Mùa len trâu - Ảnh: B.N.
Mùa len trâu - Ảnh: B.N. |
Có điều đa số người dân ở xứ này chỉ nhớ mỗi đồng chó ngáp ở huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu.
Vượt chặng đường hàng trăm cây số và thêm mấy tiếng đồng hồ ngồi bó gối trên vỏ lãi chúng tôi mới tới được đồng chó ngáp ở huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Đó là nơi có những cánh đồng lúa bạt ngàn vắng bóng người và những khu dân cư sầm uất ven kênh đào.
Ông Trần Thanh Phong (67 tuổi, ở xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân) kể về một thời chăn trâu mướn ở đồng chó ngáp. Giờ đây ông là một tỉ phú nhờ lúa - tôm và trang trại cá sấu - Ảnh: V.TR. |
Đồng xa chó ngáp
Vừa chào hỏi xong, ông Võ Văn Út - bí thư Huyện ủy Hồng Dân - nói với tôi: “Trung tâm của đồng chó ngáp là xã Ninh Thạnh Lợi A và Ninh Thạnh Lợi. Chỉ có hai cách để vào đây, một là ngồi vỏ lãi (xuồng nhỏ chạy bằng máy) hoặc đi xe gắn máy len lỏi qua những con đường nhỏ ven kênh.
Còn nếu muốn trải nghiệm để hiểu cuộc sống của người dân ở đây mấy chục năm trước thì có thể... cuốc bộ, mất chừng một ngày là tới. Chú em chọn cách nào?”.
Nhìn ra con kênh lớn cạnh huyện ủy thấy vỏ lãi xuôi ngược nườm nượp như ôtô trên đường phố Sài Gòn, chúng tôi bảo sẽ vào đó bằng vỏ lãi. Ông Út cười khà khà: “Chú chọn đúng rồi đó. Chỉ có ngồi trên vỏ lãi mới đi được nhiều, mới nhìn thấy hết có cái gì trong đồng chó ngáp”.
Chiếc vỏ lãi nổ máy phóng đi. Đột nhiên trời đổ mưa. Gió ngược với hướng chiếc vỏ lãi khiến chúng tôi lạnh run, hai hàm răng đánh bò cạp nghe cành cạch. Đi chừng một tiếng đồng hồ thì cánh đồng lúa bạt ngàn cũng hiện ra trước mắt.
Khi vỏ lãi lướt trên con kênh rộng hơn 10m thẳng tắp, ông Võ Văn Út kể: “Đây là con kênh do chính quyền Ngô Đình Diệm bắt dân ở đây đào để phục vụ cho kế hoạch dồn dân, lập khu trù mật ở quận Phước Long ngày trước.
Con kênh rất dài và rộng dẫn từ Phước Long qua Hồng Dân... có tên là kênh Cộng Hòa. Khi đào kênh có người làm quá sức bị đứt ruột mà chết nên người dân ở đây gọi kênh là kênh đứt ruột”.
Trong những ngày khám phá đồng chó ngáp, chúng tôi đã gặp nhiều lão nông được sinh ra và lớn lên từ cánh đồng chó ngáp này.
Theo ông Trần Thanh Phong (67 tuổi, ngụ ấp Ninh Thạnh Đông, xã Ninh Thạnh Lợi), vào thời triều Nguyễn nơi này là rừng tràm. Trong thời Pháp thuộc thì tràm bị khai thác hết và trở thành cánh đồng hoang bạt ngàn chỉ toàn cỏ năn và lác.
Cánh đồng lớn đến mức người ta không thể nào đi một lèo qua nổi mà phải mang theo nước uống và tìm chỗ nghỉ cho bớt mệt mới đi tiếp.
“Tôi nghe cha kể lại hồi đó chó cũng không đi nổi qua cánh đồng này dù chó nổi tiếng là rất giỏi nhịn khát và đi xa. Con nào đi theo chủ băng qua cánh đồng này đều phải lè lưỡi thở dốc rồi ngáp dài ngao ngán nên gọi là đồng chó ngáp.
Hồi tôi còn nhỏ cũng rất nhiều lần băng qua cánh đồng này. Vào mùa khô đồng khô cỏ cháy, nếu băng qua đồng này mà quên mang theo nước uống thì có thể chết khát thiệt đó” - ông Phong kể.
Còn tuổi thơ của ông Trần Văn Quang (70 tuổi, ngụ xã Ninh Thạnh Lợi A) đã gắn chặt bên cánh đồng hoang này.
Mùa nước nổi ngập lênh láng, rắn bò vào nhà ngủ chung với người. Mùa khô thì nắng cháy da, chỉ cần một ngọn lửa bất cẩn thì đồng hoang sẽ trở thành biển lửa khủng khiếp. Ngày ấy ở đây không có ruộng lúa như bây giờ vì gieo mạ xuống thì lúa chết khô.
Đồng chó ngáp Hồng Dân là một nơi “cầm trâu” nổi tiếng, nghĩa là người ta đưa những bầy trâu hàng trăm con ở khắp nơi về đây ăn cỏ suốt nhiều tháng mùa nước nổi.
Trâu được thả lan mặc tình đi kiếm ăn chứ không cần nhốt hay cột lại. Những gò đất nhỏ trên đồng là nơi người chăn trâu lùa trâu đến ngủ sau một ngày đi kiếm ăn.
Nét hoang sơ vẫn còn ở đồng chó ngáp. Thế nhưng mảnh đất này đang giúp nhiều nông dân trở nên giàu có hơn - Ảnh: V.Tr. |
Xứ sở của những người chăn trâu
Hầu hết những người đàn ông lớn tuổi chúng tôi gặp ở đồng chó ngáp này thừa nhận họ từng sống bằng nghề... chăn trâu mướn.
Rất nhiều người ở xứ khác đến đây chăn trâu rồi ở lại lập nghiệp, lấy vợ, sinh con đẻ cháu. Có lẽ vì vậy mà nhiều lão nông bảo rằng đồng chó ngáp chính là xứ sở của những người chăn trâu.
Chúng tôi rất bất ngờ khi nghe nhiều người dân ở xã Ninh Thạnh Lợi A gọi ông Năm Bảo (Phạm Văn Bảo) là “vua chăn trâu” vì hồi còn trẻ có lúc ông chăn tới 400 con trâu trên cánh đồng này.
Ông Bảo kể trong chiến tranh vùng đồng chó ngáp cũng chẳng yên ngày nào. Bởi vậy ít người làm nghề chăn trâu mướn vì không chỉ đối mặt với hiểm họa của rừng thiêng nước độc mà còn lo tránh bom đạn nữa.
Có lẽ vì vậy mà người ta trả công cho người giữ trâu mướn khá cao, khoảng 3-5 giạ lúa/cặp trâu/vụ. Ông Bảo nhận giữ 300 - 400 con cùng lúc nên cứ ba tháng là ông chở về cả chục tấn lúa.
“Nói vậy chứ đâu có dễ ăn. Nếu trâu của người ta bị thất lạc hoặc ốm nhom thì phải đền, rồi năm sau họ không gửi mình nữa. Chăn trâu cũng phải có nghệ thuật chứ không phải dễ”- ông Năm Bảo nói.
Nghệ thuật của ông chính là “luyện” cho trâu nghe và làm theo hiệu lệnh tiếng tù và của ông. Vì vậy mà đàn trâu của ông chăn không bị đi lạc.
Nhiều người giàu có ở đây có vẻ né tránh quá khứ chăn trâu của mình. Thế nhưng một số người như ông Ba Ngân (Nguyễn Văn Ngân) dù là “đại gia” nhưng lại vui vẻ kể hết những ngày tháng gian khổ khi tham gia đội quân chăn trâu mướn ở đồng chó ngáp này.
Ông kể từ tháng 8 đến tháng 11 hằng năm đồng chó ngáp Hồng Dân cỏ mọc xanh mướt, trâu đến đây cứ ở một chỗ ăn no rồi ngủ, không cần phải lùa đi xa. Đó cũng là thời điểm công việc cày, bừa của trâu ở Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang... kết thúc.
Mãi đến sau năm 1990 vùng này mới được khai hoang, cải tạo đất. Khi đó nghề chăn trâu mướn cũng không còn nữa. Đội quân chăn trâu mướn phải chuyển sang nghề khác kiếm sống. Phổ biến là nghề đan rổ, thúng, mành dùng để quây lại thành bồ chứa lúa...
Xứ này không có tre, trúc nên họ phải đi xứ khác mua đem về chẻ nhỏ ra để đan, rồi đem bán ở chợ. Những người đan được nhiều phải chất lên ghe chở đi bán ở khắp nơi. Nhưng rồi đồ dùng bằng nhựa xuất hiện ngày càng nhiều. Nghề đan tre dần dần cũng “chết”.
Vì sao gọi là độn trâu, len trâu? Ông Trần Thanh Phong là một trong những người giữ trâu mướn từ những năm 1960 khi lính Mỹ chưa càn quét đồng chó ngáp. Ông bảo ngoài cái tên đồng chó ngáp thì nơi này còn được gọi là “xứ độn trâu”. Ông giải thích: “Các vùng xung quanh người làm lúa được hết nên không có chỗ thả trâu ăn suốt mấy tháng vụ mùa. Riêng vùng này không làm lúa được, chỉ toàn cỏ năn, lác. Trâu thích ăn cỏ này nên vào mùa vụ dân ở Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau... lùa trâu tới đây thả cho ăn cỏ, vỗ béo chuẩn bị cho mùa vụ tiếp theo. Vì thế mà vùng này được gọi là xứ độn trâu. Do cánh đồng này rộng lớn nên người ta thả trâu đi ăn tự do, hình thức đó gọi là len trâu”. |
Kỳ tới: Những cuộc thảm sát đẫm máu
Theo VÂN TRƯỜNG (Tuổi Trẻ)