Philippines kiện Trung Quốc như thế nào? - Kỳ 3: Tại sao Bắc Kinh “đánh bài chuồn”?

Người dân Philippines biểu tình chống Trung Quốc sau “sự kiện Scarborough” - Ảnh: Reuters

Như đã biết, Manila đã buộc lòng nộp đơn nơi Tòa án trọng tài thường trực (PCA) hôm 22-1-2013 nhờ trọng tài xử vụ tranh chấp. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Philippines cũng đã gửi thông báo cho Trung Quốc việc này.

Ngày 19-2-2013, Trung Quốc đáp trả bằng cách gửi đến Philippines một công hàm ngoại giao mô tả “lập trường của Trung Quốc về vấn đề biển Nam Hải” (tức biển Đông), rồi thẳng thừng bác bỏ và gửi trả lại thông báo của Philippines.

“Biết rõ thủ thuật của Trung Quốc!”

Như mọi công ước khác của Liên Hiệp Quốc, Công ước Luật biển (UNCLOS) cũng dự liệu trường hợp một quốc gia tham gia nào đó không vừa ý một vài điều khoản nào đó, quyền được miễn trừ các điều khoản này. Điều 298 của UNCLOS dự trù những ngoại lệ không bắt buộc đối với việc áp dụng mục 2, tỉ như khoản 1: ”Khi ký kết, phê chuẩn hay tham gia công ước, hoặc ở vào bất kỳ thời điểm nào sau đó, với điều kiện không phương hại đến các nghĩa vụ phát sinh từ mục 1, một quốc gia có thể tuyên bố bằng văn bản rằng mình không chấp nhận một hay nhiều thủ tục giải quyết các tranh chấp đã được trù định ở mục 2 có liên quan đến một hay nhiều loại tranh chấp...”.

Thế là sau khi phê chuẩn công ước, Trung Quốc đã ra tuyên bố ngày 25-8-2006 theo đó ”Chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Quốc không chấp nhận bất kỳ thủ tục quy định tại mục 2 phần XV của công ước đối với tất cả các loại tranh chấp nêu tại khoản 1 với (a), (b) và (c) điều 298 của công ước”. Thế là xong, khỏi ra tòa!

Bộ trưởng ngoại giao Albert del Rosario, trong cuộc họp báo chiều 22-1-2013, cho biết phía Philippines thừa biết rõ thủ thuật trên của Trung Quốc nên đã tránh nêu lên những vấn đề hoặc những khiếu nại khiến Trung Quốc có thể bác bỏ thẩm quyền của tòa trọng tài, tỉ như không yêu cầu tòa tuyên rằng bên nào có chủ quyền trên các đảo mà cả hai bên cùng tranh chấp, hoặc phân định bất cứ đường ranh giới trên biển nào. Trái lại, Philippines chỉ thỉnh cầu tòa xác định xem cách giải thích UNCLOS của bên nào là chính xác.

Song Trung Quốc vẫn cứ viện dẫn điều 298 để thoái thác không ra tòa!

Tuyên định thủ tục lần 1 của Tòa án trọng tài

Chuyện khước từ đó là giữa hai nước với nhau, còn Tòa trọng tài, đúng tinh thần phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển, đã nhận đăng ký yêu cầu trọng tài của Philippines, nên sau đó đã tiến hành các thủ tục cần thiết, bắt đầu là...:

La Haye, ngày 27-8-2013,

Tòa trọng tài, trong vụ nước Cộng hòa Philippines kiện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa căn cứ trên phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển, đã ban hành tuyên định thủ tục đầu tiên, thiết lập thời gian biểu sơ khởi cho công việc trọng tài, và thông qua bộ quy tắc thủ tục...

Tòa trọng tài ấn định rằng ngày 30-3-2014 là ngày mà Philippines phải nộp bị vong lục của mình. Sau đó, Tòa trọng tài sẽ quyết định quá trình tiếp theo của thủ tục tố tụng. Bộ quy tắc thủ tục cũng đề ra kế hoạch hành động trong trường hợp một trong các bên không xuất hiện trong quá trình tố tụng. Trước khi áp dụng các quy tắc về thủ tục và thời gian biểu, Tòa trọng tài dành cho mỗi bên cơ hội nhận xét về dự thảo quy định về thủ tục này.

Ngày 31-7-2013, Philippines đã gửi ý kiến về dự thảo.

Ngày 1-8-2013, Trung Quốc gửi một công hàm cho Tòa trọng tài nhắc lại quan điểm của Trung Quốc là “không chấp nhận yêu cầu trọng tài do Philippines khởi xướng“ và tuyên bố rằng “Trung Quốc sẽ không tham gia tố tụng”.

Vừa “chuồn”, vừa rủa, vừa ép

Hôm 30-3-2014, Philippines đã nộp đúng hạn bị vong lục của mình. Ngay lập tức, China Daily 1-4-2014 trong mục diễn đàn đả kích: “Philippines đã giở các chiêu trò đó vì các mục đích sau đây: thứ nhất, để mô tả mình là một kẻ yếu hòng giành lấy sự cảm thông của cộng đồng quốc tế; thứ hai, để miêu tả mình như là một người bảo vệ của pháp luật và công lý quốc tế, hòng làm hoen ố hình ảnh của Trung Quốc; và thứ ba, để hợp thức hóa việc chiếm đóng các đảo và rạn san hô có liên quan thông qua tố tụng trọng tài”.

Cạn ý, China Daily bèn giở lại luận điệu muôn thuở: ”Philippines không nên quên rằng Trung Quốc đã thực hiện chủ quyền và quyền tài phán đối với quần đảo Nam Sa từ thời xa xưa, quần đảo Nam Sa là một phần của lãnh thổ Trung Quốc đã được thu hồi bởi người dân Trung Quốc bằng máu trong cuộc chiến của họ chống lại sự xâm lược của Nhật Bản, và chủ quyền đối với quần đảo Nam Sa và các đảo khác trong vùng biển Nam Trung Hoa đã được khôi phục hoàn toàn cho Trung Quốc cả về pháp lý và thực tế sau Thế chiến thứ hai...”. Quả quyết song không dẫn chứng bất cứ một chứng cứ lịch sử cho cái “chủ quyền từ thời xa xưa” ấy cho đến ngày nay!

Đến đây, China Daily tỏ thái độ: ”Tham vấn và đàm phán là cách đúng đắn để giải quyết tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines. Chính phủ Trung Quốc luôn luôn chủ trương giải quyết tranh chấp trên đất liền và trên biển thông qua tham vấn và đàm phán. Thông lệ quốc tế chứng minh rằng tham vấn và đàm phán là cách tốt nhất để giải quyết các vấn đề như vậy”. Nghe qua thấy có vẻ hòa hiếu. Song vấn đề là tham vấn và đàm phán trong tương quan như thế nào?

Câu trả lời từ chính China Daily khi tờ báo này tự cho mình cái quyền khoan hồng cho Philippines: “Mặc cho thực tế là Philippines đã đơn phương nộp đơn trọng tài trong một nỗ lực đóng sập cánh cửa đàm phán song phương, Trung Quốc vẫn giữ cánh cửa tham vấn và đàm phán rộng mở. Trung Quốc kêu gọi Philippines khắc phục hành vi sai lầm của mình, tôn trọng cam kết của mình và sớm trở về đường ngay, giải quyết tranh chấp với Trung Quốc thông qua đàm phán song phương”.

China Daily quay qua “xực” luôn Tòa án trọng tài:

”...Công lý thuộc về phía Trung Quốc và Trung Quốc không hề nao núng. Các trọng tài sẽ chẳng tài nào lung lay được quyết tâm của Trung Quốc trong việc giữ vững chủ quyền của mình hoặc thay đổi lập trường nhất quán của Trung Quốc về vấn đề biển Nam Hải (biển Đông) cùng cách tiếp cận vấn đề này”.

Thật là ngạo mạn!

 

Tòa trọng tài không bó tay

Bất chấp thái độ của Trung Quốc, Tòa trọng tài vẫn tiếp tục công việc của mình.

La Haye, ngày 3-6-2014

...Đáp ứng tuyên định thủ tục đầu tiên của tòa ngày 27-8-2013, Philippines đã nộp bị vong lục của mình hôm 30-3-2014... Qua tuyên định thủ tục tố tụng số 2 này, Tòa án trọng tài ấn định ngày 15-12-2014 là ngày cho Trung Quốc đệ trình phản bị vong lục của mình đáp trả bị vong lục của Philippines...”.

Liệu Trung Quốc cứ muối mặt không chính thức trả lời, từ đây đến hạn chót là ngày 15-12-2014? Có hay không thì bộ mặt thật của Trung Quốc cũng đã hiện nguyên hình.

Theo DANH ĐỨC (Tuổi trẻ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm