Một nhà xuất bản ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc đã đi ngược lại quan niệm truyền thống trong xuất bản bản đồ khi phát hành một bản đồ theo chiều dọc của Trung Quốc đại lục. Trong đó bao gồm các quần đảo thuộc chủ quyền nước khác như Senkaku/Điếu Ngư, Trường Sa, Hoàng Sa.
Đây là chiếc bản đồ khổ dọc đầu tiên của Trung Quốc trong khi theo truyền thống bản đồ Trung Quốc từ xưa đến nay đều là khổ ngang.
Sở dĩ có sự ra đời của tấm bản đồ này là vì Trung Quốc muốn "nhận vơ" một số quần đảo của nước khác là đất của mình. Theo đó bản đồ này đã ngang ngược ghi chú các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam hay quần đảo đang tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư vào lãnh thổ của Trung Quốc. Tấm bản đồ này xuất bản từ tháng 3/2013 và đang được phân phối cho các trường tiểu học và trung học của Trung Quốc.
Trong quá khứ, Trung Quốc cũng đã từng có hành động tương tự khi vẽ bản đồ "đường lưỡi bò" phi pháp lên hộ chiếu của công dân nước này. Hành động đó đã bị nhiều nước liên quan phản đối kịch liệt.
Với hành động vẽ lại bản đồ trong đó “nhận vơ” cả lãnh thổ nước khác rồi dùng để giảng dạy cho học sinh, Trung Quốc sẽ tạo ra cả một thế hệ người dân hiểu sai trái về lãnh thổ Trung Quốc.
Theo giới quan sát, trong cách nhìn của lãnh đạo Trung Quốc, những “kiềm chế” từ nước này trong quá khứ đã không làm được gì để giúp cải thiện các tranh chấp trên biển và do vậy, Bắc Kinh bắt buộc phải thay đổi hiện trạng “bằng tất cả các biện pháp cần thiết”.
Chuyên gia Richard Bitzinger thuộc ĐH Nanyang (Singapore) nhận định: “Tôi e là Trung Quốc có những hành động liên tiếp gần đây là vì họ cho rằng mình sẽ mất nếu như không cứng rắn. Một bộ phận không nhỏ người dân Trung Quốc tin rằng họ đang bị chèn ép trong tranh chấp tại biển Đông và hệ lụy nguy hiểm là Bắc Kinh sẽ lợi dụng chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và tư tưởng nước lớn của bộ phận này để tiếp tục không chịu thỏa hiệp”.
Ngay sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan thứ 2 là Nam Hải 9 ra Biển Đông, các diễn đàn mạng của nước này như bbs.tianya.cn thu hút rất nhiều lời bình luận.
Một số ý kiến cho rằng Trung Quốc cần đưa thêm nhiều giàn khoan ra nữa để khẳng định cái gọi là chủ quyền trên Biển Đông. Tiến sĩ Roberts nhận định về hiện tượng này: “Vài thập niên gần đây, hệ thống giáo dục Trung Quốc đã cấy vào đầu người dân niềm tin là Biển Đông thuộc “chủ quyền không thể tranh cãi” của nước này”.
Ông Roberts dẫn lời một giáo sư Trung Quốc kể lại: “Nếu bạn đề nghị một người Trung Quốc 50 tuổi vẽ bản đồ nước này, người đó sẽ vẽ bản đồ chỉ có Trung Quốc đại lục. Nhưng nếu đề nghị như thế với một người Trung Quốc 25 tuổi, chắc chắn tấm bản đồ sẽ xuất hiện cả Biển Đông”./.