Chiến hạm Trung Quốc bắn tên lửa trong một cuộc tập trận hồi năm 2013 ở cảng Thanh Đảo, thuộc tỉnh Sơn Đông - Ảnh: Reuters
Ngoài ra, vào ngày 27.7, Bắc Kinh cũng đã thông báo sẽ tiến hành tập trận bắn đạn thật tại biển Hoa Đông từ ngày 29.7 đến ngày 2.8, Bloomberg đưa tin.
Đợt tập trận gần vùng biển Việt Nam lần này của Trung Quốc có quy mô lớn hơn những cuộc tập trận trước đây và trùng với thời điểm Bắc Kinh chuẩn bị lễ kỷ niệm ngày thành lập quân đội 1.8.
Giới quan sát nhận định những động thái nói trên của Trung Quốc càng làm gia tăng căng thẳng với các quốc gia trong khu vực.
Bắc Kinh đã tuyên bố chủ quyền trên gần như toàn bộ biển Đông, được cho là dồi dào tài nguyên khoáng sản, dựa theo cái gọi là "đường lưỡi bò” mà nước này tự vẽ ra trên biển Đông.
Còn tại biển Hoa Đông, Trung Quốc đang có tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Nhật Bản.
Ông Suh Jin-young, một giáo sư chuyên nghiên cứu về chính trị Trung Quốc tại Trường Đại học Hàn Quốc, nhận xét các đợt tập trận lần này “khác với các đợt tập trận trước ở chỗ Trung Quốc đang tiến hành theo một cách đình đám hơn, cho thấy nước này có vẻ như đang muốn làm cho căng thẳng quân sự leo thang”.
“Nhưng trong mắt người Trung Quốc, các căng thẳng này do Mỹ, Nhật khởi xướng và Trung Quốc cho rằng họ chỉ tiến hành những gì họ vẫn đang làm hằng năm”, ông Suh nói.
Bloomberg cho biết các hoạt động của quân đội Trung Quốc trong thời gian gần đây làm ảnh hưởng đến ngành hàng không trong nội bộ nước này.
Hãng China Southern Airlines ngày 27.7 cho biết các chuyến bay của hãng hàng không này đến miền đông Trung Quốc nhiều khả năng sẽ bị hoãn trên quy mô lớn do các “hoạt động đặc biệt”.
Các hãng hàng không Trung Quốc hồi tuần rồi đã cắt giảm 1/4 số chuyến bay của mình tại hơn một chục sân bay, trong đó có 2 sân bay ở Thượng Hải, do “các cuộc tập trận liên tục”, truyền thông Trung Quốc cho hay.
Động thái này diễn ra một tuần sau khi Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) bắt đầu các cuộc tập trận bắn đạn thật kéo dài ba tháng tại 6 quân khu, bao hàm cả quân khu ở Thượng Hải, theo Tân Hoa xã.
Quân đội Trung Quốc được cho là kiểm soát khoảng 52% không phận miền đông nước này, nơi tọa lạc của các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải, theo một báo cáo công bố hồi năm 2011 của China News Service, một trong những hãng tin hàng đầu Trung Quốc.
Cơ quan hàng không dân dụng Trung Quốc sử dụng khoảng 1/5 trong tổng số các đường bay trên không phận cả nước, ông Shi Boli, một quan chức tại Tổng cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc, nói với Bloomberg hồi năm 2013.
Theo Hoàng Uy (TNO)