Chiều 18-1, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) đã tổ chức lễ tri ân những người hiến xác cho khoa học.
Tại buổi lễ, PGS-TS Phạm Đăng Diệu, Phó hiệu trưởng Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Chủ nhiệm bộ môn giải phẫu học thay mặt nhà trường bày tỏ lòng biết ơn và trân trọng đối với những người đã dâng tặng thân xác cho sự nghiệp đào tạo và y học.
Các sinh viên thành kính tri ân người hiến xác cho y học. Ảnh: HL
“Dù khoa học đã phát triển, dù cho các phương tiện phục vụ học tập có hiện đại mấy đi chăng nữa, thì sự có mặt của các vị nơi đây vẫn mãi mãi là phương tiện tốt nhất, không thể thay thế và thiêng liêng nhất trong sự nghiệp đào tạo y khoa.
Chính quý vị là những người thầy của chúng tôi, những người thầy đặc biệt không đứng trên bục giảng, không diễn thuyết hùng hồn, với giáo án là “thể phách” rộng mở không những trao cho chúng tôi kiến thức mà còn trao cả cho chúng tôi tấm lòng vị tha và đức hi sinh. Đó cũng chính là ý nghĩa của câu châm ngôn La tinh “người chết dạy kẻ sống”, PGS Phạm Đăng Diệu phát biểu.
Một người xúc động khi gặp lại người thân hiến thi hài. Ảnh: HL
Được biết, ở nước ta, lễ tri ân những người hiến xác cho y học được du nhập từ thời Pháp với tên gọi “Macchabeés” và nhanh chóng được hưởng ứng một cách tự nhiên vì phù hợp với truyền thống uống nước nhớ nguồn của người Việt Nam.
Người hiến thi hài dù không đứng trên bục giảng nhưng bài học họ để lại là vô giá. Ảnh: HL
Năm 1990, cố GS Nguyễn Quang Quyền, với lòng biết ơn và nhận thức tính nhân đạo, nhân bản của nghi lễ đã đề xuất khôi phục lại lễ này, xem nó như một nét truyền thống tốt đẹp để giáo dục sinh viên, nhắc nhở người thầy thuốc về sự vị tha, lý tưởng phục vụ vô tư của ngành y.