Một giáo sư nghiên cứu tại Đại học Stanford - người đã đến thăm khu phức hợp hạt nhân Yongbyon tại Bắc Triều Tiên vào năm 2010, ông Siegfried Hecker cho biết: "CHDCND Triều Tiên có khả năng sản xuất khoảng bốn quả bom hạt nhân mỗi năm, và tình hình là Bắc Triều Tiên sẽ có tới 20 quả bom hạt nhân vào năm 2016".
Trước đó vào tháng Tư, ông Hecker ước tính rằng Bắc Triều Tiên đã có trong tay khoảng 10 trái bom hạt nhân, theo các nguồn tin từ thủ đô Washington cho hay.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ chuyên nghiên cứu Bắc Triều Tiên, ông Sung Kim vừa khẳng định ông sẽ bàn bạc với các đồng nghiệp người Trung Quốc để có thể đưa ra đối sách phù hợp thuyết phục Bắc Triều Tiên tiến hành phi hạt nhân hóa chương trình vũ khí hạt nhân của mình.
Ông Kim, cùng với các đồng sự đến từ Trung Quốc sẽ "tiếp tục phối hợp chặt chẽ để khuyên răn Bắc Triều Tiên tập trung vào việc phi hạt nhân hóa và sẽ đề ra một số bước cụ thể hướng tới tiến trình phi hạt nhân hóa có ý nghĩa và lâu dài."
Một nhà máy hạt nhân tại Bắc Triều Tiên
Bắc Triều Tiên, quốc gia đã cho tiến hành vụ thử nghiệm hạt nhân thứ ba và cũng là vụ thử nghiệm lớn nhất vào đầu năm ngoái, đã từng liên tục lên tiếng kêu gọi nối lại đàm phán sáu bên để yêu cầu viện trợ đổi lại cho việc giải trừ quân bị tại nước này.
Trước đó, Bắc Triều Tiên đã tạo ra một cuộc khủng hoảng sau khi bỏ ngang các thỏa thuận về kinh tế để đổi lại việc từ bỏ vũ khí hạt nhân với năm nước còn lại trong cuộc đàm phán 6 bên.
Phản ứng trước “thái độ” của Bắc Triều, Hàn Quốc và Hoa Kỳ cùng nhau lên tiếng kêu gọi Bình Nhưỡng phải cam kết thực hiện phi hạt nhân hóa trước khi các cuộc đàm phán sáu bên có thể tiếp tục. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn có những chính sách ưu ái hơn đối với đất nước bí ẩn này.
Kể từ cuối năm 2008, cuộc đàm phán đa phương giữa Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga đã đi vào con đường bế tắc.