. Tôi hy vọng lớp trẻ hãy sống chín chắn hơn…” - bà Lan tâm sự.

Tôi hiến đất vì cảm kích tấm lòng của họ

Trên những nghĩa trang hài nhi - Bài 2: Nâng niu mầm sống ảnh 3

Những đứa trẻ bị chối bỏ đã có một cõi về ấm áp. Ảnh: DUY TÍNH

Năm 2007, khi lên nghĩa trang thăm ba mẹ, tôi gặp ông Bài đi chôn các cháu. Ông thổ lộ rằng rất cần đất để làm nghĩa trang riêng cho các cháu. Hành động này rất đáng trân trọng vì ông Bài không hề làm vì lợi lộc mà đó là tấm lòng của ông đối với các thai nhi. Thấy đây là việc làm tốt, là mối quan tâm của cộng đồng nên tôi hiến miếng đất. Đây là hiến cho các cháu có chỗ yên nghỉ đàng hoàng chứ không hiến cho riêng ai.

Anh HÀ HUY CƯỜNG, thôn Bình Thuận, xã Đức Minh,
Đăk Mil (Đăk Nông)

DUY TÍNH

(Còn tiếp)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm