Mới đây, Công an TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) đã khởi tố Nguyễn Đức Toàn vì trộm cắp chính chiếc ô tô của Toàn đang bị công an tạm giữ vì vi phạm giao thông. Từ vụ này, nhiều bạn đọc thắc mắc: Điều 138 BLHS quy định “người nào trộm cắp tài sản của người khác…” thì mới bị xử lý hình sự, vậy Toàn trộm cắp ô tô của chính mình thì có bị tội hay không?
Bị tạm giữ xe, tự ý lấy về sử dụng
tối 24-3, Toàn lái ô tô lưu thông trên quốc lộ 2A (đoạn qua phố Mê Linh, phường Liên Bảo) theo hướng Hà Nội - Vĩnh Yên thì vượt đèn đỏ nên bị tổ CSGT (Công an TP Vĩnh Yên) yêu cầu dừng xe kiểm tra. Toàn không xuất trình được giấy tờ xe cũng như giấy phép lái xe nên tổ công tác đã lập biên bản vi phạm hành chính tạm giữ xe. Trong biên bản, tổ công tác hẹn Toàn ngày 1-4 đến Công an TP Vĩnh Yên để giải quyết.
Toàn cùng tổ công tác đưa xe đến Bến xe khách Khai Quang để gửi xe (đây là bãi trông giữ, quản lý xe vi phạm giao thông của Công an TP Vĩnh Yên). Sau đó, tổ công tác giao chìa khóa xe lại cho Toàn.
Sáng hôm sau, Toàn đến bãi xe rồi tự ý lấy xe của mình về và lái đi Hà Nội. Khi phát hiện bị mất xe, người quản lý bãi xe đã tới Công an TP Vĩnh Yên trình báo. Khoảng 15 giờ cùng ngày, Toàn đến Công an TP Vĩnh Yên đầu thú, khai báo toàn bộ hành vi của mình, đồng thời giao nộp chiếc xe cho cơ quan công an.
Từ ngày 25 đến 31-3, Cơ quan CSĐT Công an TP Vĩnh Yên đã lần lượt ra quyết định tạm giữ và gia hạn tạm giữ đối với Toàn để làm rõ hành vi trộm cắp tài sản. Sau một thời gian xác minh, vừa qua Công an TP Vĩnh Yên đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam Toàn về tội trộm cắp tài sản. Hiện hồ sơ vụ án đã được chuyển lên Công an tỉnh Vĩnh Phúc để tiếp tục điều tra.
Bị can Toàn tại CQĐT và chiếc xe Toàn tự ý lấy khỏi bãi xe của cơ quan công an. Ảnh: TP
Xâm phạm quyền quản lý hợp pháp
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều chuyên gia cho rằng việc khởi tố Toàn trong trường hợp này là đúng quy định tại Điều 138 BLHS. Thực tiễn đã có không ít trường hợp tương tự bị xử lý hình sự.
Luật sư Nguyễn Toàn Thiện (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận) giải thích: Quy định trong cấu thành cơ bản của tội trộm cắp tài sản tại khoản 1 Điều 138 BLHS có cụm từ “trộm cắp tài sản của người khác” khiến nhiều người băn khoăn về trường hợp “trộm xe của chính mình”. Tuy nhiên, quy định này được hiểu là hành vi trộm cắp tài sản của chủ sở hữu hoặc của người đang có quyền, có trách nhiệm quản lý tài sản. Ở đây, Toàn đã rơi vào trường hợp trộm cắp tài sản đang do cơ quan công an có trách nhiệm quản lý hợp pháp.
Đồng tình, TS Nguyễn Duy Hưng (Trưởng khoa Luật Trường ĐH Thủ Dầu Một, Bình Dương) bổ sung: Trên giấy tờ thì chiếc xe thuộc quyền sở hữu của Toàn nhưng quyền quản lý xe thực tế vào thời điểm xe bị Toàn lấy ra khỏi bãi xe đang thuộc về cơ quan công an một cách hợp pháp (tạm giữ xe vi phạm giao thông). “Trong thời gian cơ quan công an tạm giữ xe, nếu để xảy ra việc mất xe hay hư hỏng thì cơ quan công an có trách nhiệm bồi thường cho Toàn. Như vậy, việc Toàn tự ý lấy xe mà bãi xe không hề hay biết, phải đến cơ quan công an trình báo là đã cấu thành tội trộm cắp” - TS Hưng khẳng định.
“Đã có những vụ chủ sở hữu xe hay người được chủ sở hữu giao xe quản lý bị xử lý hình sự vì vi phạm tương tự. Đây là điều rất đáng tiếc, xuất phát từ việc kém hiểu biết hay ý thức xem nhẹ pháp luật, không lường trước được hậu quả pháp lý của một số người dân” - luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM) nói.
Một số vụ bị khởi tố tương tự • Tháng 4-2015, Công an TP Biên Hòa (Đồng Nai) đã khởi tố Từ Tấn Tài và Phan Quang Vinh vì trộm cắp chiếc xe máy của Tài. Trước đó, Tài và Nguyên bị Công an phường Tân Vạn (TP Biên Hòa) tạm giữ xe máy do vi phạm giao thông. Sáng 14-4-2015, Tài cùng Vinh đến Công an phường Tân Vạn giải quyết việc vi phạm. Vinh đứng ngoài, Tài đi vào đúng lúc công an phường đang họp giao ban. Thấy không ai trông coi xe của mình, Tài ra bàn với Vinh vào trộm xe. Sau đó, Vinh lẻn vào dắt xe của Tài ra. Tài đẩy xe đến cây xăng gần đó đổ xăng thì bị người dân phát hiện, báo công an… • Đầu năm 2013, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đã phạt LMC bảy năm tù vì trộm cắp chiếc xe hơi Camry trị giá 920 triệu đồng của chính bị cáo. Trước đó, sau khi nhận được đơn tố cáo C. có hành vi lừa đảo, Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) đã đưa C. cùng chiếc xe về trụ sở làm việc. Sau đó vụ án được chuyển lên Công an TP Hà Nội và C. bị khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng VKS cùng cấp từ chối phê chuẩn. Riêng chiếc ô tô vẫn do Công an quận Tây Hồ tạm giữ. Ba tháng sau, C. lẻn vào trụ sở công an quận lái chiếc xe về gara để rửa thì bị công an bắt. • Cuối năm 2011, TAND huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) đã phạt Võ Chí Toàn sáu tháng tù treo vì cạy cửa trụ sở UBND xã trộm xe của chính mình. Trước đó, Toàn lấy xe máy chở hai người bạn chạy trên tỉnh lộ 2 đoạn đi qua xã Diên Phước. Do không đội mũ bảo hiểm, chạy xe lạng lách nên Toàn bị tổ tuần tra công an xã chặn kiểm tra. Vì Toàn không có giấy phép lái xe và giấy tờ xe, tổ tuần tra đã lập biên bản tạm giữ xe và mang xe về UBND xã. Khi biết tổ tuần tra tiếp tục đi làm nhiệm vụ, Toàn quay lại UBND xã, lấy một cây gỗ dài cạy cửa để lấy xe thì bị người dân phát hiện… |