Trời Nam để dấu

Máy kéo, máy cày và cơn mưa lạc mùa cuối năm đã sủi con đường dẫn vào trang trại Minh Ðăng thành những sóng đất đỏ nham nhở. Thi thoảng giữa đường lại hõm xuống một vũng nước to oạch mà một con heo mọi nặng trên nửa tạ có thể thoải mái vầy mình trong đó cùng bầy con lít nhít của nó.

Tôi ngồi sau lưng Hiên, anh chàng làm công của trang trại đã ra tận bến xe đón tôi và giờ thì đang lầm lì lái chiếc Cub 50 chở tôi về Minh Ðăng. Cơn mưa kia, ngoài cái công khiến cho cây cỏ ven đường bừng ra sắc xanh hớn hở như đám trẻ nghịch ngợm mới được tắm rửa sạch sẽ sau cả ngày vầy mình trong đất đỏ, thì còn cái tội làm xói trôi những đoạn đường dốc và để lộ ra vô số đá cục, đá hòn, đá tảng… Lẽ ra việc phải ngồi trên cái yên sắt bé tí của chiếc Cub chạy lọc xọc trên những đoạn đường dài lổn nhổn ấy đã trở thành cực hình với một kẻ có bàn tọa chỉ toàn xương là xương như tôi, nhưng lúc này lòng tôi đang dâng trào vô số cảm xúc và hơn lúc nào hết, tôi chỉ muốn nhanh chóng đến Minh Ðăng, kính cẩn trao cho chủ nhân của trang trại xem cái kết quả tốt đẹp đã khởi lên từ một sự tha thứ âm thầm…

Ba tuần trước, trong dịp đi lùng mấy bộ giáo trình ở một tiệm sách cũ, tôi tình cờ bắt gặp một cuốn sổ chép tay. Cuốn sổ không gây ấn tượng đặc biệt gì với tôi, một sinh viên Bách khoa năm hai, khoa vô tuyến, vì nó chép lại một tác phẩm có cái tên nghe lạ hoắc “Chư quấc thại hội” của một ông tác giả cũng lạ hoắc có tên là Trương Minh Ký; dưới bìa sổ, ở nơi mà một cuốn sách thông thường sẽ là chỗ ghi tên nhà xuất bản là một dòng chữ nhỏ xíu “Bà Huỳnh Minh Hiển chép”, dĩ nhiên là cái tên người chép này càng lạ hoắc với tôi hơn nữa.

Lẽ ra tôi đã bỏ qua nó nếu như không tiện tay lật vô bìa trong và thấy đính vào đó là một trang thư ngắn có chữ ký của cố học giả Vương Hồng Sển, ghi đại ý rằng phu nhân Huỳnh Minh Hiển quả là người rất biết giá trị của sách nên đã kỳ công chép lại tác phẩm này, nhân cuốn sổ còn dư mấy trang trắng nên ông chép luôn vào đây hai bài văn tế Bá Ða Lộc của vua Gia Long và hoàng tử Cảnh để làm món quà đặc biệt tặng cụ Giản Chi…

Chiều đó tôi đã ngưng ngang việc mua bộ giáo trình để dồn tiền mua cuốn sổ chép tay này. Với ai khác thì hai trăm ngàn đồng để mua một cuốn sổ không dính dáng gì đến việc học của mình là chuyện chẳng có gì lớn, nhưng với tôi thì quyết định đó không hề đơn giản. Lý do khiến các tiệm sách cũ luôn là nơi tôi ghé mua các bộ giáo trình đã qua sử dụng chỉ là vì sách vở mua ở đó rất rẻ và tiết kiệm cho tôi được khối tiền. Nhưng thủ bút của cụ Vương Hồng Sển thì không dễ tình cờ mà gặp được và biết đâu cuốn sổ này chính là cơ hội để tôi gây ấn tượng với một nhân vật mà tôi đặc biệt muốn gây ấn tượng: Kha, cô bạn xinh xắn học Ngữ văn – Báo chí mà tôi đang cảm mến…

 Minh họa Hoàng Tường

Tôi chụp ảnh cuốn sách và trang thư của cụ Vương Hồng Sển rồi post ngay tối đó lên trang Facebook cá nhân. Ðúng như tôi dự đoán, Kha đọc và share nó về trang của nàng. Nhưng ngoài việc like và share, nàng chẳng biểu lộ thêm gì khác nữa.

Ba ngày sau, lúc tôi đã bắt đầu tự nhủ vụ đầu cơ sách vở để đầu tư tình cảm của mình đã thất bại thảm hại thì có một cuộc gọi đến. Người gọi tự xưng là Khánh, Việt kiều ở Na Uy, anh họ của Kha. Sau màn chào hỏi, giới thiệu, anh bảo luôn: “Em ơi, bà Huỳnh Minh Hiển là bà anh, anh muốn mua cuốn sổ đó, giá nào cũng được”.

Phản xạ đầu tiên của tôi là gạt phắt đi, vì cho rằng đây là trò đùa của lũ bạn học cùng lớp dựa trên những suy đoán về mối quan hệ ẩm ương của tôi. Nhưng Khánh không nản, liên tục một tuần liền, ngày nào anh cũng gọi, mỗi lần lại kể thêm một mẩu chuyện về mối quan hệ với bà Huỳnh Minh Hiển, những chuyện có lẽ anh sẽ không kể ra nếu ngay từ lúc đầu tôi đã đồng ý bán cuốn sổ cho anh.

Hóa ra Huỳnh Minh Hiển là ông nội anh, có thời làm chánh văn phòng của vua Bảo Ðại. Ông có đến hai bà, bà cả là bà nội anh, còn bà hai là người mà cả gia đình anh chẳng ai muốn nhắc đến, vì sự xuất hiện của bà đã làm cho gia đình anh nổi cơn giông gió, dù rằng tài học của bà thật đáng nể, vì dẫu sao bà cũng là cháu nội cưng của nhà văn tài hoa và dân dã của xứ Nam Kỳ Lục Tỉnh cuối thế kỷ 19, Trương Minh Ký…

Ban đầu Khánh đã định không mua cuốn sổ chép tay vì làm vậy chẳng khác nào rước “tàng thư của cừu địch” về nhà. Nhưng sau mấy ngày suy nghĩ thì anh quyết định phải mua bằng được, vì cuốn sổ đó của người đó đằng nào cũng liên quan đến ông nội của anh, đằng nào thì thời gian cũng trôi qua quá lâu, ông nội của anh đã mất, bà nội cũng không còn và bà hai thì cũng đã rất già, đang sống lặng lẽ ở trang trại Minh Ðăng…

Sự thiết tha của Khánh với cuốn sổ khiến tôi tò mò. Tôi cầm cuốn sổ lên và xem lại nó thật kỹ lưỡng. Ngày tháng cuốn sổ được chép xong ghi ở ngoài bìa bằng số La Mã, tính theo mấy con số La Mã đó thì cuốn sổ này có tuổi đời ngang ngửa với ba tôi. Hơn năm mươi năm rồi, hơn nửa thế kỷ đã trôi qua… Tôi mở cuốn sổ ra và lần đầu tiên sau cả gần hai tuần sở hữu nó, tôi mới thực sự đọc nó từng dòng một.

Cuốn sổ khá mỏng, chỉ chưa đầy một trăm trang.

Phần chép “Chư quấc thại hội” chỉ chiếm khoảng hai phần ba cuốn sổ. Bỏ qua chuyện một số từ ngữ trong đó so với thời điểm bây giờ khá là khó hiểu thì việc kể lại rất tường tận bằng văn vần cả một chuyến du ký trời Tây diễn ra năm 1889, từ lúc chuẩn bị khởi hành cho đến khi chuyến đi kết thúc với những điều mắt thấy tai nghe của ông Trương Minh Ký, lúc tháp tùng phái đoàn của hoàng thân Miên Triện đi dự đấu xảo ở Paris… đòi hỏi một tài năng và công phu không hề nhỏ.

“Thái-tây ấy, đi rồi một chuyến; Nam-kỳ về thuật chuyện như tây. Cho người đất nước ta hay; dân kia tục nọ, xứ nầy thế ni…”. Những dòng mở đầu cực kỳ giản dị và thân ái được tiếp liền theo đó là những tình tiết sống động, hấp dẫn ngay cả với một sinh viên kỹ thuật như tôi: “Ngày sóng bết, tối gió bề; kẻ ngồi choáng váng, người đi dật dờ. Sáng mười bốn thấy bờ Afrique, xem địa đồ gần xích đạo đây. Nắng nôi quá, nực nội thay; núi phơi đá trụi, đất bày cát không…”.

Cứ thế, hơn năm chục trang giấy chép tay “Chư quấc thại hội” với cách dùng ngôn từ điêu luyện và mang đậm phong cách dân dã của người Việt xứ Nam cuối thế kỷ 19 đã chinh phục tôi hoàn toàn. Khi gấp cuốn sổ lại ở những dòng cuối cùng “Mừng về vui thấy nhà mình, được thơ thới cả và bình an luôn. Chợ-lớn, ngày 22 tháng sáu năm Canh-dần (1890)” tôi biết mình phải trả lời Khánh thế nào rồi – dù là một sinh viên tính toán chi ly đến từng đồng mua sách vở nhưng để tặng ai đó một cuốn sổ làm quà thì với tôi chẳng phải là điều không thể…

“Có lưu lạc mới ròng thế vị, thấy trần ai nào lụy anh hùng. Người đời sống thác có chừng, phải hồi dầu ở trong phòng cũng vương…”

Có lẽ khi đã phải sống một mình khá lâu ở một nơi xa nơi này đến vậy, Khánh mới nhận ra những câu nói thiệt tình, dân dã của xứ sở Nam Kỳ đã để lại những dấu ấn thân thương vô hình, vô hạn trong trái tim anh và cái cuốn sổ mỏng kia chứa rất dày những trang ký ức, dù buồn dù vui, cũng đã đến lúc phải lật qua rồi…

NGUYỄN LÊ MY HOÀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới